Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

Thứ hai, 05/04/2021 20:55
(ĐCSVN) – Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; Phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025"; Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ gần 350kg ma túy các loại; Chìm phà tại Bangladesh, ít nhất 26 hành khách thiệt mạng là những tin tức đáng chú ý trong ngày hôm nay (5/4).

Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức

Ngày hôm nay, Quốc hội đã tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Trong phiên họp sáng, với 468/468 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 97,5% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Nghị quyết nêu rõ: Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trong phiên họp chiều, với 462/466 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 96,25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021 đối với ông Phạm Minh Chính.

Theo đó, Quốc hội quyết nghị bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng,  đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ khi được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngay sau khi được bầu, tân Chủ tịch Nước, tân Thủ tướng Chính phủ đã tuyên thệ nhậm chức. Lễ Tuyên thệ được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi.

Phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025"

 Ảnh minh họa (Nguồn: PC)

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025".

Mục tiêu của Đề án là đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức; là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Quan điểm của Đề án là tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử..., bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia, thu giữ gần 350kg ma túy các loại

Ngày 5/4, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và các lực lượng chức năng đấu tranh thành công Chuyên án A121.p, bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ tang vật gần 350kg ma túy các loại.

Thực hiện giai đoạn 2, kế hoạch đấu tranh Chuyên án A121.p triệt xóa đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam đưa sang Trung Quốc tiêu thụ do Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an đồng chủ trì, phối hợp với Bộ đội Biên phòng Nghệ An và Công an tỉnh Nghệ An xác lập, lúc 1 giờ ngày 3/4, tại xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, lực lượng đấu tranh chuyên án đã bắt quả tang 1 đối tượng (trú tại tỉnh Lào Cai), đang vận chuyển 227,5kg ma túy đi tiêu thụ; thu giữ 1 xe ô tô.

Trước đó, thực hiện kế hoạch đấu tranh giai đoạn 1, ngày 21/1 và ngày 20/3/2021, tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, lực lượng đánh án đã bắt giữ 3 đối tượng, tang vật thu giữ gồm: 115kg ma túy tổng hợp dạng đá, 17.600 viên ma túy tổng hợp, 2 xe ô tô và 1 xe máy.

Kết thúc Chuyên án A121.p, lực lượng chức năng đã bắt giữ 4 đối tượng, thu giữ gần 350kg ma túy các loại, 3 xe ô tô và 1 xe gắn máy.

Chìm phà tại Bangladesh, ít nhất 26 hành khách thiệt mạng

Giới chức Bangladesh cho biết, tính đến chiều 5/4, số người thiệt mạng trong vụ chìm phà trên sông Shitalakhsya trước đó một ngày đã tăng lên 26 người.

 Trục vớt phà gặp nạn trên sông Shitalakhsya ở Narayanganj, Bangladesh, ngày 5/4/2021.
Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông Ershad Hossain - quan chức cấp cao tại cơ quan cứu hỏa và phòng vệ dân sự Bangladesh, lực lượng chức năng đã tìm thấy thêm 21 thi thể nạn nhân và đưa lên bờ. Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang diễn ra.

Tai nạn xảy ra lúc 18h ngày 4/4 (giờ địa phương) khi chiếc phà 1 tầng rưỡi chở khoảng 50 hành khách đã đâm phải một tàu khách lưu thông trên sông Shitalakhsya. Chiếc phà này rời bến tại thành phố Narayanganj, cách thủ đô Dhaka 20 km, chở theo những người rời thành phố trong bối cảnh lệnh phong tỏa trên toàn quốc kéo dài 7 ngày nhằm chống dịch COVID-19 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4. Theo giới chức địa phương, đã có 11 người được cứu lên bờ và chưa rõ còn bao nhiêu người mất tích do có thể nhiều người đã bơi về phía bờ sông bên kia.

Tai nạn chìm phà thường xuyên xảy ra tại Bangladesh do hàng triệu người dân nước này phụ thuộc vào phương tiện vận tải này để di chuyển, trong khi các loại tàu phà không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn./.

TG (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực