Rơi máy bay ở Nam Sudan, 10 người thiệt mạng

Thứ tư, 03/03/2021 19:23
(ĐCSVN) - Hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân ở 10 tỉnh, thành trước ngày 30/4; Phát hiện kho quân phục 'dỏm' ở Sài Gòn; Rơi máy bay ở Nam Sudan, 10 người thiệt mạng; Thêm 6 người biểu tình Myanmar thiệt mạng… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (3/3).

Hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân ở 10 tỉnh, thành trước ngày 30/4

 Thẻ căn cước mới có tích hợp số chứng minh thư cũ ở mã QR và chip điện tử. (Ảnh: vnexpress.net)

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 7 tỉnh, thành phố lớn tập trung một nửa dân số của cả nước sẽ được cấp thẻ căn cước công dân trước ngày 30/4.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an đã chỉ đạo công an 10 tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ trên.

Dự kiến đến ngày 1/7, toàn quốc sẽ hoàn tất việc cấp căn cước công dân gắn chip cho 50 triệu công dân. Tuy nhiên, theo đại tướng Tô Lâm, cần ưu tiên 10 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Ninh. Những địa phương này tập trung đông dân, lượng giao dịch lớn, nhiều khu công nghiệp và chiếm nửa dân số cả nước.

Lãnh đạo Bộ Công an đặt ra mốc thời gian hoàn thành cấp thẻ căn cước công dân mới với 10 tỉnh, thành trên là trước 30/4. "Sau khi tập trung cấp xong thẻ căn cước ở 10 địa phương này, công an sẽ tới các tỉnh miền núi, nông thôn, vùng xa để hỗ trợ hoàn thành mục tiêu đến 1/7 hoàn thiện cấp 50 triệu thẻ căn cước", Đại tướng Tô Lâm chỉ đạo.

Trước thời hạn mới của Bộ Công an, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết sẽ thay đổi lại toàn bộ mục tiêu, phương pháp chỉ đạo, bố trí nguồn nhân lực và cách thức tổ chức thực hiện.

Phát hiện kho quân phục 'dỏm' ở Sài Gòn

Nhiều quân hàm, quân hiệu bị cơ quan chức năng thu giữ. (Ảnh: Đình Văn). 

Ngày 3/3, kiểm tra kho hàng ở quận Gò Vấp, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trang phục quân đội, hải quân, cảnh sát biển không rõ nguồn gốc.

Kiểm tra kho hàng trong căn nhà hai tầng trên đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, Đội quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) ghi nhận nhiều thùng carton chứa quân hàm. Hàng trăm dây nịt, giày, mũ và quần áo có chữ công an, cảnh sát biển, hải quân Việt Nam, quân đội được đặt trên các kệ. Toàn bộ sản phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Trình bày với lực lượng chức năng, chủ kho hàng Nguyễn Văn Hùng, 32 tuổi, cho biết, mua hàng trôi nổi về bán hơn một năm qua. "Tôi không biết đây là mặt hàng cấm", anh Hùng nói.

Theo lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 12, chủ cơ sở đã lập trang web để bán sản phẩm qua mạng. "Trên trang web chỉ đăng hình ảnh giày tây để tránh cơ quan chức năng theo dõi", lãnh đạo đội nói và cho biết giá một bộ quân phục đầy đủ từ quân hàm đến quần, áo, mũ là hơn một triệu đồng.

Đội đã lập biên bản xử lý chủ kho hành vi kinh doanh hàng hóa nằm trong danh mục cấm, vi phạm thiết lập website điện tử bán hàng và thu giữ toàn bộ hàng hóa.

Rơi máy bay ở Nam Sudan, 10 người thiệt mạng

 Ảnh: AIRLIVE

Một vụ tai nạn máy bay xảy ra ở Nam Sudan ngày 2/3 đã làm 10 người thiệt mạng.

Theo các nguồn tin địa phương, chiếc máy bay gặp nạn là máy bay thương mại của hãng hàng không Supreme Nam Sudan. Chiếc máy bay bị rơi ở quận Uror thuộc bang Jonglei chỉ vài phút sau khi cất cánh từ sân bay Pieri để đến thủ đô Juba. Toàn bộ 8 hành khách và 2 phi công trên máy bay thiệt mạng.

Giám đốc sân bay quốc tế Juba đã xác nhận thông tin trên và cho biết hiện nguyên nhân vụ tai nạn cũng như danh tính nạn nhân đang được xác định.

Đây là sự cố thứ hai liên quan đến một máy bay do hãng hàng không Supreme Nam Sudan vận hành. Vụ đầu tiên xảy ra năm 2017 khi một chiếc máy bay của hãng này bốc cháy và phải hạ cánh khẩn cấp, song may mắn không có thương vong.

Thêm 6 người biểu tình Myanmar thiệt mạng

Người biểu tình bị xịt hơi cay ở Myanmar. (Ảnh: AP). 

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, 6 người biểu tình Myanmar đã thiệt mạng ngày 3/3.

Những người trên thiệt mạng sau khi bị lực lượng an ninh Myanmar nã đạn. Theo nguồn tin y tế, 4 người bị bắn chết trong một cuộc biểu tình ở Myingyan - thành phố miền trung Myanmar. Hai người nữa thiệt mạng ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai nước này.

Sự việc xảy ra khi biểu tình ở Myingyan biến thành bạo lực. Một bác sĩ cho biết một nạn nhân ở Mandalay bị bắn vào đầu, một người bị bắn vào ngực.

Theo một nhân chứng, ít nhất 10 người đã bị thương trong đụng độ với lực lượng an ninh.

Ngày 3/3, biểu tình cũng tiếp diễn khắp Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar. Người biểu tình dùng lốp xe và dây thép gai để dựng rào chắn các con đường chính và cản cảnh sát.

Trước đó, ngày 28/2, có tới 18 người thiệt mạng và trên 30 người bị thương trong biểu tình.

Căng thẳng chính trị và biểu tình đường phố ở Myanmar bùng phát từ đầu tháng 2, sau khi quân đội bắt giữ Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD). Quân đội cáo buộc đã có gian lận quy mô lớn trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 11/2020, mà theo đó NLD đã giành đa số ghế tại cả lưỡng viện Quốc hội. Tuy nhiên, Ủy ban Bầu cử liên bang Myanmar đã bác bỏ cáo buộc này.

Các nguồn tin ngoại giao ngày 2/3 cho biết Anh đã đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp kín về tình hình tại Myanmar vào ngày 5/3 tới.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực