Liên hợp quốc hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 20/02/2021 19:57
(ĐCSVN) - Liên hợp quốc hoan nghênh Mỹ trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; Thêm 6 ca mắc mới COVID-19 tại Hải Dương; Nam giới tử vong trong khách sạn ở Tam Đảo ở Vĩnh Phúc không mắc COVID-19; Thủ tướng Thái Lan vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội; Chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu; Nghị sĩ Mỹ thúc đẩy dự luật hỗ trợ các hãng tin tức đàm phán với Facebook và Google… là những tin tức đáng chú ý diễn ra trong ngày 20/2.

Liên hợp quốc hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu

 Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres phát biểu trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến đánh dấu sự trở lại của Mỹ hôm 19/2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và kêu gọi hành động toàn cầu để đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) nêu rõ đây là một tin tốt lành cho nước Mỹ nói riêng và thế giới chung. Theo ông, trong 4 năm qua, sự vắng mặt của Mỹ với tư cách là một bên đóng vai trò quan trọng đã tạo ra lỗ hổng trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, có thể ví như "một mắt xích bị thiếu làm suy yếu toàn bộ".

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh Hiệp định Paris là một thành tựu lịch sử, nhưng những cam kết đưa ra cho đến nay vẫn là chưa đủ. Thậm chí nhiều cam kết được nêu ra trong văn bản này cũng chưa được thực hiện đầy đủ. 6 năm kể từ năm 2015, thời điểm các nước đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng là 6 năm thế giới nóng nhất.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho rằng, hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), vào tháng 11 tới sẽ là một cơ hội then chốt; các chính phủ sẽ đưa ra những quyết định về tương lai của con người và hành tinh. Mỹ cùng với tất cả các thành viên của G20 có vai trò quyết định trong việc thực hiện ba mục tiêu chính: tầm nhìn dài hạn, thập kỷ chuyển đổi và hành động khí hậu khẩn cấp.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là cơ hội để các nước tái thiết nền kinh tế mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, cần phải đầu tư vào một nền kinh tế xanh, tạo ra việc làm ổn định, được trả lương cao để đảm bảo sự thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn.

Thêm 6 ca mắc mới COVID-19 tại Hải Dương

 Ảnh minh họa. Nguồn: CPV 

Thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, tính từ 6h đến 18h ngày 20/2, Việt Nam ghi nhận thêm 6 ca mắc mới tại tỉnh Hải Dương.

Đó là các ca bệnh từ số 2363 đến số 2368 và đều là F1, đã được cách ly tập trung trước đó.

Hiện có 02 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh và 04 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 20/2, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 2.368 ca mắc COVID-19. Việt Nam đã chữa khỏi 1.627 bệnh nhân mắc COVID-19; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến COVID-19 trên nền bệnh lý trầm trọng.

Hiện, cả nước có 125.572 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 đang được cách ly theo dõi sức khỏe; trong đó 594 người được cách ly tại bệnh viện; 13.316 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 111.662 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Nam giới tử vong trong khách sạn ở Tam Đảo ở Vĩnh Phúc không mắc COVID-19

Chốt kiểm soát ở lối đi lên núi Tam Đảo cũng được thành lập để hạn chế người và xe ra vào - Ảnh: Hoàng Đạt-Tùng Lâm/Vietnam+ 

Chiều 20/2, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc ở Vĩnh Phúc cho biết: Nam giới tử vong tại khách sạn ở thị trấn Tam Đảo (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) vào đêm 19/2 có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp được xác định là ông Nguyễn Thế Dũng, sinh năm 1975, trú ở quận Long Biên, Hà Nội.

Trước đó, sáng sớm 20/2, các ngành chức năng ở tỉnh Vĩnh Phúc nhận được thông tin về việc có một nam giới tử vong tại khách sạn trên địa bàn thị trấn Tam Đảo. Được biết, ông Nguyễn Thế Dũng cùng vợ và con đi ô tô từ Hà Nội lên và thuê phòng nghỉ tại một khách sạn trên đỉnh núi Tam Đảo. Tối 19/2, ông Dũng có uống rượu trong khi có tiền sử huyết áp cao.

Cơ quan chức năng bước đầu xác định, có khả năng nạn nhân tử vong do cảm lạnh hoặc do tai biến mạch máu não.

Thủ tướng Thái Lan vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha phát biểu trong cuộc họp báo tại Bangkok. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng 9 bộ trưởng trong Nội các Thái Lan ngày 20/2 đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội theo kiến nghị của phe đối lập.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc 10h30 sáng 20/2 sau 4 ngày tranh luận từ ngày 16-19/2.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhận được 272 phiếu ủng hộ, 206 phiếu chống và 3 phiếu trắng. Trong số 3 Phó Thủ tướng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul nhận được nhiều phiếu ủng hộ nhất là 275 phiếu, trong khi Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan nhận được 274 phiếu ủng hộ và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit được 268 phiếu.

Các thành viên nội các còn lại là Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paochinda được 272 phiếu ủng hộ, Bộ trưởng Giáo dục Nataphol Teepsuwan 258 phiếu, Bộ trưởng Lao động Suchart Chomklin 263 phiếu, Bộ trưởng Giao thông Saksayam Chidchob  268 phiếu, Thứ trưởng Nội vụ Niphon Bunyamanee 272 phiếu và Thứ trưởng Nông nghiệp Thamanat Prompow 274 phiếu.

Trong khi đó, các nhóm phản đối chính phủ đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình tại giao lộ Kiak Kai gần tòa nhà quốc hội vào chiều 20/2. Trước thông tin về cuộc biểu tình, các nhà chức trách Thái Lan đã lên kế hoạch triển khai hơn 12.000 cảnh sát kiểm soát đám đông vào cuối tuần, bao gồm 12 đại đội thuộc Sở cảnh sát vùng đô thị Bangkok (MPB) và 69 đại đội hỗ trợ từ các tỉnh lân cận.

Chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu

 Chất lượng môi trường không khí tại các Đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu - Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngày 20/2, theo trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air (do Công ty Cổ phần Tư vấn và Tích hợp công nghệ D&L quản lý), nhiều tỉnh, thành phố thuộc miền Bắc có chỉ số chất lượng không khí (AQI) màu đỏ (ở mức xấu), màu cam (ở mức kém) và màu vàng (ở mức trung bình).

Đáng lưu ý, một vài điểm thuộc miền Bắc có chỉ số chất lượng không khí màu tím (ở mức rất xấu) cảnh báo có ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: Phú Xuyên (Hà Nội), thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Thư viện Yên Bình (Yên Bái).

Khu vực Nam Bộ, phần lớn các điểm, chỉ số chất lượng không khí có màu xanh (ở mức tốt) không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Ứng dụng AirVisual (là sản phẩm của Tổ chức IQAir- sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí) dự báo, trong 7 ngày tới từ 20-27/2, chỉ số chất lượng không khí của Hà Nội vẫn còn ở mức xấu (có hại cho sức khỏe) từ 151-200.

Theo Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong các tháng đầu năm 2021, chất lượng môi trường không khí tại các đô thị phía Bắc vẫn còn ở mức xấu. Một số đợt ô nhiễm không khí có thể sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để có các biện pháp ứng phó, giảm thiểu tác động. Người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời vào ban đêm và sáng sớm, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, sử dụng loại khẩu trang ngăn được bụi mịn khi không khí ô nhiễm.

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí không phải bây giờ mới bùng phát mà đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu, do cộng hưởng từ tình trạng thời tiết hanh khô gây cháy rừng... Ngoài ra việc các công trình lớn được xây dựng hàng loạt, lượng khí thải từ xe cộ, khí thải công nghiệp tăng đáng kể, hay đốt rơm rạ… đã làm trầm trọng hơn tình hình ô nhiễm không khí.

Nghị sĩ Mỹ thúc đẩy dự luật hỗ trợ các hãng tin tức đàm phán với Facebook và Google

Biểu tượng của Facebook và Google trên màn hình máy tính bảng. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 19/2, Hạ nghị sĩ Ken Buck, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại bộ phận chống độc quyền thuộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ, cho biết trong những tuần tới, các thành viên lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ có kế hoạch đưa ra một dự luật nhằm hỗ trợ các tổ chức, hãng tin tức nhỏ trong việc đàm phán với các tập đoàn công nghệ lớn.

Hạ nghị sĩ Ken Buck cho biết, dự luật trên được thúc đẩy vào thời điểm Chính phủ Australia đang trong một cuộc chiến gay cấn với Facebook.

"Gã khổng lồ" công nghệ này đã chặn việc đăng tải tin mới trên các trang và nền tảng của mình, bao gồm cả các thông tin về từ thiện, dịch vụ y tế và tình trạng khẩn cấp, như một phần trong cuộc tranh cãi về một dự luật được đề xuất tại Australia, theo đó yêu cầu Facebook và Google trả tiền cho các hãng tin đã sử dụng các nền tảng của họ để chia sẻ tin tức, hoặc đồng ý với một mức giá thông qua trọng tài.

Theo Hạ nghị sĩ Ken Buck, các hạ nghị sĩ trong ủy ban tư pháp nói trên sẽ đưa ra một loạt dự luật chống độc quyền, trong đó dự luật đầu tiên nếu được thông qua trong những tuần tới sẽ cho phép các hãng tin tức nhỏ thương lượng chung với Facebook và Alphabet của Google. Dự luật trên sẽ tương tự như một dự luật được Hạ nghị sĩ David Cicilline đưa ra năm 2019, trong đó cho phép các nhà xuất bản tin tức nhỏ kết hợp với nhau để đàm phán với các tập đoàn lớn như Facebook và Google.

Trước đó, ngày 17/2, Facebook thông báo sẽ hạn chế chia sẻ các nội dung tin tức ở Australia. Quyết định này đã khiến hơn 17 triệu người dùng ở Australia đã không đọc được hay chia sẻ tin tức từ các trang của các tờ báo địa phương trên nền tảng này.

Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới cho biết động thái này là nhằm phản đối việc Quốc hội Australia đang xem xét thông qua dự thảo yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí Australia khi tin tức được chia sẻ trên các nền tảng công nghệ này…/.

 

Phạm Cường (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực