Malaysia và Singapore chính thức hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc

Thứ sáu, 01/01/2021 20:08
(ĐCSVN) - Người phụ nữ nhập cảnh trái phép âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; An Giang khởi tố 5 bị can tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép; từ 1-2/1, chỉ số tia cực tím ở miền Bắc có nguy cơ gây hại cao; miền Nam có nguy cơ gây hại cao đến rất cao; Malaysia và Singapore chính thức hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc có vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 1/1.

Người phụ nữ nhập cảnh trái phép âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2

 Xét nghiệm mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm SARS-CoV-2 (Nguồn ảnh: TTXVN)

Sáng 1/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, các cơ quan chức năng đã tìm thấy người phụ nữ nhập cảnh trái phép cùng bệnh nhân 1451, 1453 tại quận Tân Phú và kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy người này âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.

Trong đêm 31/12, các cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp và tìm thấy người phụ nữ nhập cảnh trái phép về Việt Nam cùng với bệnh nhân 1451 và 1453, trên địa bàn quận Tân Phú.

Ngay lập tức, người phụ nữ này cùng 23 trường hợp tiếp xúc gần đã được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Đến sáng 1/1, kết quả xét nghiệm lần 1 của 24 trường hợp này đều âm tính với virus SARS-CoV-2.

Ủy ban nhân dân quận Tân Phú đã tiến hành phong tỏa tạm thời một đoạn đường Nguyễn Văn Vịnh thuộc địa bàn phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, nơi người phụ nữ nhập cảnh trái phép cư trú.

Trước đó, trong chiều 31/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã phát thông báo truy tìm một người phụ nữ nhập cảnh trái phép chung với 4 bệnh nhân 1440, 1451, 1452, 1453.

Nhóm nhập cảnh trái phép về Việt Nam gồm 9 người. Ngoài 6 người đã bị phát hiện trước đó thì đến ngày 31/12 phát hiện có thêm 3 người phụ nữ khác. Trong nhóm 3 người này có 1 người di chuyển về tỉnh Cà Mau, 2 người về Thành phố Hồ Chí Minh (trong đó có 1 người sau đó đã di chuyển về tỉnh Tây Ninh). Hiện cả 3 trường hợp này đều đã được đưa đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và đều có kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2.

An Giang khởi tố 5 bị can tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép

Tuần tra kiểm soát biên giới trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang  (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)

Ngày 1/1/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố 5 bị can liên quan đến đường dây "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép"  theo khoản 2, điều 348, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, ngày 30/12/2020, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang đã ra Quyết định số 242/QĐ-ANĐT về việc khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" xảy ra tại huyện An Phú, tỉnh An Giang vào ngày 24/12/2020.

Mở rộng điều tra vụ án Cơ quan An Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố 5 bị can, gồm: Phan Phi Hùng (sinh năm 1979, ngụ ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang); Trương Chí Tài (sinh năm 1991, cư trú tại ấp Búng Nhỏ, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang); Lê Văn Dinh (sinh năm 1990, cư trú tại ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang); Phạm Thanh Hập (sinh năm 1990, cư trú tại ấp Bình Di, xã Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) và Trang Văn Út, (sinh năm 1989, cư trú tại ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Bước đầu, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh An Giang  xác định Phan Phi Hùng chính là người móc nối với các đối tượng bên Campuchia để đưa nhóm cùng bệnh nhân 1.440 vượt biên trái phép vào Việt Nam qua biên giới An Giang vào ngày 24/12.

Riêng các đối tượng Tài, Dinh, Hập, Út được xác định là do bị can Phan Phi Hùng móc nối để chở người nhập cảnh trái phép qua đường biên thuộc huyện An Phú đi thành phố Châu Đốc hoặc chở đến các địa điểm mà người vượt biên yêu cầu.

Ngoài khởi tố 5 bị can nêu trên, hiện Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án và truy bắt các đối tượng có liên quan để sớm xử lý thật nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.

Từ 1-2/1, chỉ số tia cực tím ở miền Bắc có nguy cơ gây hại cao; miền Nam có nguy cơ gây hại cao đến rất cao

 Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, ngưỡng chỉ số tia cực tím (UV) từ ngày 1-2/1, các thành phố miền Bắc ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao, các thành phố miền Nam ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao đến rất cao.

Cụ thể, từ ngày 1-2/1, chỉ số tia UV tại thành phố Hà Nội lần lượt là 6 và 6; thành phố Hải Phòng 6,2 và 6; thành phố Hạ Long 6,1 và 6; Thành phố Hồ Chí Minh là 7,5 và 7; thành phố Cần Thơ 7,9 và 7; thành phố Cà Mau là 8,5 và 7 (chỉ số tia UV từ 3-5 là nguy cơ gây hại trung bình, từ 6-8 nguy cơ gây hại cao, chỉ số tia UV trên 8 là nguy cơ gây hại rất cao).

Để phòng tránh tác hại tia UV, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần mặc quần áo bảo hộ, bao gồm các loại áo có khả năng chống nắng, như áo dài tay, áo khoác có cổ, quần dài, tối màu, mũ rộng vành để che mặt, cổ và tai, nên lựa chọn chất liệu vải chống nắng đặc biệt; đeo kính râm bảo vệ mắt - lựa chọn chất liệu tròng kính có khả năng chống nắng, độ hấp thụ tia UV từ 99 - 100% sẽ bảo vệ tốt nhất cho mắt và vùng da xung quanh; bổ sung hoa quả tươi giàu vitamin C, giúp hạn chế tác động có hại từ tia cực tím,…

Malaysia và Singapore chính thức hủy bỏ dự án đường sắt cao tốc có vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD

Sau 2 năm bị "đóng băng", dự án đường sắt cao tốc kết nối thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia với Singapore đã bị hủy bỏ sau khi hai nước không đạt được thỏa thuận về một số thay đổi trước thời hạn chót ngày 31/12/2020.

Trong tuyên bố chung được đưa ra ngày 1/1, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và người đồng cấp Singapore Lý Hiển Long cho biết do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế Malaysia, Chính phủ Malaysia đã đề xuất một số thay đổi đối với dự án đường sắt cao tốc này. Chính phủ hai nước đã tiến hành một số cuộc thảo luận về những đề xuất trên song không đạt được thỏa thuận.

Bộ Giao thông vận tải Singapore cho biết việc hủy bỏ dự án đồng nghĩa Malaysia sẽ phải bồi thường cho Singapore các chi phí phát sinh theo các điều khoản trong thỏa thuận.

Với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD, dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore dài 350 km, được ký kết hồi tháng 12/2016 dưới thời cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Dự kiến sau khi hoàn thành, công trình này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Kuala Lumpur và Singapore xuống chỉ còn 90 phút.

Tuy nhiên, 2 năm sau đó, số phận của dự án này đã trở nên "bấp bênh" sau khi ông Mahathir Mohamad nhậm chức Thủ tướng và muốn hủy bỏ dự án để thực hiện chủ trương cắt giảm nợ quốc gia. Dự án đã bị "đóng băng" trong 2 năm theo yêu cầu của Malaysia, sau khi nước này đạt được "thỏa thuận thiện chí" với Singapore để không phải bồi thường trong thời gian dự án bị tạm dừng. Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad từng cảnh báo Malaysia có thể phải bồi thường 500 triệu ringgit (125,7 triệu USD) nếu dự án trên bị hủy bỏ./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực