Nhiều người thiệt mạng do núi lửa phun trào tại Indonesia

Thứ hai, 06/12/2021 02:02
(ĐCSVN) - Phấn đấu đến 15/12 tiêm đủ 2 mũi vắc –xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên; Cứu nạn thành công 11 thuyền viên tàu cá gặp nạn trên biển; Ít nhất 13 người thiệt mạng do núi lửa phun trào tại Indonesia… là những thông tin đáng chú ý trong ngày 5/12.

Phấn đấu đến 15/12 tiêm đủ 2 mũi vắc -xin cho người từ 18 tuổi trở lên

leftcenterrightdel

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về thúc đẩy sản xuất vaccine.
Ảnh: Dương Giang-TTXVN 

Sáng 5/12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, đơn vị về thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, trong những biện pháp phòng, chống dịch thì vaccine, thuốc điều trị và ý thức của người dân có tính chất rất cơ bản, quan trọng.

Đến thời điểm này, chúng ta đã tiêm mũi 1 đạt 94%, mũi 2 đạt 69%. So với các nước, Việt Nam thuộc nước có tỷ lệ tiêm chủng cao mặc dù xuất phát điểm chậm.

Đối với nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích, diễn biến dịch hiện nay phức tạp, dịch còn có thể xuất hiện những chủng virus mới, do đó chiến lược phòng, chống dịch không chỉ có thời gian 2 năm mà có thể phải lâu dài hơn.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch chủ động kịp thời, khoa học, hợp lý, hiệu quả, an toàn để bảo đảm đủ vaccine phòng, chống dịch; thần tốc hơn nữa trong việc tiêm chủng vaccine. Theo đó, phấn đấu đến 15/12 tiêm đủ 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất là hoàn thành trong tháng 12; có lộ trình tiêm vaccine mũi thứ 3, trước hết là cho đối tượng từ 50 tuổi trở lên và các đối tượng ưu tiên và theo yêu cầu từng địa phương; khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ từ 12 tuổi đến 18 tuổi... Đồng thời lên kế hoạch tiêm vaccine cho năm 2022; hoàn thành báo cáo, phân tích và quan điểm của Ban Chỉ đạo về vấn đề tiêm vaccine đối với trẻ em từ 5 đến 12 tuổi trình cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ đối tượng để tiêm vét mũi 2; rà soát, đánh giá lại các sự cố, bất cập trong thời gian qua một cách khách quan, trung thực, trên cơ sở đó có thông tin chính xác, kịp thời đến với Nhân dân, trên tinh thần không phân biệt vaccine, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết và có tham chiếu với tình hình, bài học, kinh nghiệm của thế giới. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, tiếp tục nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong phòng, chống dịch.

Về thuốc điều trị COVID-19, các Bộ, ngành chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyển cho ý kiến; chủ động tính toán về nhu cầu, chủng loại, số lượng, khả năng đáp ứng và phương án phân bổ; đặc biệt phải có cơ số thuốc thiết yếu dự phòng cho tình huống diễn biến xấu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 phải công khai, minh bạch, theo cơ chế thị trường; kiểm soát giá cả; đảm bảo bình đẳng, trong sạch; kiên quyết xử lý nếu có tiêu cực trong vấn đề này...

Cứu nạn thành công 11 thuyền viên tàu cá gặp nạn trên biển

leftcenterrightdel

Tàu SAR 412 kéo tàu cá gặp nạn về bờ. (Ảnh: TTXVN) 

Lúc 8 giờ 54 phút ngày 5/12, Tàu SAR 412 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã đưa 11 thuyền viên của Tàu cá ĐNa 91069 TS gặp nạn trên biển và lai dắt tàu này về đến Đà Nẵng an toàn.

Các thuyền viên bị nạn đều đã phục hồi sức khỏe, tinh thần ổn định và được bàn giao cho cơ quan chức năng theo quy định.

Trước đó, vào hồi 5 giờ ngày 4/12, khi đang hành nghề đánh cá trên vùng biển tỉnh Quảng Trị, Tàu ĐNa 91069 TS gồm 11 thuyền viên do ông Phan Minh Khoa, sinh 1983, trú tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng xảy ra sự cố máy chính, gãy trục láp, rơi chân vịt khiển tàu mất khả năng điều động, trôi dạt trên biển.

Ông Khoa cùng các thuyền viên sau nhiều giờ nỗ lực nhưng không thể khắc phục sự cố. Đến chiều cùng ngày, thời tiết trên biển có diễn biến xấu do ảnh hưởng của gió mùa tăng cường. Trước tình huống nguy hiểm, ông Phan Minh Khoa đã liên lạc với Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Cục Hàng hải Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải) yêu cầu được cứu nạn khẩn cấp. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều động Tàu SAR 412 tại Đà Nẵng, khẩn trương rời bến, tức tốc thực hiện nhiệm vụ cứu nạn 11 thuyền viên Tàu ĐNa 91069 TS.

Đến 00 giờ 05 phút ngày 5/12, Tàu SAR 412 đã tiếp cận được Tàu ĐNa 91069 TS để thực hiện công tác cứu nạn. 11 thuyền viên gặp nạn đã được các nhân viên cứu nạn chăm sóc y tế, trấn an tinh thần. Lực lượng cứu nạn hàng hải cũng đã triển khai các biện pháp chống chìm, hỗ trợ lai dắt Tàu ĐNa 91069 TS về đất liền để bảo toàn tài sản cho bà con ngư dân.

Ít nhất 13 người thiệt mạng do núi lửa phun trào tại Indonesia

leftcenterrightdel

Tro bụi bao phủ sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java của Indonesia phun trào trở lại ngày 5/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN 

Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia (BNPB) ngày 5/12 cho biết ít nhất 13 người thiệt mạng, 98 người bị thương sau khi núi lửa Semeru trên đảo Java của Indonesia phun trào trở lại.

Được biết, trước đó 1 ngày, núi lửa Semeru - ngọn núi cao nhất trên đảo Java, đã phun cột tro bụi và khí nóng bao phủ các ngôi làng xung quanh, khiến người dân hoảng loạn. Lực lượng chức năng cũng đã sơ tán được tổng cộng 902 người.

Trong khi đó, giới chức địa phương cho biết nhiều người khai thác cát đã bị mắc kẹt tại nơi làm việc và đã có ít nhất 41 người bị bỏng nặng. Vụ phun trào cũng đã phá hủy nhiều tòa nhà và cây cầu chiến lược nối 2 khu vực của huyện Lumajang với thành phố Malang. Do đó, việc tiếp cận của lực lượng cứu hộ tới các khu vực ảnh hưởng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Cơ quan Địa vật lý và Khí tượng Indonesia, các hình ảnh vệ tinh cho thấy tro của núi lửa đã lan ra Ấn Độ Dương ở khu vực phía Nam đảo Java.

Núi lửa Semeru, cao hơn 3.600 m, là một trong gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Indonesia nằm trong "Vành đai lửa Thái Bình Dương" nên thường xuyên xảy ra động đất và núi lửa phun trào. Cuối năm 2018, một ngọn núi lửa ở eo biển giữa đảo Java và đảo Sumatra phun trào, gây lở đất ngầm dưới nước và sóng thần khiến hơn 400 người thiệt mạng./.

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực