Nổ mìn phá đá nặng 20 tấn, quyết thông đường lên Rào Trăng 3

Thứ ba, 20/10/2020 21:04
(ĐCSVN) - Nổ mìn phá đá nặng 20 tấn, quyết thông đường lên Rào Trăng 3; Quảng Bình bị lụt chưa từng có; Sạt lở cuốn sập gần 50m đê chắn sóng ven biển Hà Tĩnh; Tấn công nhà tù tại CHDC Congo, khoảng 900 tù nhân vượt ngục… là một số tin đáng chú ý hôm nay (20/10).
leftcenterrightdel
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, hiện có khoảng 2 triệu m3 đất đá sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng. Khối lượng này lớn hơn rất nhiều so với khu vực Tiểu khu 67 - nơi 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh do bị vùi lấp rạng sáng 13/10. (Ảnh: tienphong.vn) 

Nổ mìn phá đá, quyết thông đường lên Rào Trăng 3

Phương án nổ mìn phá những khối đá nặng 20 tấn cản đường vào Rào Trăng 3 đã được Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn cứu hộ tại Thừa Thiên Huế đặt ra, với quyết tâm trong hôm nay phải thông đường.

Tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng nay (20/10), các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp lực lượng dân sự tiếp tục công tác thông đường tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3, nhằm tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ 15 công nhân còn mất tích.

Hiện có khoảng 2 triệu m3 đất đá sạt lở tại khu vực thủy điện Rào Trăng, lớn hơn rất nhiều so với khu vực Tiểu khu 67 - nơi 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh do bị vùi lấp rạng sáng 13/10.

Theo khảo sát ban đầu, một tảng đá lớn nặng hơn 20 tấn rơi án ngữ tại Km18; có 3 ngầm tràn lớn, trong đó 1 ngầm tràn ngập 1,2m, có 2 đoạn đường bị nước cuốn trôi nên việc thi công bằng cơ giới thông đường 71 lên Rào Trăng 4, Rào Trăng 3 gặp rất nhiều khó khăn.

Từ rạng sáng 20/10, tại Thừa Thiên Huế lại có mưa lớn, tiếp tục là trở ngại lớn đối với công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Khối lượng sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 được phân làm 3 tầng với bề dày mỗi tầng 3-4m. Tại hiện trường, có khoảng 2 triệu m3 đất đá bị sạt lở; kết cấu đất đá với khối lượng lớn ở các khu vực này rất phức tạp, rất khó giải tỏa nếu làm bằng thủ công.

Trước đó, vào ngày 19/10, Thiếu tướng Hà Thọ Bình, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4, cùng đoàn công tác gồm 18 người đã cơ động tìm cách tiếp cận Rào Trăng 4 và Rào Trăng 3. Đường vào Thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở rất nghiêm trọng.

Nhiệm vụ trước mắt là phải điều thêm vào hiện trường 6 - 7 xe múc, máy đào cùng lực lượng có kinh nghiệm tốt vào khai thông tuyến đường. Các tảng đá lớn rơi từ trên xuống chắn ngang đường phải được phá bỏ bằng nổ mìn.

Trên tuyến vào Rào Trăng 3 hiện rất nguy hiểm, không thể tìm ra chỗ đóng quân, nên buộc phải cơ động thay đổi lực lượng khi xong ca. Thiếu tướng Hà Thọ Bình cho biết, bằng mọi giá phải thông tuyến đường 71.

Hiện nay, Viettel Thừa Thiên Huế đang tập trung thiết lập hệ thống thông tin liên lạc vào Rào Trăng 3, phấn đấu trong ngày 20/10 sẽ thiết lập xong.

leftcenterrightdel
Quốc lộ 12A bị đứt gãy đoạn dài do sạt lở (Ảnh: tienphong.vn)

Quảng Bình bị lụt chưa từng có

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và mưa lớn kéo dài, ngày 20/10, địa bàn Quảng Bình đã xảy ra lụt nghiêm trọng. Chiều 20/10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết tính đến 14h00 cùng ngày, mưa lũ đã làm 100.000 nhà dân đang bị ngập nước lụt; 256 thôn bản bị cô lập - chia cắt; gần 30.000 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Mưa lũ đã làm 6 người tử vong. Cụ thể, 2 trường hợp ở xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy bị lật thuyền khi chạy lũ hôm 18/10; 2 người dân ở các xã Gia Ninh và xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh) bị đuối nước hôm 19/10; 1 người ở xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn) được phát hiện thi thể sáng nay. Trường hợp còn lại là bà Lê Thị Thú (ngụ thôn Bàu Sỏi, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa).

Trong số 100.000 nhà dân bị ngập thì Lệ Thủy là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có khoảng 32.000 nhà.

Huyện Quảng Ninh có tổng số 13.067 nhà bị ngập, trong đó, xã An Ninh 1520, Xuân Ninh 1398, Hiền Ninh 2238, Tân Ninh 1800, Gia Ninh 950, Duy Ninh 1750, Hàm Ninh 1347, Võ Ninh 1210…và hiện 64 thôn bản bị lũ vây gây chia cắt, tập trung chủ yếu ở 2 xã miền núi Trường Sơn và Trường Xuân.

Huyện Bố Trạch hiện có 13.897 nhà bị ngập, cụ thể: xã Hưng Trạch có 1.857 nhà, thị trấn Phong Nha 2.759 nhà, xã Phúc Trạch 1.574, Thanh Trạch 2.175, Bắc Trạch 1.397, Hạ Trạch 1.060, Mỹ Trạch là 2015…Địa phương này hiện vẫn còn 41 thôn, bản bị cô lập.

Thị xã Ba Đồn có tới 22.032 nhà bị ngập lụt nặng từ 0,5m - 4m. Các xã bị ngập lụt chủ yếu nằm ở khu vực hạ lưu sông Gianh như: Quảng Văn 1699, Quảng Minh 1800, Quảng Tiên 800, Quảng Lộc 1350, Quảng Hải 840… hiện nước lũ đang rút chậm.

leftcenterrightdel
 Sạt lở nghiêm trọng đê chắn sóng ven biển Lộc Hà (giaoducthoidai.vn)

Sạt lở cuốn sập gần 50m đê chắn sóng ven  biển Hà Tĩnh

Mưa lũ kéo dài mấy ngày qua, nước biển dâng cao, sóng đánh mạnh đã khiến gần 50m đoạn đê xung yếu chắn sóng ven biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) bị sạt lở, nhiều mảng bê tông, đất đá bị đứt vỡ, cuốn sập trôi xuống biển.

Đầu giờ chiều 20/10, hàng chục mét đê chắn sóng, kè biển bị sạt lụt nghiêm trọng. Lực lượng chức năng địa phương cùng nhà thầu đã có mặt tại hiện trường thực hiện gia cố, khắc phục hậu quả với hàng trăm bao cát được sử dụng.

Một lãnh đạo địa phương cho hay, trước mắt lực lượng chức năng sẽ sử dụng hệ thống kè rọ đá và cát bao gia cố phần dưới chân đê nhằm tránh nguy cơ sạt lở thêm và ăn sâu vào trong đê.

Còn về lâu dài sẽ có phương án khắc phục, sửa chữa triệt để hàn gắn để kiên cố lại phần hư hỏng của đoạn đê bị hư hỏng này.

Theo nhiều người dân địa phương, đoạn đê này chủ yếu nằm từ đoạn k59 + 200 đến k59 + 400 có chiều dài khoảng 200m. Nếu cơ quan chức năng không gia cố phần đoạn đê đã bị sạt lở thì nguy cơ sạt lở sẽ tiếp tục lan rộng càng nghiêm trọng hơn và đe dọa nguy hiểm đến thân đê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản trên biển và cuộc sống, sản xuất của các hộ dân sinh sống trong đê.

Đê biển xã Thịnh Lộc có vai trò rất quan trọng, bảo vệ các hộ dân đang sinh sống phía trong đê, giúp ngăn mặn, chắn sóng, bảo vệ tài nguyên đất đai, phục vụ người dân sản xuất, neo đậu tàu thuyền, đường giao thông qua lại…

Được biết, đoạn đê biển vừa xảy ra sự cố sạt lở ở xã Thịnh Lộc được hoàn thành vào năm 2015, là một phần của dự án tuyến đê biển chống xâm thực có chiều dài khoảng 9km.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP) 

Tấn công nhà tù tại CHDC Congo, khoảng 900 tù nhân vượt ngục             

Sáng sớm 20/10, các tay súng có vũ trang đã tấn công môt nhà tù ở thành phố Beni, phía Đông CHDC Congo, và giải thoát cho khoảng 900 tù nhân.

Trao đổi với báo giới, Thị trưởng thành phố Beni ông Modeste Bakwanamaha, cho biết vụ tấn công xảy ra đồng thời tại nhà tù trung tâm Kangbayi hiên giam giữ hơn 1.000 tù nhân và doanh trại quân đôi bảo vê%3ḅnhà tù này. Theo đó, môt số lượng lớn các tay súng đã tìm cách phá cổng trại giam bằng thiết bị điên tử. Vụ tấn công bị cho là do nhóm vũ trang Hồi giáo mang tên "Lực lượng dân chủ đồng minh" (ADF) tiến hành.

Theo cảnh sát địa phương, hai tù nhân bị bắn chết trong vụ tấn công. Cảnh sát đưa ra con số tù nhân trốn thoát cao hơn con số 1.300 mà Thị trưởng Bakwanamaha đưa ra.

Nhà tù Kangbayi là nơi giam giữ nhiều phần tử, trong đó có các thành viên của ADF. Trước đó, tháng 6/2017, hàng trăm tù nhân cũng đã vượt ngục trong vụ tấn công tương tự.

ADF là nhóm phiến quân Hồi giáo được thành lập năm 1990 tại Uganda. Nhóm này đã mở rộng hoạt động sang CHDC Congo từ năm 1995. Phiến quân ADF bị cáo buộc đã giết hại hơn 1.000 thường dân ở khu vực Beni kể từ tháng 10/2014. Từ đầu năm 2020, ADF đã chuyển hoạt động đến gần thành phố Ituri, ở phía Bắc CHDC Congo, đồng thời tăng cường các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dân sự, sát hại hơn 400 thường dân để trả đũa lại chiến dịch quân sự của chính quyền.

Cuối năm 2019, quân đội CHDC Congo đã phát động chiến dịch quân sự để truy quét ADF sau khi nhóm này bị quy trách nhiệm thực hiện hàng chục vụ thảm sát trong khu vực. Hiện CHDC Congo đang gặp nhiều khó khăn trong khôi phục trở lại an ninh tại khu vực miền Đông, nơi có hàng chục nhóm dân quân hoạt động./.

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực