Phát hiện 4 đường dây tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới

Thứ ba, 23/08/2022 21:21
(ĐCSVN) - Có ít nhất 4 đường dây tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới; TP Hồ Chí Minh giữ nguyên các khoản thu trong năm học mới; Hà Nội kiểm dịch đậu mùa khỉ tại sân bay Nội Bài; Bão số 3 vào biển Đông, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc mưa dông; 8 nước ASEAN họp bàn phục hồi và phát triển đường sắt sau 2 năm dịch COVID-19… là một số tin đáng chú ý hôm nay (23/8).

Có ít nhất 4 đường dây tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới

Sòng bạc Rich World – nơi hàng chục lao động Việt Nam bị bóc lột thậm tệ - nhìn từ sông Bình Di. Ảnh: CTV 

Ngày 23/8, Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang thông tin với báo chí, qua khai thác nhanh nhóm 40 người Việt vừa chạy thoát khỏi sòng bạc ở Campuchia, hé lộ ít nhất 4 đường dây tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới. Theo Đại tá Đinh Văn Nơi, quá trình ghi lời khai của những người tháo chạy từ sòng bạc bên Campuchia về An Giang, phía Công an tỉnh bước đầu ghi nhận các dấu hiệu của tội phạm tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Từ đó, Công an tỉnh An Giang điều tra, phát hiện 4 đường dây tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới xuất hiện ở các tỉnh thành, móc nối với số đối tượng ở Campuchia đưa lao động người Việt vào các sòng bạc lao động bất hợp pháp.

Các sòng bạc này hầu hết do chủ là người Trung Quốc quản lý, trực tiếp điều hành. Dưới chủ sòng có rất nhiều tay chân sẵn sàng dùng roi điện, gậy sắt đánh đập nếu các lao động có dấu hiệu chống đối, làm việc không đạt chỉ tiêu.

Quá trình điều tra, khởi tố 2 bị can Nguyễn Thị Lệ (42 tuổi) và Lê Văn Danh (34 tuổi) đều ở thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang cho thấy, hoạt động, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép xảy ra khá lâu. Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, dụ dỗ người nghèo đang cần việc làm với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”.

Thực tế, lao động Việt phải làm việc xuyên suốt 14-16 tiếng mỗi ngày. Phần lớn bị ép tham gia điều hành các trang web cờ bạc, lừa đảo trên Internet. Ai không đạt chỉ tiêu sẽ bị trừ lương, làm chậm bị trừ lương, đi vệ sinh lâu hơn 5 phút cũng bị trừ lương. Do đó, gần như không có lao động nào được trả tiền công.

Muốn được về nước, người nhà phải bỏ tiền ra chuộc với số tiền hàng ngàn USD. Các lao động cũng thường xuyên bị mua bán qua lại giữa các sòng bạc như một món hàng.

"Chúng tôi đã báo cáo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp với công an các tỉnh, thành có đường dây đưa người xuất cảnh trái phép, nhằm tiếp nhận tin báo, xử lý dứt điểm các đường dây. Hiện Công an Campuchia đang phối hợp với Công an tỉnh An Giang, cùng các ngành chức năng tỉnh hoàn thành các thủ tục trao trả 11 công dân còn lại qua đường ngoại giao. Lực lượng chức năng 2 nước sẽ phối hợp mở rộng điều tra các đường dây tổ chức đưa người khác xuất nhập cảnh trái phép”, Đại tá Đinh Văn Nơi nói.

Liên quan tới vụ việc, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 38 người do hành vi xuất nhập cảnh trái phép, 2 trường hợp không bị xử phạt là trẻ em...

TP Hồ Chí Minh giữ nguyên các khoản thu trong năm học mới

Học sinh lớp 1 tại TP HCM. Ảnh Tấn Thạnh.

Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác đầu năm học, đồng thời thực hiện chế độ miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm học 2022 - 2023 tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Do đó để bảo đảm an sinh xã hội, chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn duy trì, giữ nguyên toàn bộ các nội dung và định mức thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập đã thực hiện trong năm học 2021 - 2022 để tiếp tục thực hiện cho năm học 2022 - 2023.

Sở cũng đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy hiện có, đảm bảo yêu cầu chất lượng và điều kiện để tổ chức dạy học, trong đó thực hiện cắt giảm, tiết kiệm tối đa các chi phí chưa cấp thiết khác để tiết giảm các khoản thu hỗ trợ hoạt động giáo dục trong năm học mới.

Đối với khoản thu học phí năm học 2022 - 2023, trường học tạm thời chưa tổ chức thực hiện thu để chờ hướng dẫn về mức thu học phí trong năm học của UBND TP Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở nội dung và khung mức thu được quy định theo phân cấp, trường học căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của phụ huynh học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể phù hợp năm học 2022 - 2023.  

Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh đề nghị 100% các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập không để phụ huynh học sinh phải đến trường để thanh toán học phí và các khoản thu khác... 

Hà Nội kiểm dịch đậu mùa khỉ tại sân bay Nội Bài

 Hà Nội chú trọng kiểm dịch tế tại Sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Việt Linh

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, gửi tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Theo đó, thành phố xác định tinh thần và giải pháp trước dịch bệnh này là "Sớm một bước, cao hơn một bước". Từ đây, CDC Hà Nội được yêu cầu theo dõi sát diễn biến dịch đậu mùa khỉ trên thế giới, đồng thời liên tục cập nhật các hướng dẫn phòng, chống dịch.

Đáng chú ý, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC Hà Nội cần phối hợp với các đơn vị nhằm giám sát, bao gồm thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, chẩn đoán, từ đó ngăn dịch xâm nhập, nhất là tại Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài.

Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn, phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan tăng cường giám sát, phát hiện, điều tra, xử lý các ca bệnh, ổ dịch đậu mùa khỉ phát sinh (nếu có), không để lan rộng; đảm bảo vật tư, trang thiết bị, thuốc, nhân lực phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng lưu ý sân bay cần thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ xử lý về bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên cập nhật, phổ biến các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên; rà soát, đảm bảo cơ sở, vật chất phục vụ công tác thu dung, điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong.

Đêm nay bão số 3 vào biển Đông, Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc mưa dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay (23/8), mưa dông đã xuất hiện cục bộ trên khu vực Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.

 Theo dự báo mưa dông xuất hiện nhiều vùng trên cả nước, cảnh báo tình trạng lũ quét, sạt lở đất. Ảnh minh họa: Việt Hoàng.

Dự báo, từ chiều tối nay (23/8) đến sáng ngày 24/8, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 60mm.

Tương tự, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 50mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối).

Khu vực Hà Nội có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to.

Cảnh báo, mưa dông trên khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 26/8, từ ngày 27/8 mưa dông giảm dần.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Tính đến hồi 13 giờ ngày 23/8, vị trí tâm bão ở khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 121,8 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc đảo Lu-dông (Phi-líp-pin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, khoảng đêm 23/8 bão sẽ đi vào khu vực phía Bắc của Biển Đông.

Đến 13 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 118,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông từ chiều 23/8 có mưa bão, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 5,0-7,0m; biển động rất mạnh. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông cấp 3.

8 nước ASEAN họp bàn phục hồi và phát triển đường sắt sau 2 năm dịch COVID-19

Sáng 23/8, tại TP Đà Nẵng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức lễ khai mạc Hội nghị Tổng Giám đốc Đường sắt ASEAN lần thứ 42, với 170 đại biểu và quan sát viên tham dự.

Các đại biểu chính thức đến từ 8 nước ASEAN gồm: Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Xuân Quỳnh.

Tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, hội nghị là cơ hội để ngành đường sắt các nước ASEAN và các đối tác liên quan chia sẻ kinh nghiệm quản lý, vận hành hiệu quả, bền vững. Đồng thời, tăng cường hợp tác, kết nối khu vực, thể hiện vai trò xương sống trong hệ thống giao thông vận tải, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia cũng như sự thịnh vượng chung của cộng đồng ASEAN theo đúng chủ đề “Phục hồi và phát triển”.

Còn theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, nhưng ngành đường sắt Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt để tổ chức thành công các chuyến tàu chuyển container đi quốc tế. Việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch mà còn là định hướng lâu dài của đường sắt Việt Nam.

Bên cạnh đó, vận tải đường sắt liên vận quốc tế phát triển sẽ tạo ra được các chuỗi vận chuyển góp phần đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế xã hội giữa các nước trong khu vực và thế giới.

Cũng theo ông Đặng Sỹ Mạnh, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện “Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030”. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Đường sắt khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, thu xếp nguồn lực để khởi công một số tuyến đường sắt kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế, đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu; kết nối TPHCM với Cần Thơ; kết nối quốc tế với Lào và Campuchia phù hợp với các hiệp định vận tải quốc tế và đồng bộ với tiến độ đầu tư của các nước trong khu vực.

Hội nghị tập trung vào thảo luận các vấn đề như kế hoạch phát triển mạng đường sắt, chiến lược phát triển đường sắt tại các quốc gia thành viên; chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành, quản lý hệ thống đường sắt, bài học từ ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới, các chiến lược marketing và vận hành hiệu quả để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực