Kỷ luật ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Thứ ba, 15/11/2022 21:36
(ĐCSVN) – Kỷ luật ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Bắt cựu Đội trưởng quản lý trật tự đô thị lừa bán đất gần 29 tỷ đồng; Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người; OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (15/11).

Kỷ luật ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

Thi hành kỷ luật đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. (Ảnh: baochinhphu.vn) 

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 1421/QĐ-TTg ngày 15/11/2022 về việc thi hành kỷ luật đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Quyết định nêu rõ, thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Thời gian thi hành kỷ luật tính từ thời điểm công bố Quyết định số 580-QĐ/TW ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về thi hành kỷ luật đảng.

Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW), từ ngày 20 – 22/6, tại Hà Nội, UBKTTW đã họp kỳ thứ 16 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú.

Tại kỳ họp, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy và một số cá nhân ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn), UBKTTW nhận thấy, Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Hội đồng Thành viên, một số lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị cấp dưới vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư một số dự án, trong quản lý, khai thác than tại tỉnh Quảng Ninh; nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, một số bị xử lý hình sự.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng; ảnh hưởng xấu đến kết quả sản xuất, kinh doanh, đến uy tín của tổ chức đảng và Tập đoàn.

Từ đó, UBKTTW quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025 và ông Lê Minh Chuẩn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên.

Bắt cựu Đội trưởng quản lý trật tự đô thị lừa bán đất gần 29 tỷ đồng

 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đọc lệnh bắt tạm giam Lê Văn Bình (trái), nguyên Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị Thị xã Cửa Lò về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết đã khởi tố, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Văn Bình (52 tuổi, trú tại phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), nguyên Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Từ năm 2005 – 2015, Lê Văn Bình từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò. Lợi dụng mong muốn kiếm tiền nhanh của các nạn nhân, với vỏ bọc là Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị thị xã Cửa Lò, Lê Văn Bình đã tiếp cận và thông tin rằng mình biết các thửa đất có vị trí đẹp, có khả năng sinh lời cao, sau đó thuyết phục, kêu gọi nạn nhân góp vốn chung để đầu tư bất động sản tại thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc và thành phố Vinh với số tiền lên hàng chục tỷ đồng. Thông tin các thửa đất mà Lê Văn Bình đưa ra để kêu gọi đầu tư chung là gian dối, thực tế Lê Văn Bình không tham gia mua bán các thửa đất tại những địa phương trên.

Bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, với thủ đoạn trên, trong thời gian từ tháng 1 – 4/2021, Lê Văn Bình đã kêu gọi, nhận tiền góp vốn chung, lừa đảo của 4 bị hại tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng số tiền gần 29 tỷ đồng.

Khám xét chỗ ở của Lê Văn Bình, Cơ quan Công an đã thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến thỏa thuận, cam kết mua bán đất giữa đối tượng và các bị hại. Lực lượng chức năng cũng phong tỏa 2 tài khoản ngân hàng của Lê Văn Bình để phục vụ quá trình điều tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An thông báo ai là bị hại của đối tượng Lê Văn Bình cần đến Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An để trình báo, giải quyết.

Dân số thế giới chạm mốc 8 tỷ người

Các em nhỏ tại tỉnh Hà Giang, Việt Nam. (Ảnh: Khánh Linh)

Ngày 15/11/2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người. Và công dân thứ 8 tỷ trên thế giới là một bé gái người Philippines chào đời lúc 1h29 (theo giờ địa phương) tại Bệnh viện Tưởng niệm Bác sỹ Jose Fabella, Bệnh viện Phụ sản quốc gia ở thủ đô Manila. Bé gái được đặt tên là Vinice Mabansag.

Dấu mốc 8 tỷ người đạt được 12 năm sau khi dân số toàn cầu chạm ngưỡng 7 tỷ, đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.

Liên hợp quốc khẳng định rằng bằng cách bảo vệ các quyền lợi và lựa chọn của tất cả mọi người, với cột mốc dân số 8 tỷ người, loài người đang nắm giữ chìa khóa giải phóng những tiềm năng không giới hạn của mỗi một cá nhân trên toàn thế giới để cùng giải quyết các thách thức và những vấn đề toàn cầu đang cản trở nhân loại.

Theo Quỹ Dân số thế giới (UNFPA) của Liên hợp quốc, dân số 8 tỷ là nguồn lực to lớn để cùng thực hiện những mục tiêu đã đề ra về phát triển con người, bởi đây là nguồn lao động dồi dào và quý báu.

Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với quy mô nguồn nhân lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, tạo ra lực lượng lao động đông đảo, đủ mạnh để thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội phát triển, để mỗi quốc gia thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đặc biệt, thời kỳ "dân số vàng" (dân số có khả năng lao động chiếm tỷ lệ cao) là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển bền vững, bởi nguồn lao động dồi dào sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Việt Nam cũng đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động (khoảng 65 triệu người).

Theo ước tính, đến giai đoạn 2034 – 2039, con số này sẽ lên đến cực đại, với khoảng 72 triệu người, và đây là dư lợi lớn của dân số vàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Cột mốc 8 tỷ người cũng là thước đo phản ánh sự phát triển của xã hội loài người.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định dân số thế giới cán mốc 8 tỷ chính là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học công nghệ, cải tiến về dinh dưỡng, y tế cộng đồng và vệ sinh môi trường.

Cùng chung nhận định về dấu mốc dân số thế giới đạt mốc 8 tỷ người vào năm nay, Giám đốc điều hành UNFPA Tiến sĩ Natalia Kanem cho rằng: Đây là một câu chuyện thành công, không phải là một kịch bản về ngày tận thế. Thế giới của chúng ta, bất chấp tất cả những thách thức, là một thế giới mà tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử. Thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo và những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Dân số thế giới tăng chứng tỏ rằng một phần tuổi thọ tăng và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ giảm.

Tuy là một dấu mốc phát triển của loài người nhưng theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, con số 8 tỷ người  cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm chung của nhân loại trong việc quan tâm đến hành tinh. Bởi dân số ngày càng gia tăng và già hóa cũng là một thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, cũng như việc bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân.

OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ

 OPEC tiếp tục hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ. (Ảnh: The Guardian)

Trong báo cáo hàng tháng vừa được công bố, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2022 và 2023, viện dẫn những thách thức kinh tế ngày càng lớn, trong đó có lạm phát và lãi suất cao.

Theo đó, OPEC dự báo, mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lần lượt ở mức 2,5 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 2,2 triệu thùng/ngày năm 2023. OPEC cho rằng tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và năm 2023 sẽ lần lượt ở mức 99,6 triệu thùng/ngày và 101,8 triệu thùng/ngày, thấp hơn 100.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó.

OPEC dự báo nhu cầu dầu tại các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay và 0,3 triệu thùng/ngày trong năm 2023, trong khi mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của các nền kinh tế ngoài OECD dự kiến là 1,3 triệu thùng/ngày cho năm 2022 và 1,9 triệu thùng/ngày cho năm 2023.

Báo cáo của OPEC cho biết nền kinh tế thế giới đã bước vào giai đoạn tiềm ẩn nhiều rủi ro và đối mặt với thách thức ngày càng lớn trong quý IV năm nay. Các rủi ro này xuất phát từ những căng thẳng địa chính trị hiện nay, tác động của chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc, các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng, việc các Ngân hàng Trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ, tỷ lệ nợ công cao tại nhiều khu vực, thị trường lao động ngày càng thu hẹp…

OPEC nhận định bên cạnh những rủi ro, vẫn còn nhiều nhân tố tích cực tác động đến kinh tế. Vì vậy, tổ chức này vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022 và 2023. Báo cáo này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC và các đối tác (OPEC+) vào ngày 4/12 tới đây nhằm thảo luận về các chính sách tiếp theo./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực