Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị kỷ luật

Thứ năm, 13/01/2022 20:01
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị kỷ luật; Cổ phiếu nhóm FLC mất thanh khoản; Hà Nội được xếp vào nhóm điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; Olympic Bắc Kinh bấp bênh vì Omicron; Lần đầu tiên thế giới ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc COVID-19 trong ngày… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (12/1/2021)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị kỷ luật

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống. (Ảnh: Đ.X)

Tại Kỳ họp thứ 11 diễn ra trong 2 ngày 12-13/1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo các đồng chí: Võ Thành Thống, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ; Lê Văn Tâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố và cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020.

Khiển trách Ban cán sự đảng UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 và các đồng chí: Nguyễn Văn Hồng, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Lê Dương Cẩm Thúy, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ.

Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Lương Tấn Thành và Hồ Phương Quỳnh, cán bộ Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế thành phố Cần Thơ.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế; Cao Minh Chu, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ.

Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng; Đại tá Đinh Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khiển trách các đồng chí: Đại tá Bùi Nam Đĩnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy; Đại tá Đào Quang Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng; Đại tá Trần Văn Trường, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Trung tá Lương Văn Hoan, Chi ủy viên Phòng Hậu cần, Trưởng Ban Tài chính, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Đại tá Phạm Văn Phong, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…

Xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Lương Thanh Hải, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu…

Cổ phiếu nhóm FLC mất thanh khoản

leftcenterrightdel
Cổ phiếu nhóm FLC mất thanh khoản.

Cổ phiếu nhóm FLC, cùng với bất động sản và các mã đầu cơ, tiếp tục bị bán tháo ồ ạt trong phiên hôm nay (13/1). Riêng với nhóm FLC, cùng với diễn biến giảm sàn diện rộng, thanh khoản các mã này cũng giảm đột ngột.

Tính trong một năm, thanh khoản trung bình mỗi phiên của FLC và ROS đều trên 20 triệu cổ phiếu, với KLF là 8,3 triệu, còn HAI và AMD giao dịch bình quân trên 5 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, trong phiên hôm nay, lực mua vào các mã này giảm đột ngột, trong khi khối lượng dư bán sàn cao đột biến.

Theo đó, kết thúc phiên, FLC khớp lệnh hơn 800.000 đơn vị, thanh khoản của ROS chỉ hơn 300.000 cổ phiếu, các mã khác như KLF, HAI, AMD cũng trong trạng thái tương tự. Trong khi đó, khối lượng cổ phiếu chất bán giá sàn của FLC lên tới hơn 59 triệu cổ phiếu, với ROS đạt gần 99 triệu đơn vị, trước đó mã này ghi nhận mức kỷ lục hơn 105 triệu cổ phiếu treo giá sàn. Các mã KLF, HAI, AMD cũng ghi nhận dư bán giá sàn trên 20 triệu đơn vị.

Theo các chuyên gia, khối lượng cổ phiếu bán sàn lên tới hàng chục triệu cổ phiếu, thậm chí hơn trăm triệu đơn vị, là dấu hiệu cho thấy "sự hoảng loạn của đám đông". Hôm nay là phiên thứ 3 liên tiếp cổ phiếu nhóm FLC bị bán tháo.

Hiện tưởng này xảy ra do liên quan đến thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn, bán "chui" 175 triệu cổ phiếu. Ủy ban chứng khoán (SSC) sau đó đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan để có giải pháp xử lý ngay trong tối 10/1. Quyết định phong tỏa các tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết "nhằm ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định".

Tiếp đến, sau khi huỷ lệnh, Ủy ban chỉ đạo HoSE, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và các công ty chứng khoán phối hợp rà soát các giao dịch đối ứng từ tài khoản của ông Quyết để hủy giao dịch.

Hiện cơ quan thanh tra của Ủy ban Chứng khoán yêu cầu ông Trịnh Văn Quyết, cá nhân vi phạm, tới ký biên bản, 5 ngày sau sẽ ban hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định.

Hà Nội được xếp vào nhóm điểm đến hấp dẫn nhất thế giới

leftcenterrightdel
 Hồ Gươm luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách. (Ảnh: TTXVN)

Mặc dù năm 2021 du lịch Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong cả nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 nhưng nhiều tổ chức, cơ quan báo chí du lịch quốc tế vẫn đánh giá, xếp hạng Hà Nội đứng trong nhóm những thành phố điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

Cụ thể, trang web Trip Advisor xếp hạng thành phố Hà Nội đứng thứ 2 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và đứng thứ 6 trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới. Trang du lịch trực tuyến Worldpackers (Mỹ) giới thiệu Thủ đô Hà Nội là 1 trong 10 thành phố có mức chi rẻ nhất thế giới dành cho người nước ngoài. Tạp chí Time (Mỹ) bình chọn Thủ đô Hà Nội là 1 trong 3 điểm đến của Việt Nam vào top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới, 3 điểm đến gồm: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc (Kiên Giang).

Tiếp đó, trang Holidu (Anh) chuyên về du lịch quốc tế, xếp Thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 18 (thành phố Hồ Chí Minh thứ 21, Hội An thứ 32) trong danh sách 147 thành phố tuyệt nhất để làm việc và nghỉ ngơi trên thế giới. Cơ quan phân tích Deep Knowledge Analytics (DKA) xếp Thủ đô Hà Nội vào danh sách 50 thành phố ứng phó với đại dịch tốt nhất thế giới, ở vị trí thứ 44, trong tổng số 72 thành phố du lịch được DKA phân tích, xếp trên cả Athens của Hy Lạp hay Bucharest của Romania.

Cẩm nang du lịch uy tín Forbes Travel Guide (Mỹ) công bố danh sách bảng xếp hạng các khách sạn, nhà hàng và spa cao cấp đạt chuẩn 5 sao. Trong đó, Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội năm thứ hai liên tiếp được xếp hạng cao nhất. Bên cạnh đó, Travelers' Choice Awards 2021 là chuỗi giải thưởng do TripAdvisor tổ chức đã xếp hạng Khách sạn Hanoi La Siesta Diamond (Hà Nội) đứng ở vị trí đầu tiên trong top 25 khách sạn tầng thượng đẹp nhất thế giới. Việt Nam có 4 khách sạn lọt danh sách này gồm: Hanoi La Siesta Diamond (Lò Sũ, Hoàn Kiếm, Hà Nội), La Sinfonia del Rey (Hàng Dầu, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Peridot Grand Hotel (Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội), JM Marvel Hotel & Spa (Hàng Da, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Olympic Bắc Kinh bấp bênh vì Omicron

leftcenterrightdel
Cư dân xếp hàng xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc. (Ảnh: AP). 

Olympic Mùa đông chỉ còn ba tuần nữa sẽ khai mạc, nhưng Trung Quốc vẫn đang chạy đua để kiểm soát các đợt bùng phát dịch trên khắp đất nước.

Đến ngày 12/1, hơn 20 triệu người tại ít nhất 5 thành phố lớn của Trung Quốc vẫn chịu cảnh phong tỏa. Đợt bùng phát đáng lo ngại nhất diễn ra ở Thiên Tân, thành phố cảng cách thủ đô hơn 110 km và được ví như "hào nước" bảo vệ "pháo đài" Bắc Kinh.

Giới chức địa phương vẫn chưa xác định được nguồn lây khiến 137 người nhiễm nCoV ở Thiên Tân, trong đó có ít nhất 2 ca Omicron. Một quan chức y tế địa phương nói rằng virus dường như đã lây lan trong cộng đồng một thời gian. Ngày 12/1, giới chức Thiên Tân yêu cầu xét nghiệm hàng loạt vòng hai đối với tất cả 14 triệu cư dân thành phố.

Làn sóng ca nhiễm gia tăng ở Trung Quốc trước khi hàng nghìn vận động viên, nhà báo và quan chức quốc tế tới dự Olympic Bắc Kinh đã cho thấy thách thức mà ban tổ chức sự kiện phải đối mặt, khi quốc gia này đang theo đuổi chính sách "Không COVID".

Trung Quốc hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược này, với mục tiêu đưa ca nhiễm về 0 bằng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, dù phải chịu tổn thất về kinh tế và gián đoạn trong cuộc sống của người dân.

Trong 24 giờ qua, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo đã ghi nhận 124 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 41 ca ở Thiên Tân - nơi biến thể Omicron lần đầu tiên được ghi nhận ở nước này.

Lần đầu tiên thế giới ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc COVID-19 trong ngày

leftcenterrightdel
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tối 12/1 công bố báo cáo cho biết trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận gần 3,4 triệu ca nhiễm mới. Đây là ngày đầu tiên kể từ đầu dịch COVID-19, số ca mới ghi nhận hằng ngày trên toàn cầu vượt 3 triệu ca.

Báo cáo của WHO cho biết tính đến 0h04 ngày 13/1 (theo giờ Việt Nam), WHO đã tiếp nhận báo cáo từ chính phủ các nước cho biết toàn thế giới có tổng cộng 312.173.462 ca nhiễm và 5.501.000 ca tử vong do COVID-19. Trong 24 giờ, số ca mới đã tăng 3.395.785 ca và số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trên toàn thế giới tăng thêm 7.735 người. 

Từ đầu dịch đến nay, Mỹ có tổng ca nhiễm cao nhất thế giới 61.332.277 ca, tiếp sau là Ấn Độ (36.070.510 ca), Brazil (22.558.695 ca), Anh (14.732.598 ca) và Pháp (36.070.510 ca). Mỹ cũng là quốc gia có số ca tử vong cao nhất (833.519 ca), sau đó là Brazil (620.091 ca), Ấn Độ (484.655 ca), Nga (318.432 ca) và Mexico (300.573 ca).

Sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới trên toàn thế giới trong thời gian gần đây được xác định là do biến thể Omicron. Theo WHO, biến thể này hiện đã có mặt tại 149 nước và vùng lãnh thổ và với khả năng lây nhiễm nhanh và mạnh, Omicron đang dần thay thế Delta trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nhiều nước.

WHO cùng ngày đã cảnh báo biến thể Omicron đặc biệt nguy hiểm đối với người chưa tiêm chủng khi cho biết phần lớn số bệnh nhân COVID-19 nhập viện hiện nay đều là người chưa tiêm chủng./.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực