Tháng 9, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước

Thứ năm, 12/08/2021 20:48
(ĐCSVN) - Thủ tướng: Tháng 9, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước; Thành phố Hồ Chí Minh vận động F0 hết bệnh tham gia chống dịch; bắt khẩn cấp giám đốc làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19; Nga điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Kamchatka; mưa lũ hoành hành tại nhiều địa phương của Ấn Độ,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 12/8.

Thủ tướng: Tháng 9, Việt Nam có thể có vaccine sản xuất trong nước

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
 

Sáng 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt; nhân dân hết sức quan tâm việc triển khai chiến lược vaccine. Để có vaccine tiêm cho người dân nhiều, nhanh nhất có thể, chúng ta đã thực hiện đồng bộ “kiềng ba chân” gồm mua và nhập khẩu; chuyển giao công nghệ để sản xuất; nghiên cứu, sản xuất trong nước. Trong đó, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước có vai trò rất quan trọng. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được người dân rất trông đợi.

Thủ tướng cho biết, thời gian ngắn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có 5 cuộc họp về vấn đề nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine, thuốc và các trang thiết bị khác phục vụ chống dịch. Bên cạnh đó, Thủ tướng đã có nhiều chuyến thăm, động viên và kiểm tra các cơ sở nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với vấn đề sản xuất vaccine trong nước.

Tại cuộc họp, Bộ Y tế và các bên liên quan đã báo cáo cụ thể về tình hình, tiến độ, kết quả chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine phòng COVID-19 trong nước. Cụ thể là việc nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển; vaccine COVIVAC do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, phát triển; việc chuyển giao công nghệ vaccine từ nước ngoài để sản xuất trong nước (vaccine ARCT-154 của Hoa Kỳ do Vingroup thực hiện); vaccine của Công ty Shionogi (Nhật) do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và VABIOTECH triển khai; vaccine Sputnik-V (Nga) do VABIOTECH và Công ty DS-Bio triển khai)…

Tại buổi làm việc, các đơn vị, nhà khoa học khẳng định sẽ nỗ lực, cố gắng rút ngắn các quy trình thủ tục để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine một cách nhanh nhất, song tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình, quy định về mặt chuyên môn và khoa học, bảo đảm khách quan, trung thực trong nghiên cứu, đánh giá thử nghiệm vaccine. Các nhà khoa học bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine; khẳng định hiệu quả của tất cả các loại vaccine đã được cấp phép.

Tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, trên tinh thần “kịp thời, an toàn, hiệu quả”, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sản xuất phải vào cuộc hết sức khẩn trương, rút gọn tối đa quy trình, thủ tục hành chính nhưng về mặt chuyên môn, khoa học phải chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ. Do đây là lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, chúng ta “phải có trái tim nóng và cái đầu tỉnh táo"...

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu mọi việc suôn sẻ thì trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vaccine sản xuất trong nước. Đây là kết quả từ sự nỗ lực, lao động của các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, nhà quản lý, nhà sản xuất, cũng là sản phẩm chung của cả nước, của dân tộc, của lòng dân, khẳng định trí tuệ, bản lĩnh, quyết tâm của con người Việt Nam trong bối cảnh khó khăn theo tinh thần “biến nguy thành cơ”, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, khẳng định và trưởng thành, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vaccine, “loại vaccine tốt nhất là vaccine được cấp phép, được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”.

Thành phố Hồ Chí Minh vận động F0 hết bệnh tham gia chống dịch

 Một bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi sau thời gian điều trị tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (Nguồn ảnh: tuoitre.vn)

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh vừa có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế và Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố chỉ đạo tập trung đẩy mạnh một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch.

Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 việc vận động, sử dụng các bệnh nhân COVID-19 đã hoàn thành điều trị để tham gia tình nguyện phục vụ phòng, chống dịch. Cụ thể như công việc tham gia, chế độ hỗ trợ...

Sở có trách nhiệm phối hợp với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tiến hành khảo sát cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 để tham mưu việc điều phối lực lượng y tế tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị; quy trình chuyển và điều trị bệnh nhân COVID-19; hướng dẫn thuốc điều trị tại các cơ sở tiếp nhận, điều trị trong tháp 5 tầng.

Đồng thời, tham mưu Ban chỉ đạo việc quản lý, cập nhật kịp thời, thường xuyên khả năng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của từng cơ sở tiếp nhận, điều trị để thực hiện tốt quy trình phân loại, điều chuyển và điều trị hiệu quả, đặc biệt là bệnh nhân COVID-19 nặng.

Trước đó, Tổ điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, TP. Hồ Chí Minh cần bổ sung 12.000 nhân viên y tế gồm 2.800 bác sĩ; 8.200 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 1.000 giảng viên, sinh viên tham gia công tác phòng, chống dịch để phục vụ tại khu cách ly, điều trị F0 và khối cấp cứu.

Bắt khẩn cấp giám đốc làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19

 Giấy xét nghiệm COVID-19 giả thu được từ văn phòng Công ty TNHH thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân, có trụ sở tại khu Chu Mẫu, Phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ngày 12/8, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, đơn vị đang điều tra mở rộng vụ Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế in ấn quảng cáo Thiên Nhân là Trần Tấn Dương (34 tuổi, thường trú tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) có hành vi làm giả, bán phiếu xét nghiệm COVID-19.

Theo đó, khoảng 12 giờ ngày 11/8, Công an thành phố Bắc Ninh kiểm tra văn phòng Công ty Thiên Nhân có trụ sở tại khu Chu Mẫu, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) do Trần Tấn Dương làm Giám đốc. Lực lượng chức năng phát hiện Dương bán cho Vũ Văn Chiến (32 tuổi, trú ở phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh) 6 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19, trong đó có 5 phiếu test nhanh, 1 phiếu xét nghiệm PCR của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ (địa chỉ phường ở phố Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) với giá 1 triệu đồng.

Công an thành phố Bắc Ninh thu giữ 7 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19 của Công ty Cổ phần Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cùng nhiều tang vật liên quan.

Tại Cơ quan điều tra Dương khai nhận, nắm bắt nhu cầu của công nhân, lái xe cho các công ty trong khu công nghiệp, lái xe đường dài cần có phiếu xét nghiệm COVID-19 để đi làm và ra, vào các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh. Dương nghĩ cách làm giả phiếu xét nghiệm COVID-19 của Công ty Hoàn Mỹ để bán kiếm lời. Dương sưu tầm phiếu xét nghiệm thật có dấu đỏ của Công ty Hoàn Mỹ, dùng kỹ thuật scan và lưu lại trên máy tính. Sau đó, Dương chỉnh sửa thông tin cá nhân theo yêu cầu mà khách đã chuyển qua Zalo, scan dấu đỏ trên phiếu xét nghiệm thật, in màu và tự ký vào mục kỹ thuật viên, lãnh đạo bệnh viện.

Với thủ đoạn này, Dương đã làm và bán khoảng 150 phiếu giả kết quả xét nghiệm COVID-19 với giá 150.000 đồng/phiếu xét nghiệm nhanh và 250.000 đồng/phiếu xét nghiệm PCR.

Hiện tại, Công an thành phố Bắc Ninh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Tấn Dương về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức theo Điều 341- Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015; đồng thời tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án.

Nga điều tra nguyên nhân vụ tai nạn máy bay trực thăng ở Kamchatka

 Một máy bay trực thăng Mi-8 của Nga. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Một nguồn tin từ các cơ quan khẩn cấp Nga cho biết nhà chức trách nước này đang tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay trực thăng Mi-8 xảy ra ở vùng Kamchatka vào sáng 12/8, trong đó tập trung vào vấn đề hỏng động cơ và lỗi phi công.

Nguồn tin cho rằng 2 lý do này đang được các nhà điều tra xem xét là những nguyên nhân chính khiến trực thăng Mi-8 bị rơi.

Trước đó, cơ quan khẩn cấp Kamchatka thông báo máy bay trực thăng Mi-8 thuộc sở hữu của công ty hàng không Vityaz-Aero đã lao xuống hồ Kuril thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Kronotsky trong bối cảnh điều kiện thời tiết sương mù.

Theo thông tin ban đầu, trên máy bay có 16 người, gồm 3 thành viên phi hành đoàn và 13 hành khách. Hoạt động giải cứu đang được triển khai.

Giám đốc thương mại của hãng hàng không Vityaz-Aero, ông Dmitry Chernykh cho biết đến nay, lực lượng cứu hộ đã cứu được 8 người và những người còn lại vẫn đang mất tích. Máy bay hiện đang chìm dưới hồ.

Mưa lũ hoành hành tại nhiều địa phương của Ấn Độ

Ngày 12/8, tại Ấn Độ, hàng nghìn người đã được đưa ra khỏi các ngôi làng ngập trong nước sau khi nước sông Hằng dâng cao đến mức nguy hiểm tại bang đông dân nhất Uttar Pradesh. Nước đã cao hơn 2m so với mức bình thường ở thành phố Allahabad. Đây cũng là nơi đang chứng kiến đợt lũ lụt kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ qua sau nhiều ngày mưa lớn.

Hơn 600 ngôi làng đã bị cô lập vì nước lũ dâng cao, nhấn chìm mọi tuyến đường giao thông trên bộ. Chính quyền thành phố Allahabad đã phải triển khai lực lượng cứu hộ lớn gồm 225 thuyền để giải cứu người dân đang chờ đợi trên các mái các ngôi nhà ngập nước. Khoảng 4.500 người trong và các vùng phụ cận thành phố đã được đưa tới nơi an toàn.

Trong khi đó, tại thành phố linh thiêng Varanasi, cách Allahabad  khoảng 100 km, nước đã cao hơn cả mức cảnh báo nguy hiểm đến 1m. Hàng nghìn người cũng đã được lực lượng cứu hộ đưa tới các vùng không bị ngập lụt.

Chính quyền bang Uttar Pradesh cho biết 940 nơi tạm trú đã được lập ra để đón người dân sơ tán lánh nạn, đồng thời, chính quyền cũng cung cấp những suất ăn hỗ trợ cho người dân./.

 

 

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực