Khởi tố thêm 7 đối tượng tội trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao

Chủ nhật, 04/12/2022 20:52
(ĐCSVN) - Khởi tố thêm 7 đối tượng trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao; 5 người chết và mất tích do thiên tai, miền Trung còn mưa lớn đến 9/12; FBI nêu quan ngại về mạng xã hội TikTok…là một số tin đáng chú ý hôm nay (4/12).

Các bị can Vũ Hồng Quang, Lý Tiến Hùng, Nguyễn Thị Hiền, Đào Minh Dương, Phạm Thị Kim Ngân (từ trái qua phải). (Ảnh: Bộ Công an.)

Khởi tố thêm 7 đối tượng trong vụ án xảy ra tại Bộ Ngoại giao

Ngày 4/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Môi giới hối lộ” (quy định tại Điều 365 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố; đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với 7 bị can.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ Luật Hình sự đối với 3 bị can: Vũ Hồng Quang (sinh năm 1977, Phó Trưởng phòng vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải); Vũ Ngọc Minh (sinh năm 1961, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola); Lý Tiến Hùng (sinh năm 1969, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, hiện là Chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “Đưa hối lộ”, quy định tại Điều 364 Bộ Luật Hình sự đối với 3 bị can: Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1987, Lao động tự do); Đào Minh Dương (sinh năm 1971,  Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vijasun); Nguyễn Thế Dũng (sinh năm 1980, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch, thương mại Sang Trọng).

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố về tội “Môi giới hối lộ”, quy định tại Điều 365 Bộ Luật Hình sự đối với Phạm Thị Kim Ngân, sinh năm 1982; Cán bộ Phòng Trị sự, Tạp chí Thanh tra - Thanh tra Chính phủ.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với các bị can nêu trên. Hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đây là diễn biến mới trong quá trình Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Gần đây, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra các quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 3 bị can: Nguyễn Hồng Hà (sinh năm 1964, nguyên cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản), về tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự; Nguyễn Lê Ngọc Anh (sinh năm 1988, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự; Hoàng Anh Kiếm (sinh năm 1978, nghề nghiệp tự do) về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, quá trình mở rộng điều tra vụ án, ngày 27/9/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với Nguyễn Quang Linh (sinh ngày 21/8/1974 tại thành phố Hà Nội, Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nơi ở hiện nay là phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Ngày 18/8/2022, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã bắt tạm giam Nguyễn Tiến Thân, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ để điều tra về hành vi "Nhận hối lộ," quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Nhận hối lộ" đối với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và 2 bị can khác gồm Phạm Trung Kiên (chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế); Vũ Anh Tuấn (nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an).

4 cán bộ của Cục Lãnh sự bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" gồm Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao); Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao).

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can: Nguyễn Mai Anh (sinh năm 1976 tại Quảng Ninh, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ); Ngô Quang Tuấn (sinh năm 1984 tại Hà Nội, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giao thông vận tải); Trần Văn Dự (sinh năm 1961 tại Thái Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an; Vũ Sỹ Cường (sinh năm 1986 tại Hưng Yên, nguyên Cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an); cùng về tội "Nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Mưa lớn những ngày qua gây ngập đường giao thông tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: kinhtedothi.vn) 

5 người chết và mất tích do thiên tai, miền Trung còn mưa lớn đến 9/12

Trong những ngày vừa qua, khu vực miền Trung xảy ra mưa lớn, nhất là các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của nhân dân.

Đáng lo ngại, theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa lớn từ 70 - 150mm, có nơi trên 200mm trong những ngày tới. Đợt mưa lớn còn có khả năng kéo dài đến ngày 9/12.

Trong đợt mưa tới, lũ trên các sông có thể lên mức báo động 1 - 2, có nơi trên báo động 2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực miền núi, ngập úng tại vùng trũng thấp, khu đô thị lớn...

Để chủ động ứng phó thiên tai, chiều 4/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, TP từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo; thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, Nhân dân chủ động phòng tránh mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Thực hiện các biện pháp phòng tránh mưa lũ, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt chia cắt. Chủ động sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng đề nghị các địa phương, bộ ngành và đơn vị quản lý hồ chứa kiểm tra, rà soát, vận hành đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, hồ chứa đã đầy nước.

Bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, chia cắt. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính... 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung trong 3 ngày qua đã khiến ít nhất 3 người chết, 2 người mất tích. Trong đó, Thừa Thiên Huế: 1 người chết và 2 người mất tích do lũ cuốn. Sóc Trăng: 2 người chết do dông lốc làm cây đổ đè vào người. 

Biểu tượng của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) (Ảnh: Reuters) 

FBI nêu quan ngại về mạng xã hội TikTok      

Phát biểu tại Trường Chính sách công Gerald R.Ford của Đại học Michigan mới đây, ông Wray cho biết FBI đang lo ngại TikTok thao túng nội dung và gây ảnh hưởng, đồng thời thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu người dùng.  

Trước đó, ông Wray từng nêu ra những lo ngại tương tự trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào tháng 11. Các vấn đề này cũng được đề cập trong cuộc đối thoại đang diễn ra ở Washington về TikTok.         

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Washington đã dọa cấm ứng dụng này ở Mỹ và gây áp lực buộc công ty ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh phải bán TikTok cho một công ty Mỹ. Hiện giới chức Mỹ và công ty này đang đàm phán về một thỏa thuận có thể giúp giải tỏa các mối lo ngại về an ninh của Mỹ.         

Trong tuyên bố qua thư điện tử, người phát ngôn của TikTok, bà Brooke Oberwetter, cho rằng những lo ngại của FBI là một phần khiến TikTok quyết định đàm phán với Chính phủ Mỹ. Mặc dù không thể bình luận chi tiết về các cuộc đàm phán, nhưng bà khẳng định TikTok đang đi con đường đúng đắn, giải tỏa đầy đủ các quan ngại an ninh của Mỹ.         

Hôm 2/12, TikTok ra tuyên bố cho biết ByteDance là một công ty tư nhân, còn công ty TikTok Inc., đơn vị cung cấp nền tảng TikTok tại Mỹ, là một công ty của Mỹ, chịu ràng buộc bởi luật pháp Mỹ.         

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 9, bà Vanessa Pappas, Giám đốc điều hành của TikTok, khẳng định công ty bảo vệ tất cả dữ liệu người dùng ở Mỹ./.


 

M.P (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực