Kinh tế Mỹ có dấu hiệu bắt đầu suy thoái

Thứ sáu, 29/07/2022 21:22
(ĐCSVN) - Kinh tế Mỹ có dấu hiệu bắt đầu suy thoái; Diễn biến lo ngại về COVID-19: Thêm ca tử vong tại Quảng Ninh; Hà Nội thí điểm tách làn ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi…là những tin đáng chú ý trong ngày 29/7.

Kinh tế Mỹ có dấu hiệu bắt đầu suy thoái

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy giảm quý thứ hai liên tiếp, báo hiệu bắt đầu suy thoái.

 Kinh tế Mỹ suy giảm 2 quý liên tiếp, báo hiệu bắt đầu suy thoái. Ảnh: AFP 

Bộ Thương mại Mỹ công bố, GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý hai sau khi đã giảm 1,6% trong quý đầu tiên năm 2022. Theo các nhà kinh tế, GDP giảm hai quý liên tiếp là dấu hiệu cho thấy kinh tế bắt đầu suy thoái.

Theo AFP,  thông tin không mấy khả quan này sẽ là một đòn giáng mạnh cho chính quyền Tổng thống Joe Biden khi Mỹ đang chuẩn bị cho một mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ đầy cam go. Các quan chức Nhà Trắng đã cố gắng giảm bớt những lời bàn tán về suy thoái, cho rằng nhiều bộ phận của nền kinh tế vẫn phát triển mạnh mẽ.

Tốc độ tăng trưởng quý 2/2022 tương phản rõ rệt với mức tăng GDP 6,9% được ghi nhận trong quý 4.2021 khi nền kinh tế bùng nổ trở lại sau khi chấm dứt các đợt đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Tốc độ tăng trưởng nhanh góp phần khiến lạm phát tăng vọt - hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm - và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) buộc phải tăng mạnh lãi suất để hạ giá.

Môi trường kinh tế thay đổi đã được phản ánh trong báo cáo GDP. Chi tiêu của người tiêu dùng - động lực lớn nhất - chậm lại trong quý 2 nhưng vẫn ở mức dương, tăng 1%. Đầu tư cố định vào xây dựng nhà ở giảm 14% và tồn kho kinh doanh chậm lại, hàng hóa do các doanh nghiệp sản xuất nhưng chưa bán được đã kéo GDP giảm xuống.

Hai quý liên tiếp GDP tăng trưởng âm được nhiều người coi là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đã đi vào suy thoái. Nhưng Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) mới là cơ quan đưa ra công bố chính thức về thời điểm suy thoái bắt đầu và kết thúc. Mặc dù số liệu GDP là yếu tố quan trọng trong phán quyết cuối cùng của NBER, nhưng cơ quan này cũng xem xét nhiều yếu tố kinh tế khác, bao gồm cả thị trường việc làm và không có khả năng sớm đưa ra quyết định.

Andrew Hunter - nhà kinh tế cao cấp của Mỹ tại Capital Economics - cho biết: “Mức giảm 0,9% của GDP trong quý 2 là đáng thất vọng nhưng không có nghĩa là nền kinh tế đang suy thoái. Điều đó nói rằng, lãi suất cao hơn và lạm phát gia tăng đang đè nặng lên nhu cầu cơ bản, và chúng tôi kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm”.

Trong khi đó, áp lực vẫn còn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Các cuộc khảo sát về niềm tin của người tiêu dùng đang giảm xuống khi lo ngại suy thoái gia tăng và tỉ lệ tín nhiệm ông Joe Biden đang ở mức thấp nhất trong nhiệm kỳ tổng thống.

Trong một tuyên bố, ông Biden cho biết “không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại khi Cục Dự trữ Liên bang hành động để giảm lạm phát. Nhưng ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với những thách thức toàn cầu lịch sử, chúng ta đang đi đúng hướng và chúng ta sẽ vượt qua quá trình chuyển đổi này một cách mạnh mẽ và an toàn hơn”.

Triển vọng kinh tế bất ổn đã gây ra tình trạng bán tháo trên các thị trường chứng khoán trên thế giới và khiến một số nhà kinh tế dự đoán một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Gần 70% các nhà kinh tế học hàng đầu được Financial Times thăm dò vào tháng trước dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái vào năm tới. 

Hà Nội thí điểm tách làn ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi

Sở GTVT Hà Nội sẽ thí điểm tách riêng làn ô tô, xe máy trên trục đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở- Khuất Duy Tiến), thực hiện từ ngày 6/8.

Ngày 29/7, Sở Giao thông vận tải Hà Nội có thông báo về việc thí điểm điều chỉnh tổ chức giao thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở- Khuất Duy Tiến), quận Thanh Xuân.

Theo Sở GTVT Hà Nội, tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến đến nút giao hầm chui Thanh Xuân) có chiều dài 2,1 km, rộng 19-23m, 5 làn xe mỗi chiều.

1 đoạn đường Nguyễn Trãi.

Hiện tại, tuyến đường có 2 làn ôtô được bố trí sát dải phân cách, 2 làn xe hỗn hợp và một làn xe máy, xe đạp sát vỉa hè. Các làn xe được phân với nhau bằng vạch sơn, biển báo. Vào giờ cao điểm, tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, phương tiện ôtô, xe máy đan xen nhau rất khó di chuyển.

Để giảm xung đột và tăng tốc độ lưu thông cho ôtô, xe máy, Sở GTVT Hà Nội đưa ra phương án cho sử dụng dải phân làn “cứng” tách riêng các loại phương tiện như xe máy, ôtô đi theo làn đường riêng.

Cụ thể, Sở GTVT sẽ thí điểm ở cả 2 chiều đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân). Tổ chức phân làn phương tiện theo hướng: 2 làn sát vỉa hè dành cho xe máy, xe buýt hoạt động, 3 làn sát dải phân cách cho ô tô di chuyển.

Sở GTVT Hà Nội sẽ điều chỉnh phân làn phương tiện bằng dải phân cách cứng (mũi tên phản quang, trụ chống va xô bằng lốp, hàng rào di động…) kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Thời gian phân luồng thí điểm sẽ kéo dài 1 tháng, từ ngày 6/8- 6/9/2022.

Trong thời gian thí điểm, Sở GTVT Hà Nội sẽ bố trí lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với Phòng CSGT Công an Hà Nội và Công an quận Thanh Xuân tổ chức, hướng dẫn cho các phương tiện tham giao thông.

Trước đó, cuối tháng 6, Sở GTVT đã có đề xuất UBND TP Hà Nội cho thí điểm tổ chức giao thông trên đường Nguyễn Trãi, dự kiến ngày 15/7 tổ chức thí điểm trong 15 ngày. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch được lùi so với dự kiến gần 1 tháng.

Diễn biến đáng lo ngại về COVID-19: Thêm ca tử vong tại Quảng Ninh

Bản tin chiều 29/7 của Bộ Y tế cho biết số ca mắc COVID-19 trong nước tiếp tục tăng lên mức 1.803 ca, cao nhất trong hơn 1 tháng qua. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực đang phải chống chọi với đợt dịch mới.

Ảnh minh họa: Ngọc Thành 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.776.484 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.713 ca nhiễm).

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.077 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.897.545 ca.

Số bệnh nhân đang thở oxy là 45 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 43 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 2 ca; Thở máy không xâm lấn: 0 ca; Thở máy xâm lấn: 0 ca; ECMO: 0 ca.

Từ 17h30 ngày 28/7 đến 17h30 ngày 29/7 ghi nhận 1 ca tử vong tại Quảng Ninh.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.093 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Trong ngày 28/7 có 933.258 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 244.757.059 liều./. 

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực