Tập trung tìm kiếm các thuyền viên mất tích

Thứ tư, 20/07/2022 21:13
(ĐCSVN) - Tập trung tìm kiếm các thuyền viên mất tích; Hà Nội ghi nhận trên 2.600 ca mắc cúm; kỷ luật loạt cán bộ chủ chốt Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc; Nắng nóng kỷ lục tại Châu Âu; Nhật Bản ghi nhận hơn 150.000 ca mắc mới COVID-19… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 20/7.

Tập trung tìm kiếm các thuyền viên Bình Thuận mất tích trên biển

Ngày 20/7, tin từ Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết đã điều động một máy bay trực thăng hỗ trợ tìm kiếm ngư dân mất tích theo đề nghị của UBND tỉnh Bình Thuận.

Đây là máy bay trực thăng của Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) sẽ tham gia tìm kiếm 8 ngư dân trên tàu cá BTh 97478 TS được xem là đang trôi dạt trên một chiếc thúng chai trên biển.

 Các tàu cứu nạn vẫn đang tìm kiếm trên biển. Ảnh PĐ.

9h45 sáng nay 20/7, máy bay DHC.6 - số hiệu 773 (dự bị 711) của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954, Quân chủng Hải quân đã cất cánh từ Cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm tám thuyền viên đang mất tích trên biển. Thủy phi cơ 773 sẽ vừa bay tìm kiếm vừa chỉ thị mục tiêu cho bốn tàu mặt nước đang có mặt tại khu vực cách Tây Bắc đảo Sinh Tồn - Quần đảo Trường Sa khoảng 80 hải lý.

Thông tin cho biết, đến trưa 20/7, tàu Cảnh sát biển Vùng 3 CBS 7011 dù đã tiếp cận nhưng vẫn chưa thể đưa bốn ngư dân Bình Thuận được cứu sống từ tàu cá Bình Định qua tàu Cảnh sát biển được do thời tiết quá xấu, sóng giật liên tục. Theo kế hoạch, tàu CBS 7011 sau khi tiếp cận tàu cá Bình Định sẽ đưa bốn ngư dân về đảo Phú Quý chăm sóc y tế. Tuy nhiên phương án sẽ phải thay đổi bằng cách đưa bác sĩ qua tàu cá để chăm sóc sức khỏe cho các ngư dân. Sức khỏe cả bốn thuyền viên được cứu sống đều rất yếu sau 9 ngày lênh đênh trên biển.

Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngoài tàu CBS 7011 thực hiện nhiệm vụ tiếp cận bốn thuyền viên để chăm sóc y tế; các tàu SAR 413 của Trung tâm phối hợp cứu nạn hàng hải khu vực III; CN-09 số hiệu BP 11.19.01 của Biên phòng Bình Thuận và một số tàu cá vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các ngư dân trên diện rộng.

Đặc biệt, tham gia tìm kiếm cứu nạn các thuyền viên trên tàu BTh 97478 TS còn có sáu tàu vận tải loại lớn của nước ngoài. Cụ thể đó là các tàu HayLingisland (quốc tịch Cộng hòa Quần đảo Marshall); Seamax Westport (quốc tịch Cộng hòa Quần đảo Marshall); Sinar Banda (Quốc tịch Indonesia); Wan Hai 328 (quốc tịch Singapore); Landbridge Horizon (quốc tịch Hồng Kông) và Cape Fullmar (quốc tịch Cộng hòa Quần đảo Marshall). Trong đó tàu lớn nhất là tàu container Seamax Westport có tổng trọng tải hơn 90.000 tấn với chiều dài 335m; rộng 42,83m.

Hà Nội ghi nhận trên 2.600 ca mắc cúm

Hà Nội đã ghi nhận trên 2.600 ca mắc cúm, cảnh báo số mắc đang có xu hướng gia tăng, ngành y tế khuyến cáo người dân tăng cường phòng bệnh. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện bệnh cúm mùa đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn Hà Nội.

Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tổng số ca mắc cúm trên địa bàn Hà Nội đang điều trị tại đây là 252 ca, phân bổ tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, hầu hết các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú; 71 trường hợp chỉ định nhập viện (chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền) trong đó có 1 trường hợp viêm phổi nặng, suy hô hấp. Hiện, tại Bệnh viện còn khoảng 20 bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.

Người bệnh cúm A điều trị tại cơ sở y tế. Ảnh: Tạ Nguyên.

Theo đó, số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi (44,1%); nhóm tuổi 18-49 tuổi (39,7%); nhóm tuổi 6-18 tuổi (11,8%); nhóm tuổi trên 50 tuổi (4,4%).

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội dự báo, thời gian tới, bệnh cúm có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng. Để chủ động kiểm soát và phòng ngừa bệnh cúm mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã đề nghị các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là tại các khu vực nguy cơ cao như: Cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân các khu công nghiệp… để kịp thời phát hiện và xử lý sớm, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.

Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát, kiện toàn lại các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó với các hình huống khi dịch lây lan trên địa bàn.

Để phòng bệnh, người dân cần thực hiện bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Người dân cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Đặc biệt, vaccine phòng cúm mùa là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất, người dân nên tiêm chủng đầy đủ để phòng bệnh. Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Kỷ luật loạt cán bộ chủ chốt Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành quyết định kỷ luật đối với lãnh đạo Sở Tư pháp vì những vi phạm, khuyết điểm trong công tác.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Sở Tư pháp nhiệm kỳ 2015-2020 và nhiệm kỳ 2020-2025 đối với ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc.

 Trụ sở Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Nguyễn Văn Bắc đã vi phạm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra giám sát để xảy ra khuyết điểm, vi phạm công tác chuyên môn nghiệp vụ và vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý tài chính ngân sách.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng với 2 Phó Giám đốc Sở Tư pháp là ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Kim Thị Ánh. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định buộc thôi việc đối với ông Tuấn Anh và bà Ánh.

Ông Nguyễn Tuấn Anh và bà Kim Thị Ánh bị đánh giá có những vi phạm rất nghiêm trọng.

Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng thống nhất biểu quyết với hình thức cảnh cáo đối với ông Hà Thái Nguyên, Phó giám đốc Sở Tư pháp.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cũng thi hành kỷ luật Đảng ủy Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc bằng hình thức cảnh cáo.

Nắng nóng kỷ lục ở Châu Âu

Tính đến ngày 20/7, các đợt nắng nóng thường xuyên và kéo dài đang là vấn đề được quan tâm nhất tại Châu Âu, đặc biệt sau những trận cháy rừng tàn khốc và nhiệt độ được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận các mức kỷ lục ở Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy trong những ngày tới.

Tại Tây Ban Nha, đám cháy bùng phát dữ dội trên một cánh đồng, thiêu rụi máy xúc gần thị trấn Tabara ở phía Bắc, người lái xe phải bỏ chạy vì quần áo trên lưng anh ta bắt lửa và bị cháy. Một lính cứu hỏa 62 tuổi thiệt mạng sau khi mắc kẹt trong ngọn lửa, trong khi một người chăn cừu 69 tuổi cũng bị chết cháy.

 Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt cháy rừng ở Alvendre, gần Guarda, Bồ Đào Nha. Ảnh: EPA-EFE.

Còn ở Bồ Đào Nha, một nửa thành phố Murca bị cháy và thi thể của một cặp vợ chồng già đang cố gắng chạy trốn được tìm thấy bên trong một "chiếc xe cháy hoàn toàn", Thị trưởng Mario Artur Lopes nói với đài truyền hình địa phương SIC.

Theo tờ Daily Mail, hơn 1.000 người ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã chết do nắng nóng vượt quá mức chịu đựng của con người.

Tại Pháp, thành phố Nantes có nhiệt độ 42 độ C, xô đổ kỷ lục cũ có từ năm 1949. Lực lượng cứu hỏa ở miền Tây Nam nước Pháp vẫn đang phải vật lộn để dập tắt hai đám cháy lớn gây tàn phá trên diện rộng. Hỏa hoạn thiêu rụi 14.800 ha ở khu vực Gironde. Các nhà khí tượng học đã đặt 15 trạm quan trắc trên cả nước trong tình trạng cảnh báo cao nhất do nhiệt độ cao.

Nhà chức trách cho biết đã có một số dấu hiệu ở Nam Âu cho thấy tình trạng nắng nóng, cháy rừng bắt đầu giảm bớt sau những ngày đỉnh điểm, khiến hàng trăm người thiệt mạng và vùng nông thôn khô hạn đáng lo. Đến nay, khoảng 46% lãnh thổ của toàn Liên minh châu Âu (EU) đang bị hạn hán nghiêm trọng do nắng nóng kỷ lục và các nguyên nhân khác. Cháy rừng bùng phát ở nhiều nơi như Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

Trước mức nhiệt "thiêu đốt", các quan chức kêu gọi người dân ở nhà và chính phủ kích hoạt cảnh báo "khẩn cấp quốc gia". Đợt nắng nóng được dự báo đang di chuyển về phía Bắc. Dự báo đợt nắng nóng sẽ ập đến Bỉ và Đức vào những ngày tới.

Dự báo Italia cũng sẽ hứng chịu nhiệt độ trên 40 độ C ở một số khu vực trong những ngày tới. Ngoài nắng nóng, nước này cũng đang chống chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Nhật Bản ghi nhận hơn 150.000 ca mắc mới COVID-19

Ngày 20/7, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt 150.000 ca, con số cao kỷ lục mới, trong bối cảnh đợt dịch thứ 7 đang hoành hành tại nước này do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lây lan mạnh.

Hơn 20 trong tổng số 47 tỉnh ở Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức kỷ lục mới, trong đó có Aichi, Osaka, Hyogo và Okinawa.

 Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Thủ đô Tokyo ghi nhận 20.401 ca mắc mới, lần đầu vượt 20.000 ca kể từ đầu tháng 2/2022.

Tỉnh Osaka ghi nhận con số kỷ lục mới 21.976 ca. Tỉnh Kanagawa gần Tokyo cũng ghi nhận con số kỷ lục 11.443 ca, lần đầu tiên vượt mức 10.000 ca.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã duy trì ở mức tương đối thấp cho đến giữa tháng Sáu vừa qua, trước khi bắt đầu tăng mạnh trong thời gian gần đây do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron lan nhanh trên cả nước.

Tuần trước, cố vấn hàng đầu về COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản, ông Shigeru Omi xác nhận nước này đã bước vào làn sóng dịch thứ 7.

Tuy nhiên, phát biểu họp báo ngày 20/7, Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno khẳng định lại chính phủ sẽ không áp đặt các hạn chế đi lại./.

TL (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực