Quốc hội thông qua 2 “siêu dự án” đường vành đai 161.191 tỷ đồng

Thứ năm, 16/06/2022 22:38
(ĐCSVN) - Quốc hội thông qua 2 “siêu dự án” đường vành đai 161.191 tỷ đồng; Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV; Chiếm đoạt hơn 3,2 triệu USD tiền mua găng tay y tế; Giá xăng nhiều nước Đông Nam Á từ 35.000-53.000 đồng/lít; Lãnh đạo Đức, Pháp, Ý đi xe lửa đến Kyiv gặp Tổng thống Ukraine…là những tin đáng chú ý trong ngày 16/6.

Quốc hội thông qua 2 “siêu dự án” đường vành đai 161.191 tỷ đồng

 

Sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường vành đai 3 TP.HCM.

Đây là 2 dự án có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển KT- XH đã được dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2022.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần chi tiến.

Theo Nghị quyết, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Quốc hội giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án.

 

Dự án đường vành đai 3 TP.HCM dài khoảng 76,34km đường vành đai 3, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 642,7ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 70,24ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82ha, đất dân cư khoảng 64,1ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2ha và đất khác khoảng 147,2ha.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt sau đây như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỉ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng, và Long An là 1.397 tỷ đồng.

Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Quốc hội giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn dự án. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Bế mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV

Hình ảnh tại Kỳ họp .

Sau 19 ngày làm việc sôi nổi, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, hôm nay, Kỳ họp thứ 3, ngày 16/6, Quốc hội khoá XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Kỳ họp thứ 3 là kỳ họp thường kỳ đầu năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm đầu tiên thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Quốc hội đã xem xét một khối lượng lớn công việc với sự đồng thuận, thống nhất rất cao, quyết định nhiều nội dung quan trọng không chỉ cho năm 2022, mà cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Tại Kỳ họp này đã có 1.484 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại 6 phiên thảo luận tổ, 592 lượt thảo luận và 62 lượt tranh luận tại 23 phiên họp toàn thể tại Hội trường, trong đó có phiên chất vấn, trong phiên chất vấn có 133 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 28 lượt đại biểu tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề quan tâm. Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 5 Luật, 16 nghị quyết chuyên đề và Nghị quyết chung của Kỳ họp, cho ý kiến về 6 dự án luật và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

Chiếm đoạt hơn 3,2 triệu USD tiền mua găng tay y tế

PC03 - Công an TP.HCM kết luận, Bùi Quang Hải không giao hàng hóa là găng tay y tế cho đối tác, mà chiếm đoạt số tiền hơn 3,2 triệu USD.

Ảnh minh họa. 

Ngày 16/6, theo nguồn tin của Thanh Niên, Cơ quan CSĐT (PC03) - Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Bùi Quang Hải, Giám đốc Công ty CP HBC International Trading (viết tắt Công ty HBC, trụ sở Q.3, TP.HCM) tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua sử dụng pháp nhân Công ty HBC.

KLĐT thể hiện, Công ty HBC được đăng ký lần đầu ngày 15/3/2011, đến nay đã đăng ký thay đổi 23 lần. Công ty trải qua nhiều lần đổi tên từ Công ty CP đầu tư U&D thành Công ty CP Moon Media, Công ty Medical HBC...

KLĐT thể hiện, ngày 24/7/2020, Công ty HBC ký hợp đồng mua bán 1 triệu hộp găng tay y tế không bột Nitrile, thương hiệu Vglove được sản xuất với Công ty CP K. với Công ty P. (trụ sở Hồng Kông).

Qua điều tra, Công an TP.HCM xác định, tại thời điểm ký hợp đồng mua bán với Công ty P., Công ty HBC không có 1 triệu hộp găng tay y tế không bột Nitrile, thương hiệu Vglove được sản xuất bởi Công ty CP V.

Đồng thời, Công ty CP V. không ký hợp đồng bán găng tay y tế cho cá nhân Bùi Quang Hải và Công ty HBC; Công ty HBC cũng không có mặt hàng găng tay y tế của thương hiệu khác đủ điều kiện xuất khẩu.

Do đó, việc Hải đưa ra thông tin Công ty HBC sẽ giao cho Công ty P. 1 triệu hộp găng tay y tế không bột Nitrile, thương hiệu Vglove được sản xuất bởi Công ty CP V. trong thời gian từ 7 - 10 ngày như đã nêu trong hợp đồng là gian dối, không có cơ sở.

Tài liệu hồ sơ vụ án cho thấy, tại CQĐT, Hải khai nhận, để có hàng hóa xuất bán cho Công ty P. theo hợp đồng, công ty của Hải đã nhập khẩu găng tay y tế từ Thái Lan, Malaysia. Đồng thời, do Công ty P. chuyển tiền không đúng thời hạn hợp đồng, gây thiệt hại cho công ty của Hải nên không đồng ý trả lại tiền.

Tuy nhiên, qua xác minh tại Cục Hải quan TP.HCM, CQĐT phát hiện Công ty HBC không thực hiện hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Hải cũng không cung cấp được tài liệu chứng minh các thiệt hại của công ty.

Trong vụ án này, CQĐT nhận định, Hải và những người có liên quan không có ý thực hiện cam kết theo nội dung hợp đồng. Các cam kết này chỉ là thủ đoạn để đối tác tin tưởng, ký hợp đồng, chuyển tiền.

Trong đó, Hải đã nâng khống vốn điều lệ thành công ty thành 1.000 tỉ đồng để đối tác nhầm tưởng công ty của Hải có năng lực tài chính, từ đó yên tâm ký kết hợp đồng, chuyển tiền.

Đối với số tiền hơn 3,2 triệu USD do Công ty P., Công ty R. và Công ty M. chuyển khoản đặt cọc, thanh toán mua găng tay y tế, Hải đã trực tiếp ký ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt đưa cho bà N.T.T.H đem đến các ngân hàng rút tiền rồi chiếm đoạt, chứ không mua hàng hóa giao cho đối tác.

Hiện Công an TP.HCM đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý những người liên quan theo quy định pháp luật…

Giá xăng nhiều nước Đông Nam Á từ 35.000-53.000 đồng/lít

Một cây xăng ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 5 - Ảnh: BANGKOK POST 

Người dân tại nhiều nước Đông Nam Á đang chứng kiến giá xăng cao bất thường do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Đài CNN lý giải chiến sự Ukraine không phải là lý do duy nhất khiến giá xăng tăng.

Theo dữ liệu của trang Globalpetrolprices.com về giá xăng RON 95 trên thế giới cập nhật vào ngày 13/6, Singapore là quốc gia có giá xăng cao nhất tại khu vực Đông Nam Á, với 53.412,994 đồng/lít.

Kế đến là Lào (44.285,849 đồng/lít xăng), Philippines (36.031,249 đồng/lít), Campuchia (35.428,469 đồng/lít), Thái Lan (35.410,843 đồng/lít), Indonesia (27.462,497 đồng/lít), Malaysia (10.763,814 đồng/lít)... Tại Việt Nam, xăng RON 95 có giá 32.370 đồng/lít.

Tại Campuchia, theo báo Khmer Times, hồi tháng 3, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi người dân xứ sở chùa tháp bình tĩnh khi giá xăng dầu tăng vọt theo giá thị trường dầu thô quốc tế.

"Xin người dân của chúng ta bình tĩnh. Giá xăng dầu tăng không chỉ ở Campuchia, mà còn ở mọi quốc gia trên thế giới" - ông Hun Sen nói và lưu ý Campuchia không phải là nước sản xuất dầu. Ông nói ngay cả ở các nước sản xuất dầu, giá xăng dầu cũng đang tăng vọt.

Tại Thái Lan, theo báo Bangkok Post hôm 15/6, Bộ Năng lượng nước này đặt mục tiêu giới hạn giá bán lẻ dầu diesel không quá 35 baht (khoảng 23.000 đồng)/lít cho đến cuối tháng 6, trong lúc chờ các biện pháp trợ giá năng lượng mới được thông qua.

Tuy nhiên, việc giới hạn giá chỉ có thể được thực hiện nếu giá dầu diesel quốc tế không vượt quá 108 USD/thùng, hoặc giá dầu thô không vượt quá 120 USD/thùng.

Bộ Tài chính, Ngân hàng Thái Lan, Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia, Bộ Năng lượng Thái Lan đang đánh giá tác động của giá dầu toàn cầu. Nằm một phần trong quá trình này, họ đang xem xét việc thông qua các biện pháp mới để giúp người tiêu dùng Thái Lan đối phó với giá năng lượng cao.

Tại Philippines, theo Hãng tin PNA, các công ty dầu mỏ thực hiện thêm đợt tăng giá lớn đối với các mặt hàng xăng dầu trong tuần này. Bắt đầu từ sáng 14/6, Caltex, Cleanfuel, PTT Philippines, Seaoil và Shell tăng giá nhiên liệu tại Philippines, với thêm 2,15 peso Philippines (gần 1.000 đồng) /lít xăng và thêm 4,3 peso Philippines/lít dầu diesel.

Người đứng đầu Cục Quản lý công nghiệp dầu mỏ thuộc Bộ Năng lượng Philippines Rino Abad cho rằng giá xăng dầu tăng là do việc nới lỏng phong tỏa ở Trung Quốc, lệnh cấm nhập khẩu dầu của Liên minh châu Âu (EU) và mùa hè của các nước Bắc bán cầu từ tháng 6 đến tháng 9.

Theo Đài CNN, cuộc xung đột Nga - Ukraine - vốn làm đứt gãy nguồn cung dầu mỏ - không phải là nguyên nhân duy nhất khiến giá xăng tại nhiều nước tăng cao.

CNN liệt ra các nguyên nhân khác như: nhu cầu tăng trở lại khi các thành phố lớn ở Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, sản lượng dầu mỏ của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn còn thấp, nhu cầu thế giới tăng trở lại (chẳng hạn nhiều người lái xe đi làm thay vì ở tại nhà) hậu đại dịch COVID-19...

Lãnh đạo Đức, Pháp, Ý đi xe lửa đến Kyiv gặp Tổng thống Ukraine

Lãnh đạo Đức, Pháp, Ý cùng nhau đi xe lửa đến Kyiv để bày tỏ tinh thần đoàn kết và thảo luận về các biện pháp hỗ trợ Ukraine đối phó chiến dịch Nga, cũng như việc Ukraine gia nhập EU.

Ba nhà lãnh đạo cùng đi xe lửa đến Kyiv. Ảnh: REUTERS 

Hãng Reuters ngày 16/6 đưa tin Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã đến Kyiv trong chuyến đi chung nhằm ủng hộ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga.

Ba nhà lãnh đạo di chuyển trong đêm trên chuyến tàu chuyên chở những nhân vật cấp cao đến thăm Ukraine.

“Đây là thời khắc quan trọng, là thông điệp về đoàn kết, về hỗ trợ mà chúng tôi gửi đến người dân Ukraine, và là thời điểm để nói về hiện tại và tương lai, vì những tuần tới sẽ rất khó khăn”, Tổng thống Macron phát biểu sau khi đặt chân đến Kyiv.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis sẽ cùng họ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dự kiến sẽ thảo luận về chiến sự cũng như về việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu.

Chuyến đi đã phải mất nhiều tuần chuẩn bị và 3 nhà lãnh đạo hy vọng sẽ khiến Ukraine không còn chỉ trích về phản ứng đối với tình hình chiến sự.

Tổng thống Pháp Macron kêu gọi Ukraine tái khởi động đàm phán với Nga

Theo CNN, còi báo động không kích ở Kyiv vang lên khi 3 nhà lãnh đạo đến vào sáng 16/6 (giờ địa phương). Tuy nhiên còi báo động không nhất thiết rằng chắc chắn sẽ có không kích.

Một quan chức Điện Elysee cho hay chuyến thăm diễn ra vào thời điểm này vì họ cân nhắc đây là thời điểm tốt nhất trước thượng đỉnh EU vào tuần tới để thảo luận về việc Ukraine gia nhập.

Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra khuyến nghị vào ngày 17/6 về tư cách ứng viên EU của Ukraine.

Trả lời tờ Bild, Thủ tướng Scholz cho biết ông không chỉ muốn thể hiện sự đoàn kết với Ukraine mà còn đảm bảo sự hỗ trợ về tài chính, nhân đạo, vũ khí sẽ “tiếp tục cho đến khi cần thiết” đối với Ukraine.

Mỹ cam kết gửi thêm 1 tỉ USD vũ khí cho Ukraine vào "thời điểm then chốt"

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht cho hay 3 hệ thống phóng rốc két đa nòng mà Đức cam kết sẽ được chuyển đến Ukraine vào tháng 7 hoặc tháng 8, sau khi các binh sĩ Ukraine được đào tạo về cách sử dụng./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực