Ngày 15/3, vắc xin phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam bắt đầu tiêm thử nghiệm

Chủ nhật, 14/03/2021 21:24
(ĐCSVN) - Ngày 15/3, vắc xin phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam bắt đầu tiêm thử nghiệm; Cầu Cửa Hội 950 tỷ nối liền Nghệ An và Hà Tĩnh chính thức thông xe; truy đuổi 40 phút trên biển, nổ súng bắt tàu chở 3.000 lít dầu lậu; thương vong tiếp diễn ở Myanmar; cuộc bầu cử quan trọng tại hai bang vùng Tây Nam nước Đức,… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 14/3.

Ngày 15/3, vắc xin phòng COVID-19 thứ hai của Việt Nam bắt đầu tiêm thử nghiệm

leftcenterrightdel

 Bàn đăng ký tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin COVID-19 Covivac

(Nguồn ảnh: Vietnamnet.vn)

Theo PGS.TS Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhóm 6 người đầu tiên sẽ được tham gia tiêm thử nghiệm vắc xin Covivac vào ngày mai (15/3). Đây là vắc xin phòng COVID-19 thứ hai được nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam. Những người tình nguyện tham gia tiêm thử nghiệm có cả nam, nữ từ 18 - 39 tuổi và nam, nữ từ 40 - 59 tuổi.

Hiện nhóm nghiên cứu đã tuyển đủ tổng số 120 người tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin Covivac cho giai đoạn đầu, gồm 30 người ở mỗi nhóm tuổi (18 - 39 tuổi và 40 - 59 tuổi) và giới tính. Riêng các nhóm trẻ tuổi thậm chí còn thừa số người đăng ký so với yêu cầu.

“Nếu tất cả mọi người vẫn đồng ý tham gia nghiên cứu và đến đúng lịch, chúng ta sẽ đảm bảo được tiến độ thử nghiệm lâm sàng vắc xin. Trường hợp có người thay đổi ý định hoặc không thu xếp được thời gian, chúng tôi sẽ tính đến phương án vận động thêm” - PGS Thiểm cho hay.

Dự kiến, khi hoàn thành tiêm thử nghiệm cho nhóm đầu tiên, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm cho nhóm thứ hai vào 9 ngày sau đó (dự kiến vào ngày 24/3).

Các chuyên gia sẽ theo dõi tính an toàn trong 8 ngày sau tiêm liều 1 của những người đầu tiên, đánh giá, xem xét việc thử nghiệm có vấn đề đáng lo ngại hay không. Nếu mọi thứ trong tầm kiểm soát, vắc xin mới được triển khai tiêm tiếp cho những người tiếp theo.

Việc tiêm chủng được thực hiện tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, do Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đóng vai trò thử nghiệm chính.

Cầu Cửa Hội 950 tỷ nối liền Nghệ An và Hà Tĩnh chính thức thông xe

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Trung ương và địa phương thực hiện nghi thức cắt băng thông xe cầu Cửa Hội. Ảnh: TTXVN

 Sáng 14/3, tại đầu phía Bắc cầu Cửa Hội (phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An), Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ thông xe cầu Cửa Hội.

Đến dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Tham dự buổi lễ còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương, tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đầu tư xây dựng tại văn bản số 1093/TTg-KTN ngày 24/6/2016 và được khởi công xây dựng từ ngày 15/02/2019 với tổng mức đầu tư của dự án là 950 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ 450 tỷ đồng, vốn góp của Nghệ An là 250 tỷ đồng và của Hà Tĩnh là 250 tỷ đồng.

Cầu có tổng chiều dài tuyến hơn 5,2km, trong đó phần cầu dài hơn 1,7km. Chiều rộng cầu nhịp chính 18,5m, cầu dẫn 16m.

Cầu Cửa Hội góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh, cải thiện hệ thống giao thông giữa hai bờ sông Lam; kết nối với Quốc lộ 8B, Quốc lộ 1 và giảm tải giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.

Với việc thông xe cầu Cửa Hội, kỳ vọng sẽ mở ra nhiều điều kiện thuận lợi và động lực lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn cho cả khu vực Bắc Trung bộ.

Truy đuổi 40 phút trên biển, nổ súng bắt tàu chở 3.000 lít dầu lậu

leftcenterrightdel
 Sau 40 phút truy đuổi và nổ súng, tàu cá mới chịu dừng lại - Ảnh: BĐBP

Ngày 14/3, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết tiếp tục thực hiện chuyên án "VT321" về đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên vùng biển Côn Đảo, đơn vị này vừa bắt một tàu cá của tỉnh Sóc Trăng có số hiệu ST 92627TS để điều tra, làm rõ về hành vi vận chuyển dầu không rõ nguồn gốc.

Theo đó, chiều 13/3, trong khi tuần tra trên vùng biển Côn Đảo, tổ tuần tra của Hải đội biên phòng 2, Đồn biên phòng Côn Đảo và lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm (đều thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện tàu cá ST 92627TS có nhiều biểu hiện nghi vấn nên ra lệnh dừng tàu kiểm tra.

Tuy nhiên, tàu này không chấp hành hiệu lệnh và tàu tuần tra của Bộ đội biên phòng phải truy đuổi. Sau 40 phút truy đuổi trên biển, Bộ đội biên phòng phải nổ súng chỉ thiên để cảnh cáo, lúc này tàu cá trên mới dừng lại để cơ quan chức năng kiểm tra hành chính.

Qua kiểm tra ban đầu, được biết tàu cá trên do ông Lê Thanh Tú (sinh 1992, trú tại xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng. Trên tàu đang vận chuyển khoảng 3.000 lít dầu D.O nhưng tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Tú không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số dầu trên.

Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với thuyền trưởng Lê Thanh Tú về các hành vi vi phạm để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Thương vong tiếp diễn ở Myanmar

Ngày 14/3, theo truyền thông địa phương, ít nhất 3 người đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Myanmar tại TP. Yangon.

Các đoạn video quay tại hiện trường cho thấy người biểu tình mang theo các tấm chắn tự chế và đội mũ bảo hiểm khi đối đầu với lực lượng an ninh ở quận Hlaing Tharyar. Những cột khói đen bốc lên từ khu vực này và 1 báo cáo cho biết 2 nhà máy đã bị phóng hỏa.

Nhóm truyền thông Irrawaddy đưa tin 3 người biểu tình đã thiệt mạng ở TP. Yangon. Ngoài ra, ít nhất 2 người nữa đã tử vong tại những khu vực khác.

Diễn biến trên xảy ra 1 ngày sau khi quyền lãnh đạo chính quyền dân sự Myanmar Mahn Win Khaing Than cho biết họ sẽ tìm cách trao cho người dân quyền tự vệ hợp pháp. 

Đức: Cuộc bầu cử quan trọng tại hai bang vùng Tây Nam

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Đức Angela Merkel và các thành viên nội các tại một phiên họp Quốc hội ở Berlin. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 14/3, cử tri tại hai bang Rheinland-Pfalz và Baden-Württemberg của Đức tiến hành cuộc bỏ phiếu nhằm bầu ra nghị viện bang cho năm năm tới.

Cuộc bầu cử này được dư luận sở tại hết sức quan tâm do đây là "phát súng" đầu tiên cho năm "siêu bầu cử" và kết quả nhiều khả năng cũng sẽ chi phối các cuộc bầu cử nghị viện bang tới đây tại Sachsen-Anhalt, Thüringen, Mecklenburg-Vorpommern và Berlin cũng như cuộc bầu cử Quốc hội liên bang vào ngày 26/9.

Thông qua các cuộc thăm dò, truyền thông Đức nhận định cuộc bầu cử nghị viện bang ngày 14/3 có thể tiếp tục xác nhận sự cầm quyền của liên minh "đèn giao thông" Đỏ-Vàng-Xanh hiện nay tại Rheinland-Pfalz trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) đang bị sụt giảm liên quan chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó có chương trình tiêm chủng gây tranh cãi cũng như những bê bối liên quan các thương vụ mua bán vật tư y tế gần đây của các nghị sỹ thuộc liên đảng bảo thủ.

Trong khi đó tại bang Baden-Württemberg, ngoài khả năng vẫn giữ liên minh cầm quyền hiện nay giữa đảng Xanh và CDU với Thủ hiến là ông Winfried Kretschmann (đảng Xanh), một liên minh "đèn giao thông" cũng có khả năng được hình thành trong cuộc bầu cử ở bang này, điều sẽ đẩy CDU trở thành đảng đối lập ở Stuttgart, thủ phủ bang Baden-Württemberg.

Các nhà quan sát tin rằng xu hướng đảng phái được hình thành trong cuộc bầu cử ở hai bang Rheinland-Pfalz và Baden-Württemberg rất có thể sẽ trở thành hiện thực ở Berlin trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực