Thêm 5 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 13/4

Thứ hai, 13/04/2020 21:12
(ĐCSVN) – Ngày 13/4, thêm 5 ca mắc COVID-19 mới, nâng số ca bệnh cả nước lên 265; Hà Nội: Nguy cơ từ chợ hoa Mê Linh; Lâm Đồng: Bi kịch hai mẹ con sát hại chồng, cha do sợ bị đánh; Ukraine: Cháy rừng tàn phá khu vực gần nhà máy hạt nhân Chernobyl… là những thông tin được chú ý trong ngày.

Thêm 5 ca mắc COVID-19 mới trong ngày 13/4, nâng số ca bệnh cả nước lên 265

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 13/4 cho biết, tính tới 18h00 cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 5 ca mắc mới (2 ca và buổi sáng và 3 ca vào chiều tối), nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 265 trường hợp. Trong đó 159 người từ nước ngoài chiếm 60,7%; 103 người lây nhiễm thứ phát chiếm 39,3%.

 Nguồn: Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 

Hai ca bệnh mắc mới được công bố vào sáng ngày 13/4 là các ca bệnh 261 (BN261) và 262 (BN262). Trong đó, BN261 là nữ giới, 60 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân bán tạp hoá tại chợ Hạ trong xóm Hội; được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4 và xét nghiệm ngày 12/4 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân này đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Trong khi đó, BN262 là nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Chợ, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân này là công nhân công ty Sam Sung, Bắc Ninh. Ngày 27/3, bệnh nhân có tiếp xúc gần với BN254 (là bác của bệnh nhân). Ngày 31/3, bệnh nhân có xuất hiện ho khan, sốt. Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 11/4 và xét nghiệm ngày 12/4 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện đang bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Ba ca bệnh mắc mới được công bố vào chiều tối ngày 13/4 là:

Bệnh nhân 263 (BN263): Bệnh nhân nữ, 45 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Ngày 25/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt rét, đau rát họng, ho khan, mệt. Bệnh nhân thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/4. Bệnh nhân được kết luận dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13/4. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 264 (BN264): Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân thuộc diện sàng lọc và được lấy mẫu xét nghiệm ngày 11/4. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 13/4. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

Bệnh nhân 265 (BN265): Bệnh nhân nam, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, quê tại Hà Tĩnh. Ngày 23/3, bệnh nhân từ Thái Lan nhập cảnh về Việt Nam qua cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại điểm cách ly ở Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ngày 8/4 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả nghi ngờ nhiễm SARS-CoV-2. Ngày 12/4,  bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lại, cho kết quả dương tính với SAR-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Cầu Treo, Hà Tĩnh.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 13/4, có  01 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Hiện nay 120 ca bệnh đang được điều trị tại 14 bệnh viện. Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 22ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 15 ca.

Hà Nội: Nguy cơ từ chợ hoa Mê Linh

Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (COVID-19) TP Hà Nội diễn ra sáng 13/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: Chợ hoa Mê Linh tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng vì việc buôn bán hoa diễn ra trên diện rộng.

Theo ông Chung, đây là nơi đang có nhiều nguy cơ lây lan dịch tại cộng đồng vì là nơi giao dịch hoa lớn cho các tỉnh, trong đó đáng chú ý là hoạt động đến và đi từ Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Lào Cai và các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra. Chợ hoa liên quan đến 6 xóm của thôn Hạ Lôi với 100ha trồng hoa. Ngoài ra, chợ hoa này cũng cung cấp hoa cho nhiều nơi trên địa bàn thành phố, như cung cấp hoa cho các nhà tang lễ, các chợ hoa lẻ...

Báo cáo tại buổi họp, Sở Y tế Hà Nội đánh giá, tình hình ổ dịch tại thôn Hạ Lôi rất phức, nhiều trường hợp liên quan, vì vậy sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng, dự báo trong thời gian tới có thể có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, với ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, hiện có tổng số 10 bệnh nhân mắc COVID-19. Cơ quan chức năng đã tiến hành khoanh vùng, thiết lập vùng cách ly y tế đối với toàn bộ thôn Hạ Lôi kể từ ngày 8-4 đến hết ngày 5-5 (28 ngày). Đến nay, đã lấy mẫu xét nghiệm 466 trường hợp F1; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 10.013 người dân, hiện đã có 3.136 mẫu có kết quả, trong đó 1 mẫu dương tính, còn lại âm tính. Để tăng cường xử lý cho ổ dịch thôn Hạ Lôi, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cùng một đội phản ứng nhanh đã tăng cường hỗ trợ huyện Mê Linh trong suốt thời gian khoanh vùng.

 Quang cảnh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP Hà Nội sáng 13/4 (ảnh: hanoimoi.com.vn)

Liên quan đến ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã lấy mẫu được khoảng 11.000 trường hợp, trong đó xét nghiệm được 6.140 mẫu, qua đó phát hiện trường hợp ca bệnh mới là bệnh nhân số 262.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, bệnh nhân số 262 làm việc tại Yên Phong, Bắc Ninh, có lịch trình di chuyển phức tạp, hằng ngày đi làm tiếp xúc với nhiều người. Hiện, cơ quan chức năng đang chủ động tìm kiếm những người liên quan. 

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, tại ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, trong 10 ca dương tính, nhiều trường hợp không có biểu hiện bệnh, vẫn đi làm bình thường, chỉ phát hiện khi xét nghiệm. Vì thế, các đơn vị, địa phương phải coi ổ dịch thôn Hạ Lôi như ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Tất cả người đi, về từ thôn Hạ Lôi phải coi là nguồn lây nhiễm.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị, địa phương phong tỏa toàn bộ thôn Hạ Lôi theo hình thức "nhà nào ở nhà nấy" như mô hình làm ở phố Trúc Bạch. Mỗi gia đình chỉ có 1 người ra ngoài lấy thực phẩm hằng ngày. Trường hợp nào cố tình vi phạm thì xử phạt nghiêm.

"Việc cách ly triệt để là cách ngăn chặn nguồn lây không bị bùng phát. Có như vậy, các ổ dịch như những "đám cháy" tự lụi tàn và tắt"- Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo, đồng thời yêu cầu TP Hà Nội tập trung dập dịch tại thôn Hạ Lôi, trong đó tập trung xác minh những người tiếp xúc với bệnh nhân số 243 và các ca dương tính khác. Các địa phương phải xác minh tất cả số người tiếp xúc, mua hoa tại chợ hoa Mê Linh; cán bộ, công nhân sinh sống tại đây nhưng làm việc ở các nơi khác; xác minh toàn bộ hơn 700 người đã từng ra, vào mua hoa, thăm thân, làm việc... tại thôn Hạ Lôi từ ngày 15-3 đến 10-4 để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm ngay lập tức.

Lâm Đồng: Bi kịch hai mẹ con sát hại chồng, cha do sợ bị đánh

Ngày 13/4, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh này vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam hai mẹ con Nguyễn Thị Nga, (47 tuổi) và Phạm Phi Trường (19 tuổi), cùng trú ở thôn Hà Phú (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) về hành vi giết người và động phạm giết người.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã phê chuẩn quyết định trên.

 Hiện trường vụ án (Ảnh: vov.vn)

Trước đó, sáng 4/4/2020, ông Phạm Văn Dũng (56 tuổi, trú tại xã Quốc Oai) được người nhà đã đưa đến Bệnh viện 2 Lâm Đồng (đóng tại thành phố Bảo Lộc) để cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng.

Đến trưa cùng ngày, nạn nhân tử vong do vết thương quá nặng. Trong quá trình cấp cứu các bác sỹ Bệnh viện 2 Lâm Đồng nghi vết thương là do đạn bắn gây ra nên đã báo công an. Công an tỉnh Lâm Đồng đã khám nghiệm hiện trường, đồng thời tạm giữ bà Nguyễn Thị Nga và Phạm Văn Trường, là vợ và con trai nạn nhân, để điều tra vụ án mạng.

Theo điều tra bước đầu Công an tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian chung sống ông Dũng và bà Nga thường xuyên mâu thuẫn với nhau. Ông Dũng hay uống rượu, chửi bới, đánh đập vợ con. Trước Tết Nguyên đán 2020, ông Dũng đuổi Trường ra khỏi nhà. Sau đó, ông Dũng đi làm thợ hồ ở Tây Ninh.

Tháng 3/2020, ông Dũng gọi điện thông báo cho vợ, con biết là ông chuẩn bị về nhà để làm giỗ cho bố của ông, nói bà Nga và Trường phải chuẩn bị tiền và đe dọa nếu hai người không nghe lời sẽ bị đánh. Tại cơ quan điều tra, bà Nga khai, do không chuẩn bị được tiền, lo sợ bị đánh nên hai mẹ con bàn nhau nếu lần này bị đánh nữa thì sẽ ra tay giết ông Dũng.

Phạm Văn Trường sau đó mua của Hồ Tấn Công (sinh năm 1991, trú Khu phố 4C, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh) một khẩu súng tự chế dài khoảng 80cm cùng 5 viên đạn thể thao. Đến khoảng 4 giờ ngày 4/4, khi ông Dũng đang ngủ say, Nguyễn Thị Nga gọi Phạm Văn Trường dậy.

Trường cầm súng đi vào phòng ngủ của ông Dũng và Nga, chĩa súng vào người ông Dũng để bắn. Nhưng lúc đó Trường run sợ, không dám bắn mà để súng lại dưới giường rồi đi ra ngoài. Sau đó, Nguyễn Thị Nga bật dậy lấy súng hướng về phía ông Dũng bóp cò. Trường mang súng ra ngoài tháo rời ra rồi cất giấu dưới mương nước sau nhà. Nguyễn Thị Nga chạy đến nhà chị gái là bà N, nhờ vợ chồng bà N. đến kiểm tra tình trạng của ông Dũng. Vợ chồng bà N. xuống nhà Nga rồi đưa ông Dũng đi cấp cứu.

Đến tối 4/4, tại cơ quan điều tra hai mẹ con bà Nga đã thừa nhận tội lỗi của mình. Trong ngày 5/4, các cơ quan chức năng đã tìm thấy và thu giữ khẩu súng tang vật do Trường khai cất giấu ở mương nước. Hoàn cảnh gia đình ông Dũng rất khó khăn, phức tạp. Con trai đầu đang phải chấp hành án phạt tù vì tội tàng trữ, sử dụng ma túy.

Ukraine: Cháy rừng tàn phá khu vực gần nhà máy hạt nhân Chernobyl

Truyền hình địa phương đã phát đi những hình ảnh lửa đã thiêu hủy nhiều khu nghĩa trang, cánh rừng, đầm lầy và ít nhất 12 ngôi làng. Ngày 12/4, ngọn lửa đã tiến sát hơn tới nhà máy điện hạt nhân.

Lực lượng chữa cháy dốc sức kiềm chế ngọn lửa. (Ảnh: Times News24) 

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, cháy rừng tại khu vực cấm gần nhà máy điện hạt nhân Chẻnobyl của Ukraine đang tiếp tục diễn biến xấu, mặc dù từ ngày 4/4 đến nay, lực lượng cứu hỏa sở tại đã dốc sức để khống chế "giặc lửa."

Truyền hình địa phương đã phát đi những hình ảnh lửa đã thiêu hủy nhiều khu nghĩa trang, cánh rừng, khu vực đầm lầy và ít nhất 12 ngôi làng. Ngày 12/4, ngọn lửa đã tiến sát hơn tới nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Một đoạn video được đăng tải trên Internet cho thấy nhiều loài động vật, gia súc bỏ chạy qua những cánh đồng; trực thăng cứu hỏa trút hàng tấn nước xuống khu vực mà lửa đang bao phủ...

Về nguyên nhân gây hỏa hoạn, các cơ quan chức năng không loại trừ khả năng là do chủ ý. Cảnh sát hiện đã tạm giữ hai nghi phạm để điều tra.

Trong một thông báo ngày 5/4, nhà chức trách Ukraine cho biết đã ghi nhận mức độ phóng xạ tăng tại khu vực cấm xung quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl trong vụ cháy rừng này. Ông Yegor Firsov-người đứng đầu Cơ quan Giám sát sinh thái quốc gia Ukraine-cho biết: "Tin xấu là lượng phóng xạ trên mức bình thường ở khu vực trung tâm đám cháy."

Thông báo của ông Firsov đính kèm một video cho thấy thiết bị đo phóng xạ Geiger hiển thị mức phóng xạ cao gấp 16 lần so với bình thường. Lực lượng cứu hỏa cho biết bức xạ gia tăng ở một số khu vực đã gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy, song khẳng định dân cư sống gần hiện trường không gặp nguy hiểm tính mạng. 

Nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại các khu rừng gần nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hiện đã ngừng hoạt động. Sự cố hồi tháng 4/1986 tại nhà máy điện hạt nhân này, trong đó lò phản ứng thứ tư của nhà máy phát nổ, đã khiến một vùng rộng lớn của châu Âu ô nhiễm phóng xạ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở Ukraine, Belarus, Nga, các nước vùng Baltic và một số quốc gia khác.

Đây được xem là sự cố hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Sau vụ việc này, người dân không được phép sinh sống trong phạm vi 30km xung quanh nhà máy điện này. Ba lò phản ứng còn lại tại Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện cho đến khi nhà máy này chính thức ngừng hoạt động vào năm 2000./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực