Kiện toàn nhân sự cấp cao

Thứ năm, 08/04/2021 20:28
(ĐCSVN) - Nhiều nhân sự cấp cao được phân công và phê chuẩn; Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền; Trịnh Sướng và 38 đồng phạm hầu tòa; WHO xác nhận có liên hệ giữa vaccine AstraZeneca với tình trạng đông máu... là những tin đáng chú ý trong ngày 8/4.

Tổng Bí thư trao quyết định của Bộ Chính trị cho hai nữ Trưởng ban Đảng Trung ương

Chiều 8/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư chúc mừng đồng chí Trương Thị Mai và đồng chí Bùi Thị Minh Hoài 

Cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Lê Minh Khái và ông Lê Văn Thành cùng 12 bộ trưởng và thành viên Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị;Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.

Yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam

Chiều 8/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hàng loạt hãng thời trang đăng tải bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp trên trang web tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại tuyên bố rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Bản đồ Trung Quốc chứa "đường lưỡi bò" phi pháp là loại bản đồ không hợp pháp 

“Mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như thực tế về vấn đề biển Đông", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ.

“Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng nói, nhấn mạnh các doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam cần tôn trọng luật pháp của Việt Nam.

Tuyên bố trên của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc lợi dụng thị trường tiêu dùng khổng lồ đông dân nhất thế giới của mình nhằm gây sức ép lên các thương hiệu nước ngoài, buộc họ phải lùi bước, chấp nhận đưa bản đồ có hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào các website cũng như sản phẩm bán ở Trung Quốc cũng như trên thế giới.

Trịnh Sướng và 38 đồng phạm hầu tòa

Ngày 8/4, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” (xăng giả) lớn nhất từ trước đến nay. Đây là vụ án lớn, liên quan đến nhiều đối tượng ở 11 tỉnh, thành phố với 39 bị cáo và được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.

Các bị cáo trong vụ án này bị truy tố về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo các điểm a, b, khoản 3 và điểm đ, khoản 2, Điều 192, Bộ luật Hình sự năm 2015. Số lượng xăng bị làm giả và bán ra thị trường lên đến hàng trăm triệu lít, trị giá nhiều nghìn tỷ đồng. Các bị cáo đã thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Bị cáo Trịnh Sướng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm sáng 8/4  

Trong số 39 bị cáo, có 15 bị cáo thu lợi trái pháp luật từ 27,6 triệu đồng đến hơn 102 tỷ đồng. Bị cáo Trịnh Sướng (53 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) là người trục lợi nhiều nhất sau khi sản xuất và bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả.

Tại phiên tòa, trong số 39 bị cáo chỉ 37 bị cáo có mặt, 2 bị cáo còn lại có đơn xin xét xử vắng mặt. Dự kiến, phiên tòa xét xử sơ thẩm diễn ra từ ngày 8/4 đến ngày 28-29/4. 

Theo cáo trạng, sau thời dài gian theo dõi, thu thập bằng chứng, ngày 22/1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, bắt quả tang 2 nhóm đối tượng có hành vi bán dung môi công nghiệp cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu tại tỉnh để pha trộn với xăng nhằm bán ra thị trường, thu lợi bất chính. Đường dây này do Hồ Thị Nhẫn và Nguyễn Văn Hướng điều hành.

Kết quả điều tra xác định, nguồn gốc dung môi của Hồ Thị Nhẫn mua của vợ chồng Nguyễn Thị Kim Loan và Hoàng Thụy Minh Việt (trú tại tỉnh Đồng Nai). Các đối tượng Hướng, Loan và Việt mua dung môi của Công ty Phạm Sơn do bà Nguyễn Thị Thu Hòa (thành phố Cần Thơ) điều hành.

Trong các ngày từ 28-30/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an bắt quả tang, khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Trịnh Sướng... khi đang thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang.

Có liên hệ giữa vaccine AstraZeneca với tình trạng đông máu

Ngày 7/4, tiểu ban thuộc Ủy ban Tư vấn toàn cầu của WHO về an toàn vaccine (GACVS) đã triệu tập một cuộc họp nhằm đánh giá thông tin mới nhất do Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA), Anh và một số cơ quan dược phẩm khác đưa ra. Tại cuộc họp, GACVS cho rằng có mối quan hệ liên quan giữa vaccine và hiện tượng đông máu với tình trạng tiểu cầu thấp nhưng chưa thể khẳng định mức độ và để khẳng định điều này đòi hỏi có các nghiên cứu sâu hơn. "Những trường hợp đang được đánh giá là rất hiếm. Trong số 200 triệu người trên thế giới đã được tiêm vaccine AstraZeneca, tỷ lệ xuất hiện chứng đông máu là rất thấp" – GACVS nêu rõ.

Khẳng định "cần tiến hành nghiên cứu chuyên biệt để hiểu đầy đủ về mối quan hệ tiềm ẩn giữa tiêm chủng và các yếu tố nguy cơ", GACVS cũng cho biết "không có gì thay đổi trong khuyến nghị của WHO là tiếp tục tiêm vaccine".

Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca tiếp tục được nghiên cứu về mối liên hệ với hiện tượng đông máu 

Trước đó, ông Marco Cavaleri, phụ trách Chiến lược vaccine của EMA, ngày 6/4, tuyên bố với báo chí Italy rằng “việc hình thành cục máu đông ở một số rất ít người sau khi tiêm chủng vaccine AstraZeneca rõ ràng là có liên quan tới vaccine, nhưng chưa ai biết tường tận cơ chế gây ra phản ứng".

Tuyên bố ngày 7/4, EMA tiếp tục khẳng định: "Ủy ban An toàn của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu hôm nay kết luận rằng việc xuất hiện các cục máu đông bất thường kèm theo tiểu cầu trong máu thấp nên được liệt kê là tác dụng phụ rất hiếm gặp". "Một cách giải thích cho những tác dụng phụ rất hiếm gặp này là phản ứng miễn dịch, dẫn đến tình trạng tương tự như kiểu thường thấy ở những bệnh nhân được điều trị bằng heparin" – EMA cho biết thêm.

Theo Chủ tịch Ủy ban An toàn của EMA Sabine Straus, tính đến ngày 4/4, cơ quan này ghi nhận 169 trường hợp đông máu não hiếm gặp ở người đã tiêm vaccine AstraZeneca. EU đã triển khai tiêm 34 triệu liều AstraZeneca trong khu vực này.

Tuyên bố mới của EMA thể hiện quan điểm thay đổi của cơ quan này khi hồi tuần trước ủng hộ vaccine AstraZeneca và cho biết không có nguy cơ đông máu do tiêm chủng. Đây cũng là một đòn giáng mạnh vào AstraZeneca, công ty đi đầu trong cuộc đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi họ hợp tác với Đại học Oxford.

Tuy nhiên, cùng ngày, hãng dược phẩm AstraZeneca cho biết hai nghiên cứu vừa được Anh và EMA tiến hành đều tái khẳng định mặc dù kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ “rất hiếm hoi” giữa vaccine với hiện tượng đông máu, song lợi ích của việc tiêm chủng vẫn lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể xảy ra./.

 

Minh Châu (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực