Thái Lan: Đánh bom tại lễ hội làm hơn 40 người thương vong

Thứ bảy, 14/12/2024 20:49
(ĐCSVN) - Thái Lan: Đánh bom tại lễ hội làm hơn 40 người thương vong; Người dân Hàn Quốc tổ chức biểu tình trên toàn quốc yêu cầu luận tội Tổng thống; Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sau sáp nhập giảm 40% số đầu mối… là tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 14/12.

Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải sau sáp nhập giảm 40% số đầu mối

 

Sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, số đầu mối của Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông Vận tải giảm từ 42 đơn vị còn 25-27 đơn vị, giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối.

Bộ Xây dựng là Bộ có cơ cấu tổ chức tinh gọn nhất trong 4 nhiệm kỳ Chính phủ gần đây, dù trong bối cảnh chức năng, nhiệm vụ Bộ Xây dựng được giao đã liên tục tăng qua các nhiệm kỳ và chỉ tiêu biên chế được giao rất hạn hẹp.

Đây là thông tin được ông Hoàng Hải Vân - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Xây dựng) - chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 của ngành tổ chức ngày 14/12 tại Hà Nội.

Theo ông Hoàng Hải Vân, trong bối cảnh nhiệm vụ được giao nhiều và nặng nề qua từng nhiệm kỳ Chính phủ, Bộ Xây dựng vẫn giữ cơ cấu tinh gọn nhất.

Bộ không hình thành cấp Tổng cục, không thành lập một số tổ chức hành chính có ở một số Bộ khác như Vụ Thi đua-Khen thưởng, Cục Quản trị... mà các tổ chức này đều được tinh gọn thành các bộ phận bên trong các đơn vị trực thuộc Bộ. Bộ Xây dựng cũng là một trong những Bộ đầu tiên bỏ mô hình phòng trong Vụ…

Một số cơ quan được nâng cấp, chuyển đổi mô hình hoặc tổ chức, sắp xếp lại trong 2 nhiệm kỳ gần đây (từ Vụ lên Cục, từ Ban sang Vụ) đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn quản lý, việc bổ sung nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng qua từng nhiệm kỳ và yêu cầu cải cách hành chính.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã đẩy mạnh việc kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập; hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các bộ phận bên trong các đơn vị để thu gọn đầu mối, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ, giảm biên chế.

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp.

Cũng sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng.

Xét về lịch sử, Bộ Xây dựng được thành lập năm 1958 đến nay đã hơn 65 năm. Bộ Giao thông Vận tải được thành lập từ năm 1945, đến nay đã gần 80 năm.

Tên gọi "Bộ Xây dựng" và "Bộ Giao thông Vận tải" đã có quá trình tồn tại lâu dài, phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của từng Bộ trong các giai đoạn trước đây, gắn liền với lịch sử hình thành và tình cảm, tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức và người lao động của 2 ngành.

Dự kiến tên của hai Bộ sau hợp nhất được quyết định là "Bộ Xây dựng và Giao thông."

Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông Vận tải có 23 đơn vị.

Thái Lan: Đánh bom tại lễ hội làm hơn 40 người thương vong

 Ảnh chụp màn hình hiện trường nơi xảy ra vụ việc. Nguồn: Thairath

Ngày 14/12, nhà chức trách Thái Lan cho biết 3 người đã thiệt mạng và 39 người bị thương trong vụ nổ bom xảy ra ngay trước nửa đêm 13/12 tại một lễ hội thường niên ở tỉnh Tak.

Trong bài đăng trên mạng xã hội, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bày tỏ chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình những người thiệt mạng và bị thương trong vụ nổ.

Bà Paetongtarn đã ra lệnh cho cảnh sát và các cơ quan an ninh nhanh chóng điều tra vụ việc, bắt giữ những kẻ gây án và đưa ra trước công lý.

Thủ tướng Thái Lan cũng chỉ thị cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp an ninh tại tất cả các lễ hội sắp tới để đảm bảo trật tự và an toàn công cộng.

Cảnh sát Thái Lan ngày 14/12 cho biết nhà chức trách nước này đã bắt giữ 2 đối tượng là nam giới, sau khi xảy ra vụ nổ lựu đạn tại một lễ hội gần biên giới với Myanmar khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương đêm trước đó.

Theo cảnh sát địa phương, một thiết bị nổ tự chế đã phát nổ trên sàn nhảy tại một lễ hội ở quận Umphang thuộc tỉnh Tak, miền Bắc Thái Lan vào đêm 13/12. Vụ nổ đã khiến 2 người tử vong tại chỗ và một người khác tử vong sau đó tại bệnh viện, đồng thời khiến 48 người bị thương trong số khoảng 8.000-9.000 người tham dự sự kiện.

Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ một thanh niên Thái Lan và một nam giới mà họ cho là thành viên của Liên minh Dân tộc Karen (KNU) - một nhóm phiến quân dân tộc thiểu số ở Myanmar.

Cảnh sát trưởng tỉnh Tak, Thiếu tướng Samrit Ekamol cho biết nghi phạm người Myanmar đã ném lựu đạn sau khi chạm trán với một người mà đối tượng từng xô xát trước đó.

Hiện tất cả các khu vực tổ chức các sự kiện công cộng của Thái Lan đã được chỉ thị tăng cường các biện pháp an ninh, tăng cường thu thập thông tin tình báo và ngăn chặn các cuộc đối đầu giữa các nhóm đối thủ để đảm bảo an toàn công cộng.

Người dân Hàn Quốc tổ chức biểu tình trên toàn quốc yêu cầu luận tội Tổng thống

Người dân tụ tập từ sớm gần toà nhà Quốc hội ở Yeouido, Seoul, để tham dự một cuộc biểu tình lớn do các nhóm dân sự tổ chức nhằm yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol ngày 14/12. Ảnh: Yonhap 

Ngày 14/12, người dân Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình trên toàn quốc để yêu cầu luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol vì nỗ lực áp lệnh thiết quân luật bất thành của ông. Các cuộc biểu tình này diễn ra vào thời điểm Quốc hội chuẩn bị tiến hành cuộc bỏ phiếu về động thái luận tội lần hai đối với ông Yoon.

Theo hãng thông tấn Yonhap, các cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp các thành phố lớn, nơi những người biểu tình kêu gọi ông Yoon từ chức ngay lập tức và thúc giục các nhà lập pháp của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền ủng hộ động thái luận tội Tổng thống.

Tại Seoul, người dân bắt đầu tụ tập nhiều giờ trước khi cuộc biểu tình lớn do các nhóm dân sự tổ chức bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở Yeouido diễn ra.

Nam Da-hyun, 29 tuổi, người biểu tình đến sớm cho biết: “Tôi muốn có chỗ đẹp và tiếng nói của tôi được lắng nghe. Mặc dù tôi hy vọng vào cuộc luận tội này, nhưng điều thậm chí còn quan trọng hơn là được tiếp tục xuất hiện tại đây là đảm bảo rằng xã hội sẽ phát triển theo hướng tốt hơn”.

Baek Eun-kyung, 46 tuổi, người đã đi từ thành phố Suncheon, một tỉnh ở phía nam để tham gia cuộc biểu tình, chia sẻ: “Tôi đến đây vì Chính phủ thực tế đã tuyên chiến với chính người dân của mình và từ chối chịu trách nhiệm. Tôi muốn góp phần tạo ra một thế giới mà con cái tôi có thể sống an toàn”.

Theo ước tính không chính thức của cảnh sát, tính đến 2 giờ 30 phút chiều, có khoảng 85.000 người đã tụ tập tại cuộc biểu tình.

Do đám đông biểu tình, giới chức Công ty tàu điện ngầm đô thị Seoul (Seoul Metro) cho biết các chuyến tàu trên tuyến tàu điện ngầm số 9 đã bỏ qua Ga Quốc hội như một biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn các vụ việc do tắc nghẽn

Tại Gwangju, một liên minh gồm 145 nhóm công dân đã tổ chức cuộc biểu tình tại trung tâm thành phố, sau đó là cuộc diễu hành dọc theo phố Geumnam. Theo ban tổ chức, hàng nghìn người sẽ di chuyển theo con đường lịch sử của Cuộc nổi dậy Gwangju ngày 18/5/1980, sự kiện quan trọng trong phong trào dân chủ của Hàn Quốc, trong cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình bổ sung cũng đã diễn ra tại Jeju, Incheon, Daejeon và trên khắp các tỉnh Chungcheong Bắc và Nam, cho thấy làn sóng bất mãn đã lan rộng trên quy mô toàn quốc.

Động thái luận tội Tổng thống Yoon diễn ra sau ban bố áp lệnh thiết quân luật ngắn ngủi của ông hôm 3/12. Vào cuối tuần trước, động thái luận tội Tổng thống lần đầu đã thất bại do không đạt đủ số phiếu cần thiết, sau khi đảng cầm quyền PPP tẩy chay cuộc bỏ phiếu.

Một nhà tổ chức cuộc biểu tình đã mô tả sự kiện này chính là cuộc chiến nhằm “lật đổ Chính quyền Tổng thống Yoon” và bảo vệ nền dân chủ…

PC (tổng hơp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực