Lạm phát ở khu vực Eurozone chạm mức kỷ lục

Thứ hai, 31/10/2022 20:19
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Lạm phát ở khu vực Eurozone lên mức cao kỷ lục; Ít nhất 132 người thiệt mạng trong vụ sập cầu ở Ấn Độ; Bắt thêm 3 người trong vụ nổ súng ở Phú Quốc; Đề nghị truy tố hai nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ là những tin tức đáng chú ý trong ngày 31/10.

Lạm phát ở khu vực Eurozone lên mức cao kỷ lục gần 10%

Theo báo cáo công bố ngày 31/10 của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), mức tăng trưởng giá tiêu dùng của 19 nước sử dụng đồng euro trong tháng 10 đã lên tới 10,7%, tăng so với mức tăng 9,9% của tháng trước đó và vượt mức dự báo 10,2% được đưa ra trước đó. Trong đó, Đức, Italy và Pháp là 3 nước có mức lạm phát cao nhất. 

Bên cạnh yếu tố chính thúc đẩy lạm phát "leo thang" là giá năng lượng tăng cao, giá thực phẩm và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu cũng tác động phần nào về mặt bằng chung chi phí sinh hoạt. 

Lạm phát ở khu vực Eurozone chạm mức kỷ lục

Trong 3 tháng qua, ECB đã điều chỉnh lãi suất tăng tổng cộng 200 điểm cơ bản và nhiều khả năng thể chế tài chính này sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất vào tháng 12 tới để kiềm chế lạm phát. 

Tuy nhiên, trên thực tế, các thị trường đã bắt đầu dự đoán về khả năng ECB giảm tốc tăng lãi suất khi suy thoái bùng phát và giá khí đốt đã bắt đầu giảm từ mức cao kỷ lục. 

Ngày 27/10, ECB quyết định tăng lãi suất chủ chốt thêm 0,75% lên 2%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 3 liên tiếp và là lần tăng lớn thứ hai trong lịch sử của ngân hàng này. Cụ thể, ECB tăng lãi suất tiền gửi lên 1,5% và lãi suất tái cấp vốn lên 2%. Nhưng mức lãi suất này vẫn thấp hơn 3,2% mà thị trường định giá chỉ trong vài tuần trước.

Hiện các nhà kinh tế kỳ vọng khu vực này sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong quý I/2023 và cuộc suy thoái như vậy có khả năng làm giảm phát tự nhiên, qua đó giảm tải áp lực cho ECB. 

 Vụ sập cầu ở Ấn Độ: Ít nhất 132 người thiệt mạng

 Cảnh sát Ấn Độ ngày 31/10 cho biết số người thiệt mạng trong vụ sập cầu cáp treo qua sông Machchu thuộc thị trấn Morbi, bang Gujarat (miền Tây), đã đã lên tới ít nhất 132 người trong khi hơn 130 người đã được giải cứu. 

 Trước đó, chiều tối 30/10, dây cáp của cầu treo bị đứt khi gần 500 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đang có mặt ở khu vực cầu để hành lễ trong dịp Lễ hội tôn giáo Diwali, khiến một phần cấu trúc cầu gãy, làm nhiều người rơi xuống sông Machchu bên dưới. Người đứng đầu cơ quan cảnh sát thị trấn Morbi, ông P. Dekavadiya cho biết: “Chúng tôi đã vớt được 120 thi thể. Con số này có thể còn tăng và công tác tìm kiếm vẫn đang được tiến hành khẩn trương”.

 Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân và giải cứu những người mắc kẹt tại hiện trường sập cầu treo trên sông Machchu ở Morbi, bang Gujarat, Ấn Độ, rạng sáng 31/10/2022
(Ảnh: AFP/TTXVN)
  Cây cầu treo gần 150 năm tuổi này đã ngừng hoạt động trong 2 năm qua và mới được thông cầu trở lại hôm 26/10 sau 7 tháng sửa chữa nhưng chưa có giấy chứng nhận an toàn. Cầu dài 233m và rộng 1,5m, được làm bằng vật liệu nhập từ Anh, khánh thành vào năm 1880 trong thời thuộc địa của Anh.

Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng tiến hành cứu hộ ngay sau khi vụ việc xảy ra, điều động nhiều tàu thuyền và thợ lặn để tìm kiếm người mất tích trong suốt đêm. 

 Vụ nổ súng Phú Quốc: Bắt thêm 3 người

 Chiều 31/10, đại tá Diệp Văn Thế - Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang - cho biết công an bắt thêm 3 người có liên quan đến vụ nổ súng ở Bến Tràm và tịch thu khẩu súng bắn đạn hoa cải khiến nhiều người thương vong.

Theo đại tá Thế, sau hơn bốn ngày (tức từ ngày 27-31/10), Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt được 38 người có liên quan đến vụ nổ súng trên. Đồng thời, Công an tỉnh Kiên Giang cũng đã khởi tố Võ Văn Lương (tức hai Lượng, ngụ ở Cà Mau) và những người còn lại có liên quan đến vụ án trên về tội giết người và gây rối trật tự công cộng.

Đoàn Thiên Long (ngụ ở TP HCM) là người dùng súng bắn trực tiếp vào các nạn nhân
(Ảnh: Cơ quan công an cung cấp)

Đêm 30/10, lực lượng chức năng địa phương cũng đã tịch thu cây súng bắn đạn hoa cải mà Đoàn Thiên Long (ở TP.Hồ Chí Minh) - người trực tiếp dùng súng bắn vào các nạn nhân. 

Hiện, Công an tỉnh Kiên Giang đang tập trung tuần tra, kiểm soát và mở rộng điều tra, sớm bắt thêm những người có liên quan đến vụ nổ súng. 

Trước đó, khoảng 11h30 trưa 27/10, ở khu vực Bến Tràm, xã Cửa Dương đã xảy ra vụ nổ súng đã làm 2 người chết và 4 người bị thương được đưa vào Trung tâm Y tế Phú Quốc điều trị.

Lực lượng chức năng địa phương xác định nguyên nhân là do mâu thuẫn tranh chấp đất đai giữa nhóm Võ Văn Lương và Bùi Minh Trung (ngụ ở Cà Mau - hiện ở phường Dương Đông, TP Phú Quốc) với nhóm Khúc Văn Đoài (ở xã Cửa Dương).

 Đề nghị truy tố hai nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ

Ngày 31/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành kết luận điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ  và các đơn vị liên quan.

C03 đề nghị truy tố hai nguyên giám đốc Y tế Cần Thơ gồm Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu. Thời điểm bị bắt, ông Chu đương chức Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ .

Theo kết luận, bị can Bùi Thị Lệ Phi là người đứng đầu Sở Y tế Cần Thơ, chịu trách nhiệm quản lý vốn của Nhà nước để đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Bị can Phi cũng là đại diện chủ đầu tư ký trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, bố trí vốn cho 4 gói thầu. 

Đề nghị truy tố hai nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ. Ảnh: TT. 

C03 đề nghị truy tố hai nguyên giám đốc Y tế Cần Thơ gồm Bùi Thị Lệ Phi và Cao Minh Chu. Quá trình đấu thầu, bà Phi đã có hành vi trao đổi, bàn bạc với Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Chủ tịch hội đồng sáng lập Tập đoàn Hành trình thành công mới (NSJ Group)), thống nhất về danh mục hàng hóa đầu tư, giá trị thiết bị để tạo điều kiện cho Công ty NSJ và Công ty Bình An trúng 4 gói thầu. 

Nguyên giám đốc Sở chỉ đạo cấp dưới trao đổi, tiếp nhận tài liệu, hồ sơ kỹ thuật, báo giá do công ty của Nga cung cấp. Từ hồ sơ được tuồn trước này, Sở Y tế cùng với Công ty BTC Value đã thẩm định trái quy định pháp luật nhằm mục đích giúp NSJ, Công ty Bình An trúng 4 gói thầu. 

Cơ quan điều tra còn cho rằng đủ căn cứ xác định: dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi tổ chức đấu thầu, nguyên giám đốc Sở Y tế Bùi Thị Lệ Phi đã nhận 3 tỉ đồng cho cá nhân mình và 200 triệu cho Sở từ Hoàng Thị Thúy Nga. Hành vi của bà Phi bị xác định phạm vào tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 33 tỉ đồng. Bà Phi bị cáo buộc có vai trò chủ mưu cầm đầu và có yếu tố vụ lợi trong vụ án này. 

Nguyên giám đốc Sở Y tế Cao Minh Chu, giai đoạn từ tháng 11/2011 đến tháng 1/2020 có vai trò là Phó giám đốc, Trưởng ban quản lý dự án. Ông Chu chịu trách nhiệm lập hồ sơ dự án, hồ sơ mời thầu… Tuy nhiên ông Chu cùng với bà Phi đã có hành vi bàn bạc với Hoàng Thị Thúy Nga để đạo điều kiện cho công ty của Thúy Nga trúng thầu. Ngoài ra kết quả điều tra đủ căn cứ xác định ông Chu đã nhận 200 triệu đồng của Công ty NSJ nhưng không chứng minh được việc sử dụng số tiền này nên ông phải chịu trách nhiệm.

C03 cũng đề nghị truy tố bị can Hoàng Thị Thuý Nga, nguyên Chủ tịch NSJ Group, Lê Huy Bình, nguyên phó tổng giám đốc NSJ Group và 16 người khác./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực