Phấn đấu đến 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới

Thứ bảy, 25/09/2021 21:48
(ĐCSVN) – Phấn đấu đến 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới; Đà Nẵng cho phép người từ vùng không có dịch trở về để chuẩn bị cho việc học trực tiếp; Hà Giang: Khởi tố vụ án đường dây cá độ bóng đá qua mạng giao dịch trên 200 tỷ đồng; Campuchia lo ngại “thảm họa” COVID-19 nếu không ngừng Lễ Pchum Ben… là những thông tin đáng chú ý ngày 25/9.

Phấn đấu đến 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới

 Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 Sáng 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp trực tuyến toàn quốc Ban Chỉ đạo với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc họp được kết nối tới điểm cầu tại 10.400 xã, phường, thị trấn; 705 quận, huyện, thị xã, thành phố và 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo tại cuộc họp cho biết, tuần qua cả nước ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó; số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó. Hiện nay có 16/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc.

Đáng chú ý, tại 23 địa phương thực hiện giãn cách, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số mắc trong 7 ngày đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước. Các địa phương khác tình hình cơ bản vẫn đang được kiểm soát.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch đúng đối tượng; khen thưởng kịp thời, thỏa đáng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp và sáng kiến trong phòng, chống dịch; đồng thời phòng, chống, xử lý nghiêm theo pháp luật trước các hiện tượng, hành vi tiêu cực, lợi ích nhóm trong phòng, chống dịch…

Đà Nẵng cho phép người từ vùng không có dịch trở về để chuẩn bị cho việc học trực tiếp

 TP Đà Nẵng sẽ chia thành các đợt cho công dân trở về thành phố để chuẩn bị cho việc dạy và học trực tiếp (Ảnh: Đình Tăng)
 

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch cho phép cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) không ở trong vùng dịch được trở về thành phố để chuẩn bị cho việc học trực tiếp khi tình hình phòng, chống dịch COVID-19 cho phép.

Đây là thông tin được đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng cho biết chiều 25/9; đồng thời cho biết thêm: Thống kê của Sở này đến thời điểm hiện tại có 20.639 cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, học viên và người hỗ trợ (đi cùng) đang ở ngoài thành phố.

Đây là con số rất lớn và liên quan rất nhiều vấn đề khi cho phép họ trở về thành phố như: giao thông, kiểm soát chốt, xét nghiệm, tổ chức cách ly… Do đó, để số lượng người kể trên về lại TP được kiểm soát và đảm bảo an toàn theo quy định phòng chống dịch COVID-19, Kế hoạch của UBND TP Đà Nẵng yêu cầu thống nhất chủ trương: việc nào đơn giản làm trước, khó làm sau; số lượng lớn làm trước, số nhỏ hơn nhưng chưa đủ điều kiện xử lí sau… theo thứ tự ưu tiên; đồng thời chia thành nhiều đợt để cho phép công dân thuộc nhóm đối tượng kể trên trở về.

UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát những trường hợp đủ điều kiện trong đợt 1 nhưng chưa thể trở về thành phố vì nhiều nguyên nhân khác nhau để tham mưu lãnh đạo thành phố thời gian cho phép trở về cũng như các điều kiện hỗ trợ phù hợp trong những đợt tiếp theo.

UBND TP Đà Nẵng cũng đặt ra yêu cầu, số lượng người về được phân chia theo các địa phương, theo thời gian cụ thể và qua 4 chốt kiểm soát liên ngành nhằm tránh gây quá tải, ùn tắc cục bộ.

Hà Giang: Khởi tố vụ án đường dây cá độ bóng đá qua mạng giao dịch trên 200 tỷ đồng

Ngày 25/9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với 13 đối tượng về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng internet trên địa bàn tỉnh Hà Giang. 

Cơ  quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang thi hành lệnh bắt tạm giam các đối tượng trong vụ án. Ảnh: TTXVN phát 

Theo đó, 3 đối tượng bị khởi tố về hành vi tổ chức đánh bạc theo Khoản 2, Điều 322, Bộ luật Hình sự gồm: Phan Minh Hoàng (sinh năm 1991); Nguyễn Đức Quang (sinh năm 1990) cùng trú tại thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang và Nguyễn Thành Duy (sinh năm 1989), trú tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang. Số còn lại gồm 10 đối tượng bị khởi tố về hành vi đánh bạc theo khoản 2, Điều 321 Bộ luật Hình sự gồm: Nguyễn Trung Thuận (sinh năm 1992); Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1985); Hoàng Hải Tuệ (sinh năm 1989); Nguyễn Văn Nguyên (sinh năm 1988); Dương Văn Thông (sinh năm 1989); Phùng Đức Chính (sinh năm 1995); Đào Mạnh Hùng (sinh năm 1987); Nguyễn Thanh Hưng (sinh năm 1982); Dương Việt Hòa (sinh năm 1984); Trương Thành Kiên (sinh năm 1984) đều trú tại thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (tỉnh Hà Giang).

Trước đó Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, vào hồi 20 giờ 30 phút ngày 19/9, Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an tỉnh Hà Giang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đồng loạt đột kích, tiến hành bắt giữ 14 đối tượng trong đường dây đánh bạc và tổ chức đánh dưới hình thức cá độ bóng đá trên mạng internet. Tang vật thu giữ gồm: 4 xe ô tô các loại, 24 điện thoại di động, 3 USB lưu trữ dữ liệu giao dịch của các tài khoản cá độ bóng đá và tiến hành phong tỏa nhiều tài khoản khác.

Theo Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh Hà Giang: Đây là đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá trên mạng internet qua hệ thống trang web quốc tế với quy mô lớn, hoạt động rất tinh vi, chặt chẽ, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên Quốc gia. Các đối tượng tham gia đường dây này được xác định là rất nguy hiểm, cộm cán. Căn cứ vào tính chất, mức độ, Công an tỉnh Hà Giang đã lập chuyên án trinh sát VA-125B nhằm triệt phá thành công đường dây tội phạm này.

Qua quá trình điều tra, bước đầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã xác định lượng tiền các đối tượng giao dịch mỗi ngày khoảng 3 tỷ đồng và kể từ ngày 1/7/2021 đến nay ước tính khoảng trên 200 tỷ đồng.

Campuchia lo ngại “thảm họa” COVID-19 nếu không ngừng Lễ Pchum Ben

 Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen . Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo Khmer Times dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 25/9 cảnh báo nếu không dừng Lễ Pchum Ben, “một thảm họa” sẽ xảy ra với y tế công và đe dọa tính mạng của người dân.

Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh giữ gìn sinh mệnh là quan trọng nhất và vẫn còn thời gian để tổ chức Lễ Pchum Ben về sau. Ông mong người Campuchia hiểu được quyết định của người đứng đầu đất nước về việc phải ngừng lễ truyền thống này, trong bối cảnh tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia đã tăng lên trên 100.000 ca và số người tử vong vì đại dịch vượt ngưỡng 2.000 người.

Ngày 25/9, Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 trên mức 800 ca và nguyên nhân có liên quan đến ổ dịch từ các ngôi chùa.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận 816 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 114 ca nhập cảnh và có thêm 21 bệnh nhân COVID-19 tử vong. Hiện Campuchia có tổng cộng 108.257 ca mắc COVID-19, trong đó 100.182 người đã khỏi bệnh và 2.218 người tử vong.

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực