Những thông tin mới về COVID-19 thu hút sự quan tâm của dư luận

Chủ nhật, 07/02/2021 22:06
(ĐCSVN) – Ngày 7/2, những thông tin mới về COVID-19 được cả xã hội quan tâm khi Tết Nguyên đán đang cận kề như: Thêm 20 ca lây nhiễm trong cộng đồng; Hải Phòng dỡ bỏ “giấy phép con” về việc đi đường của dân; Quảng Ninh lại tạm dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh; Việt Nam sắp nhận được hơn 8 triệu liều vaccine COVID-19…
Lối vào khu chung cư tại Vĩnh Phú, Thuận An, Bình Dương bị phong tỏa - Ảnh: BÁ SƠN 

Thêm 20 ca lây nhiễm cộng đồng

Lúc 18 giờ ngày 7/2, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 thông báo có thêm 16 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng ghi nhận tại Hải Dương. Tuy nhiên, cả 16 ca mắc mới được xác định là nằm trong các ổ dịch đã được khoanh vùng và cách ly tập trung từ trước đó. Cụ thể, 15 trường hợp (BN1986-BN2000): Đây là các trường hợp F1, liên quan đến ổ dịch khu công nghiệp thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly tập trung. Còn 1 bệnh nhân 2001 là F1 của bệnh nhân 1711, liên quan đến ổ dịch xã Lê Ninh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, đã được cách ly tập trung từ trước đó.

Tối 7/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay qua kết quả chạy mẫu bằng phương pháp khẳng định rRT-PCR, thành phố xác định được 4 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Hải Phòng dỡ bỏ “giấy phép con” về việc đi đường của dân

Ngày 7/2, UBND TP Hải Phòng tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phòng chống dịch COVID-19 bằng cách dỡ bỏ việc yêu cầu người ra, vào thành phố phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã.

Theo UBND TP Hải Phòng, trước đó TP ban hành thông báo số 58 chỉ đạo một số nội dung liên quan công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên để phù hợp với tình hình thực tế, thành phố quyết định điều chỉnh một số nội dung.

Nhiều phương tiện phải quay đầu sau 12h ngày 6/2 chỉ vì không có giấy xác nhận của chính quyền nơi đi - Ảnh: TIẾN THẮNG 

Cụ thể, người dân ra, vào thành phố không cần phải xuất trình giấy xác nhận của UBND cấp xã tại nơi đi hoặc đến mà chỉ cần thực hiện khai báo y tế tại các chốt kiểm soát ra, vào thành phố (trong đó phải nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào thành phố).

Thực hiện khai báo y tế tại các tổ kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở cấp thôn, tổ dân phố và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung khai báo.

Như vậy, sau chưa đầy một ngày triển khai quy định bắt buộc người dân ra, vào thành phố Hải Phòng phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương đã được điều chỉnh thay đổi đến hai lần.

Trước đó, hàng ngàn người dân hoang mang và tình trạng giao thông xảy ra hỗn loạn trước quy định của TP Hải Phòng yêu cầu người ra, vào thành phố phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương cấp xã tại nơi đi hoặc đến.

Quy định mới khiến nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc dư luận, hạn chế việc đi lại chính đáng của người dân.

Quảng Ninh lại tạm dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh

Ngày 7/2, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản hỏa tốc về việc tạm dừng hoạt động vận tải khách công cộng liên tỉnh (đường bộ, đường thủy nội địa) kể từ 6h ngày 8/2 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

UBND tỉnh Quảng Ninh quyết định tạm dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh sau một ngày đồng ý cho hoạt động trở lại (Ảnh: TIẾN THẮNG) 

Trước đó, ngày 6/2 tỉnh Quảng Ninh đồng ý cho hoạt động trở lại một số tuyến vận tải khách liên tỉnh và nội tỉnh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán 2021.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vận tải khách liên tỉnh phát sinh một số tình huống phức tạp, khó kiểm soát trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao do ý thức phòng chống dịch của các đơn vị vận tải chưa nghiêm túc.

Đặc biệt, phần lớn các phương tiện vận tải ngoài tỉnh không thực hiện theo phương án phòng, chống dịch của tỉnh. Trong khi đó, một số địa phương lân cận có ý kiến về việc khó kiểm soát tình hình phòng, chống dịch đối với hoạt động vận tải khách liên tỉnh xuất phát từ Quảng Ninh.

Do đó, UBND tỉnh quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh vận tải khách công cộng liên tỉnh ra, vào tỉnh từ 6h ngày 8/2.

Việt Nam sắp nhận được hơn 8 triệu liều vaccine COVID-19

Việt Nam sẽ được nhận vaccine COVID-19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng dự kiến là từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều.

Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.

Theo thông báo của COVAX, Việt Nam sẽ được nhận vaccine COVID-19 giai đoạn đầu tiên này với số lượng dự kiến từ 4.886.400 liều đến 8.253.600 liều, trong đó 25 - 35% số liều sẽ được cung cấp trong quý 1 và 65 - 75% trong quí 2 năm 2021. Vaccine được sử dụng trong đợt này là vaccine của Hãng Astra Zeneca.

Vaccine COVID-19 của Astra Zeneca. Ảnh: AFP 

COVAX facility là một cơ chế được thiết lập nhằm đảm bảo các quốc gia được tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19.

Trong cơ chế này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với GAVI, UNICEF, CEPI, các nhà sản xuất vaccine và các đối tác để đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vaccine một cách công bằng và hiệu quả.

COVAX sẽ đảm bảo cho các quốc gia tham gia cơ chế này được tiếp cận vaccine với mức độ bao phủ khoảng 20% dân số trong năm 2021.

Theo PGS.TS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc các Chương trình Kiểm soát bệnh tật của Tổ chức Y tế thế giới, Điều phối viên WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về vaccine COVID-19 cho biết, hiện tại WHO và các đối tác đang làm việc và phối hợp chặt chẽ với các đối tác (UNICEF, GAVI, CEPI) và các nhà sản xuất vaccine, nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời cho các quốc gia tham gia cơ chế COVAX theo kế hoạch đề ra. Đồng thời hỗ trợ các quốc gia trong việc xây dựng Kế hoạch Quốc gia tiêm chủng COVID-19 và đảm bảo hệ thống tiêm chủng sẵn sàng đáp ứng, vận hành triển khai tiêm chủng khi vaccine được chuyển giao đến các quốc gia.

WHO cũng phối hợp với các quốc gia trong việc đảm bảo nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm chủng trong giai đoạn đầu, khi vaccxine chưa đủ cung ứng cho toàn dân.

Văn phòng WHO tại Hà Nội hiện đang phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Bộ Y tế trong việc xây dựng Kế hoạch Quốc gia về Tiêm chủng vaccine COVID-19 để gửi cho COVAX facility đúng thời hạn vào 9/2/2021 tới.

Tìm thấy nhiều thi thể sau trận lũ quét ở Ấn Độ

Ít nhất 9 người đã thiệt mạng và 140 người mất tích trong trận lũ quét lớn tại vùng núi ở bang Uttarakhand, miền bắc Ấn Độ ngày 7/2.

Ông Surjeet Singh, Tổng giám đốc Lực lượng cảnh sát biên giới Ấn Độ - Tây Tạng (ITBP) cho biết đội cứu hộ đã tìm được 9 thi thể sau trận lũ quét ngày 7/2 tại bang Uttarakhand.

Một con đập của Ân Độ bị hư hại sau trận lũ. Ảnh: REUTERS 

Trận lũ xảy ra sau khi một tảng băng lớn tách khỏi sông băng ở vùng Tapovan, huyện Chamoli phía bắc bang Uttarakhand, mang theo đất đá và bùn cùng lượng nước khổng lồ đổ xuống dòng sông gây ra lũ. Các đoạn video tại hiện trường cho thấy dòng nước lũ cuốn phăng một con đập trên sông.

Người phát ngôn ITBP Vivek Pandey cho biết, đập thủy điện Rishiganga bị phá hủy trong khi đập Dhauliganga bị thiệt hại một phần. Cả hai đập đều nằm trên sông Alaknanda.

Ít nhất 16 công nhân bị mắc kẹt tại một đường hầm ở dự án Dhauliganga và tính đến 18 giờ (giờ địa phương), một số người đã được giải cứu, theo tờ The Indian Express.

Ông Pandey cho biết 140 người khác bị mất tích trong khi Thủ hiến Trivendra Singh Rawat trong cuộc họp báo mới nhất nói rằng lực lượng cứu hộ tìm thấy 7 thi thể và khoảng 125 người mất tích.

Nhà chức trách đã ra lệnh xả hết nước tại 2 con đập ở hạ nguồn để chừa chỗ đón dòng lũ đổ về./.

HH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực