Quốc hội kiện toàn một số chức danh Nhà nước vào cuối tháng 3

Thứ ba, 23/02/2021 21:52
(ĐCSVN) - Quốc hội kiện toàn một số chức danh Nhà nước vào cuối tháng 3; Việt Nam sẽ tiêm vắc xin miễn phí và dịch vụ; Tổ chức WFP cảnh báo có thể ngừng hoạt động ở Triều Tiên, là những tin nóng ngày 23/2.

Quốc hội kiện toàn một số chức danh Nhà nước vào cuối tháng 3

Phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ( Ảnh: Quốc Chính)

Tại phiên họp thứ 53 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/2 bàn về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 24/3 và bế mạc ngày 7/4 (dự phòng thêm ngày 8/4). Đây là kỳ họp cuối cùng của khoá XIV, Quốc hội sẽ bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc kiện toàn một số chức danh trong bộ máy Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước. Tuy vậy, những người không còn giữ chức vụ vẫn thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cho tới khi Quốc hội khoá mới được bầu ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đây là kỳ họp rất quan trọng, chuẩn bị chuyển giao công tác nhân sự, tập trung cao cho kiện toàn một số chức danh của bộ máy Nhà nước nhiệm kỳ khoá XIV.

Cũng phát biểu về công tác nhân sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sẽ thực hiện theo quy định, tuy nhiên với vị trí yêu cầu người giữ chức vụ phải là đại biểu Quốc hội thì các đồng chí đương nhiệm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cho đến khi bầu ra Quốc hội khoá XV.

Việt Nam sẽ tiêm vắc xin miễn phí và dịch vụ

(Ảnh minh họa của: Băng Tâm) 

Về cơ bản việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ tiến tới Nhà nước đảm bảo người dân được tiêm miễn phí giống như tiêm chủng các vắc xin phòng chống dịch bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bên cạnh đó vẫn có một phần nhỏ là vắc xin dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả.

Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 sáng ngày 23/2.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho rằng chúng ta đã rất cố gắng, khẩn trương để sớm có vắc xin ngừa COVID-19, nhưng không có đầy đủ ngay một lúc nên phải phân theo các nhóm đối tượng ưu tiên.

Theo các chuyên gia, vắc xin phòng COVID-19 của  Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Theo đó, về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam vắc xin có thể tiêm ngay được.

Đối với vắc xin từ nguồn COVAX Facility, dự kiến cuối quý I đầu quý II/2021 sẽ có 4,8 triệu liều đầu tiên về Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết , việc lập danh sách các đối tượng tiêm vắc xin miễn phí sẽ theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch, và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch. “Dù tiêm miễn phí hay theo diện xã hội hoá, dịch vụ  thì đều phải theo lộ trình, kế hoạch tổng thể của Bộ Y tế”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.

Tổ chức WFP cảnh báo có thể ngừng hoạt động ở Triều Tiên

 Người nghèo tại Triều Tiên. (Ảnh: EFA News/ TTXVN)

Việc Triều Tiên áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể khiến Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) ngừng hoạt động ở nước này. Đây là thông tin được WFP đăng tải trên website của tổ chức này ngày 23/2.

Theo thông tin đăng tải trên website của WFP, cho đến nay, tổ chức này vẫn là nguồn viện trợ quốc tế lớn nhất tại Triều Tiên, cung cấp thực phẩm chuyên biệt cho khoảng 1 triệu phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ và trẻ em mỗi tháng.

Lâu nay, các biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên đã cản trở công tác cứu trợ của WFP, nhưng việc quốc gia Đông Bắc Á áp dụng các biện pháp hạn chế phòng, chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 đang gây ra vấn đề mới cho hoạt động của tổ chức này.

Từ tháng 1/2020, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới để phòng, chống sự lây lan của virus SARS-CoV-2 . Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp đặt biện pháp này.

Theo WFP, việc nhập khẩu thực phẩm, triển khai nhân viên quốc tế vẫn bị hạn chế trong thời gian dài. Do đó, WFP sẽ tận dụng các nguồn cho phép nhập khẩu thực phẩm để bổ sung và tối ưu hóa các kho dự trữ của Triều Tiên.

WFP nêu rõ nếu không thể nhập khẩu thực phẩm, hoạt động của tổ chức này tại Triều Tiên sẽ phải ngừng lại trong năm 2021.

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn khẳng định chưa phát hiện trường hợp nào mắc COVID-19 - vốn cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người trên thế giới.

Thống kê của Liên hợp quốc cho thấy khoảng 40% trong tổng số 25 triệu dân của Triều Tiên đang chịu cảnh thiếu lương thực./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực