Mạo danh lãnh đạo gửi email nhờ chuyển tiền

Thứ ba, 21/12/2021 20:00
(ĐCSVN) - Lập tài khoản thư điện tử của lãnh đạo tỉnh nhằm chiếm đoạt tài sản; 7 công nhân bị bỏng nặng do nổ bình khí; giá khí đốt ở châu Âu và Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất kỷ lục; nghiên cứu mới nêu bật tầm quan trọng của tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 là những tin đáng chý ý trong ngày 21/12.

Mạo danh lãnh đạo để gửi email nhờ chuyển tiền

Ngày 21/12, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang củng cố hồ sơ, xử lý Đặng Thanh Tùng (28 tuổi, thường trú tại huyện Cát Tiên, Lâm Đồng, tạm trú tại phường Long Bình, tỉnh Đồng Nai) về hành vi “Giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn" theo quy định của pháp luật.

Theo đó, đầu tháng 9 năm nay, nhiều cơ quan, đơn vị ở tỉnh này nhận được thư điện tử (email) từ một địa chỉ email có tên tr**********.gov@gmail.com gửi vào địa chỉ hộp thư điện tử công vụ. Đối tượng gửi email tự xưng là lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng. Sau vài lời thăm hỏi sức khỏe, công việc, đối tượng đề nghị chuyển khoản 40 triệu đồng để gửi cho người quen.

 Đối tượng Đặng Thanh Tùng tại cơ quan Công an - Ảnh: CAND

Nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo UBND tỉnh, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) khẩn trương làm việc với các đơn vị nhận được thư điện tử để thu thập thêm thông tin, tài liệu có liên quan nhằm xác minh, truy tìm đối tượng trên. Đến ngày 25/9, Công an hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai nhận định đối tượng thực hiện hành vi trên là Đặng Thanh Tùng.

Qua xác minh nhân thân, lai lịch của Tùng, cơ quan chức năng phát hiện Tùng có anh trai là Đặng Quang Thông hiện đang chấp hành án phạt tù tại tỉnh Bình Phước về tội giả mạo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 30/9, PA05 Công an Lâm Đồng thành lập tổ công tác di chuyển đến tỉnh Đồng Nai để truy bắt đối tượng. Trong khi tổ công tác đang triển khai lực lượng thì Tùng bị Công an tỉnh Bình Phước tạm giữ để làm rõ về hành vi sử dụng thư điện tử để mạo danh Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Qua phối hợp với Công an tỉnh Bình Phước đấu tranh, bước đầu Tùng khai nhận, từ tháng 7/2021 đã sử dụng điện thoại thông minh để tạo lập tài khoản gmail của lãnh đạo UBND các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước và tài khoản email của 24 lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước để gửi thư điện tử đến lãnh đạo các sở, ban, ngành nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Đối với vụ việc liên quan tại Bình Phước, ngày 18/11, Công an Bình Phước ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với Tùng về hành vi “Giả mạo tên, địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn” theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử).

7 công nhân ở Quảng Ninh bị bỏng nặng

 Các nạn nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trước khi chuyển lên tuyến trên. Ảnh: TTXVN phát 

Vào khoảng 10h40 ngày 21/12, Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) tiếp nhận 7 bệnh nhân là công nhân Khu công nghiệp Hải Yên bị bỏng lửa nặng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nổ bình khí tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Triển Bằng thuộc khu công nghiệp Hải Yên, thành phố Móng cái.

Sau tai nạn, các nạn nhân được đưa vào trung tâm y tế thành phố sơ cứu và chuyển lên các bệnh viện tuyến trên. Cụ thể,   6 người được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội) gồm: anh Ngô Công Hoan (21 tuổi), Trần Văn Ngọ (31 tuổi)  có địa chỉ tại thành phố Móng Cái;  Mùa A Váng (21 tuổi), Giàng A Tông (31 tuổi), Giàng A Thào (35 tuổi), Giàng A Tông (25 tuổi) quê Sơn La. Riêng anh Sồng A Lâu (31 tuổi), quê Sơn La đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Theo chẩn đoán, 7 nạn nhân đều bị bỏng lửa độ 3, diện tích từ 50 đến 80%. Hiện các nạn nhân đang được hồi sức cấp cứu tại các bệnh viện.

Giá khí đốt tại châu Âu lại lập kỷ lục mới

Trạm tiếp nhận khí đốt của hệ thống đường ống dẫn khí trên bộ Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức ngày 21/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 21/12, giá khí đốt ở châu Âu và Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất kỷ lục do nhu cầu tăng mạnh trong mùa Đông. Giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan đã tăng lên 162,775 euro (hơn 183 USD)/MWh) trong các giao dịch vào cuối phiên sáng cùng ngày, tăng hơn 10% so với 1 ngày trước đó. Trong khi đó, giá khí đốt tại Anh nhảy vọt lên 408,30 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt đo lượng khí đốt cung cấp).

Giá khí đốt tại cả hai thị trường trên đều xô đổ các kỷ lục được thiết lập trước đó từ tháng 10, làm dấy lên quan ngại về nhu cầu tăng cao trong những tháng mùa Đông ở Bắc bán cầu. Hiện tại, giá khí đốt tăng gấp khoảng 7 lần so với hồi đầu năm. 

Giá khí đốt cùng dầu thô tăng cũng làm gia tăng lo ngại về lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới. Trong thông báo với khách hàng, các nhà phân tích của ngân hàng Deutsche Bank cho biết giá các mặt hàng trên đi lên khi nhiệt độ tiếp tục giảm trong bối cảnh mùa Đông lạnh giá. Ngoài ra, họ cũng nhận được thông tin tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã không đặt hàng thêm trong tháng 1 để vận chuyển khí đốt cho châu Âu thông qua lãnh thổ Ukraine. 

Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã cạn kiệt sau một mùa Đông kéo dài vào năm ngoái, trong khi lượng gió giảm mạnh ảnh hưởng tới việc khai thác năng lượng gió. Một số nhà phân tích đổ lỗi cho việc giá khí đốt tăng đột biến do tranh cãi đang diễn ra xung quanh dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Đây là dự án trị giá khoảng 11 tỷ USD, đã đối mặt với nhiều cản trở từ một số nước châu Âu và Mỹ. Mỹ và Ukraine. Washington lo ngại dự án khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine. Các đời chính quyền Mỹ gần đây đều đã áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các bên tham gia Dòng chảy phương Bắc 2 nhưng vẫn không ngăn cản được dự án hợp tác năng lượng giữa Nga và Đức này.

Cần tiêm mũi tăng cường ngay khi có thể

Nghiên cứu được công bố mới đây cho thấy người dân cần tiêm mũi tăng cường ngay khi có thể

Nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí The Lancet, khả năng bảo vệ của vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca sẽ suy giảm sau 3 tháng kể từ khi tiêm 2 mũi.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu của 2 triệu người ở Scotland (Anh) và 42 triệu người ở Brazil đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Tại Scotland, khoảng 5 tháng sau khi tiêm đủ 2 mũi, nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 tăng gần 5 lần so với 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 2. Hiệu quả phòng bệnh của vaccine bắt đầu suy giảm khoảng 3 tháng sau khi tiêm 2 mũi, khi nguy cơ nhập viện và tử vong cao gấp đôi so với hai tuần sau khi tiêm mũi thứ 2. Bốn tháng kể từ khi tiêm mũi thứ hai, những nguy cơ trên tăng gấp 3 lần. Con số tương tự cũng được ghi nhận ở Brazil.

Trao đổi với báo giới, Giáo sư Aziz Sheikh tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh cho biết: "Vaccine là công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhưng hiệu quả của những chế phẩm này bị suy giảm đã là mối lo ngại trong một thời gian". Theo ông, việc xác định thời điểm vaccine của AstraZeneca suy giảm hiệu quả phòng bệnh có thể giúp các chính phủ tiến hành chương trình tiêm chủng mũi tăng cường để đảm bảo duy trì sự bảo vệ tối đa.

Nghiên cứu trên được thực hiện trong giai đoạn mỗi khu vực lại ghi nhận các biến thể chủ đạo khác nhau, theo đó biến thể Delta phổ biến ở Scotland và biến thể Gamma phổ biến ở Brazil. Theo các nhà nghiên cứu, điều này đồng nghĩa sự suy giảm hiệu quả phòng bệnh có thể là do vaccine giảm hiệu lực và ảnh hưởng của các biến thể. 

Giáo sư Srinivasa Vittal Katikireddi tại Đại học Glasgow ở Anh nhấn mạnh nghiên cứu được thu thập tại Scotland và Brazil cho thấy hiệu quả phòng bệnh của vaccine của AstraZeneca đang suy yếu đáng kể theo thời gian. Chuyên gia này kêu gọi người dân cần tiêm mũi tăng cường ngay khi có thể./.

Gia Hưng (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực