Sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất

Chủ nhật, 18/07/2021 21:00
(ĐCSVN) - Sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất; Tạm dừng 14 ngày các đường bay nội địa đi/đến các tỉnh phía Nam; Bình Định thuê máy bay đón 1.000 người từ TP.HCM về quê; Thái Lan mở rộng phòng ngừa sau 3 ngày liên tiếp kỷ lục ca mắc COVID-19; Số người chết do lũ lụt "trăm năm có một" ở Đức, Bỉ tăng chóng mặt…là những tin tức đáng chú ý trong ngày 18/7.
leftcenterrightdel
TP HCM xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, tháng 7/2021. Ảnh: Quỳnh Trần. 

Sẵn sàng chống dịch với kịch bản căng thẳng nhất

Sáng 18/7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, dịch bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực; đã xuất hiện các biến chủng mới được cảnh báo nguy hiểm hơn; nguy cơ bùng phát dịch là hiện hữu, kể cả tại các quốc gia đã đạt được độ bao phủ tiêm chủng cao. Vì thế Bộ Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng chống dịch khi có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày.

Theo Bộ trưởng, đợt dịch này với biến chủng Delta có khả năng lây lan rất nhanh, đã được ghi nhận tại 58/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, TPHCM và một số tỉnh miền Nam đang có diễn biến phức tạp với số mắc liên tục gia tăng do dịch bệnh đã lây lan ra cộng đồng, với các chuỗi lây nhiễm, ổ dịch chưa xác định được nguồn lây.

Với diễn biến dịch căng thẳng ở TPHCM, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng. Đồng thời, Bộ Y tế thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP.HCM và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.

Bộ Y tế cũng bàn giao kho trang thiết bị này cho Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TPHCM và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (hiện cũng là Giám đốc của Bệnh viện Hồi sức COVID-19) để có thể chủ động phân bổ trang thiết bị cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và các địa phương trong khu vực.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, TPHCM đã ghi nhận 29.081 ca mắc, tăng 8.904 ca so với tuần trước đó, số ca mắc trung bình trong 7 ngày qua khoảng 1.500 ca/ngày và có xu hướng gia tăng liên tục qua từng ngày.

TPHCM có 72 chuỗi lây nhiễm/ổ dịch trên địa bàn tỉnh, trong đó, có 45 chuỗi/ổ dịch ổn định và 27 ổ dịch đang diễn biến (6 chợ, 11 khu dân cư, 10 công ty, khu công nghiệp), trong đó, phát hiện thêm 1 chuỗi lây nhiễm mới tại chợ Cầu Muối quận 1 có liên quan đến chợ đầu mối Thủ Đức, phát hiện từ hoạt động tầm soát cộng đồng. Nhiều người đã di chuyển đi-đến TPHCM trong thời gian trước đó, có thể mang mầm bệnh nhưng chưa được phát hiện.

Tạm dừng 14 ngày các đường bay nội địa đi/đến các tỉnh phía Nam

leftcenterrightdel
Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam dừng tất cả các đường bay nội địa chở khách đi, đến các cảng hàng không thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội.  

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam dừng tất cả các đường bay nội địa chở khách đi, đến các cảng hàng không thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội. Thời gian áp dụng từ 00h00 ngày 19/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

Theo văn bản do ông Võ Huy Cường – Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ký, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 969/TTg-KGVS ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch tại một số địa phương để thực hiện mục tiêu kép và yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu dừng tất cả các đường bay nội địa chở khách đi, đến các cảng hàng không thuộc các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội theo văn bản số 969/TTg-KGVS ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cà Mau (Cà Mau), Rạch Giá (Kiên Giang).

Các đường bay được phép khai thác ở tần suất tối thiểu là: Phú Quốc-Hà Nội 1 chuyến/ngày, tàu bay A321, giao Vietnam Airlines khai thác. Riêng ngày 197.2021, Vietnam Airlines không có kế hoạch, giao Bamboo Airways khai thác; Cần Thơ-Hà Nội 1 chuyến/ngày, tàu bay A321, giao Vietnam Airlines khai thác. Riêng ngày 19.7.2021, Vietnam Airlines không có kế hoạch, giao Bamboo Airways khai thác

Đối với đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội, các hãng tổ chức khai thác với tần suất và tải cung ứng như nêu tại văn bản số 2973/CHK-VTHK ngày 8/7/2021.

Các đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng/Quy Nhơn/Cam Ranh/Buôn Ma Thuột: các hãng tổ chức khai thác với tần suất và tải cung ứng như nêu tại văn bản số 2973/CHK-VTHK ngày 8/7/2021.

Ngoài các chuyến bay ngoài kế hoạch trên, các chuyến bay phục vụ mục đích y tế sẽ được xem xét trên cơ sở đề nghị của các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan.

Tất cả hành khách trên các chuyến bay nội địa nêu tại điểm 2 bắt buộc phải có Giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp trong phòng, chống dịch COVID-19.

Bình Định thuê máy bay đón 1.000 người từ TP.HCM về quê

leftcenterrightdel
Các tỉnh, thành miền Trung huy động phương tiện xe khách, máy bay đón người lao động từ vùng dịch TP.HCM về quê. Ảnh: M.H. 

Tại buổi họp báo ngày 18/7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long cho biết địa phương này vừa thông qua kế hoạch đón khoảng 1.000 người lao động đang gặp khó khăn ở TP.HCM về địa phương cách ly.

"Chiều 20/7, chúng tôi triển khai chuyến bay đầu tiên đón 200 người lao động về quê. Từ ngày 23/7 đến cuối tháng, các chuyến bay tiếp tục chở công dân Bình Định về quê. Mọi chi phí vé máy bay, xét nghiệm, ăn ở tại khu cách ly tập trung được tỉnh hỗ trợ 100% cho bà con", ông Long nói và cho biết thêm nguồn kinh phí huy động từ xã hội hóa chứ không lấy tiền ngân sách Nhà nước.

Những ngày qua, Bình Định phối hợp với Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM để lập danh sách người lao động, công dân thực sự đang gặp khó khăn; bị mất việc làm, không có thu nhập, không có chỗ ở… nhằm kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và đưa họ về quê.

Thái Lan mở rộng phòng ngừa sau 3 ngày liên tiếp kỷ lục ca mắc COVID-19

leftcenterrightdel
Thái Lan ngày thứ 3 liên tiếp ghi nhận kỷ lục số ca mắc COVID-19 mới. Ảnh: AFP 

Thái Lan ngày 18/7 tuyên bố mở rộng biện pháp hạn chế phòng ngừa COVID-19 sau 3 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới kỉ lục.

Reuters đưa tin, Thái Lan ngày 18/7 đã báo cáo 11.397 ca mắc COVID-19 và 101 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 403.386 ca và 3.341 ca tử vong. Phần lớn trong số đó đến từ đợt bùng phát từ đầu tháng 4 và đang ngày càng gia tăng do các biến thể Alpha và Delta có khả năng lây truyền cao.

Theo lệnh hạn chế mới ở Thái Lan, các trung tâm mua sắm sẽ đóng cửa và lệnh giới nghiêm từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau sẽ được áp dụng ở các tỉnh Chonburi, Ayutthaya và Chachoengsao từ ngày 20/7 - theo nội dung thông báo trên Royal Gazette hôm 18/7.

Thủ đô Bangkok và 9 tỉnh khác đã phải chịu đựng những hạn chế tới mức khắc nghiệt nhất trong hơn một năm qua kể từ 5.7, khi toàn đất nước phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 kéo dài nhất và nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Chính phủ Thái Lan trước đó cho biết đang có kế hoạch đưa ra nhiều hạn chế hơn đối với việc di chuyển vì số ca mắc đang tiếp tục tăng lên bất chấp lệnh phong tỏa một phần ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao làm quá tải hệ thống y tế. Các quan chức y tế cũng cảnh báo rằng đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng này có thể tiếp diễn trong nhiều tháng.

Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, địa phương đã đón trên 13.000 người từ vùng dịch về quê nhà. Tất cả được kiểm tra y tế, cách ly theo đúng quy định phòng, chống dịch.

Số người chết do lũ lụt "trăm năm có một" ở Đức, Bỉ tăng chóng mặt

leftcenterrightdel
Số người chết trong trận lũ lụt kinh hoàng ở Bỉ và Đức đã lên tới ít nhất 170 người và hàng trăm người vẫn đang mất tích. Ảnh: AFP 

Số người chết trong trận lũ lụt kinh hoàng ở miền Tây nước Đức và Bỉ đã tăng lên ít nhất 170 người tính đến 17/7.

Reuters đưa tin, khoảng 143 người đã chết trong trận lũ lụt được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất ở Đức trong hơn nửa thế kỷ qua.

Hàng trăm người vẫn mất tích hoặc không thể tiếp cận được vì một số khu vực bị cô lập do mực nước dâng cao và thông tin liên lạc bị gián đoạn.

Người dân và các chủ doanh nghiệp ở các thị trấn bị ngập lụt đang phải vật lộn để dọn dẹp đống đổ nát.

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã đến thăm thị trấn Erftstadt ở bang North Rhine-Westphalia, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ với ít nhất 45 người thiệt mạng.

Ông nói: “Chúng ta chia buồn cùng những người đã mất bạn bè, người quen, người thân trong gia đình. Sự ra đi của những con người đó làm chúng ta đau lòng''.

Một con đập bị vỡ ở thị trấn Wassenberg gần Cologne vào đêm 16.7 và khoảng 700 người dân đã được sơ tán, cùng với 4.500 người ở vùng hạ lưu sau đó tiếp tục được di dời khi tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan.

Thủ tướng Angela Merkel dự kiến trong ngày 18.7 sẽ có chuyến thị sát bang Rhineland Palatinate, nơi có ngôi làng Schuld bị tàn phá.

Tại Bỉ, số người chết đã tăng lên 27 người, theo Trung tâm Quản lý Khủng hoảng Quốc gia. Cơ quan này đang điều phối hoạt động cứu trợ ở các vùng thiên tai.

Trung tâm cho biết, 103 người đã "mất tích hoặc không thể liên lạc được". Một số người có khả năng không liên lạc được do không thể sạc điện thoại hoặc đang nằm viện mà không có giấy tờ tùy thân.

Tại các tỉnh Luxembourg và Namur ở miền nam Bỉ, chính quyền đang gấp rút cung cấp nước uống cho các hộ gia đình./.

HH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực