Tiếp tục tìm kiếm 12 người mất tích tại Rào Trăng 3

Thứ tư, 18/11/2020 22:01
(ĐCSVN) - Tiếp tục tìm kiếm 12 người mất tích tại Rào Trăng 3 sau thời gian gián đoạn; Truy tố 3 đối tượng tổ chức cho người nước ngoài lưu trú trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh; Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu bệnh nhân… là một số tin đáng chú ý hôm nay (18/11).
 Tổ chức tập trung đắp đập tạm ngăn nước vào khu vực khoanh vùng, đào kênh chỉnh chuyển dòng sông Rào Trăng. Sau đó, sẽ triển khai tìm kiếm tại vị trí giai đoạn 3. (Ảnh: tienphong.vn)

Tiếp tục tìm kiếm 12 người mất tích tại Rào Trăng 3 sau thời gian gián đoạn

Sau một thời gian gián đoạn do mưa bão, hoạt động tìm kiếm nạn nhân mất tích tại Rào Trăng 3 đã được nối lại. Với nỗ lực thông tuyến do đường 71 bị tắc khi hai cơn bão 12 và 13 đi qua, đến nay, lực lượng chức năng tiếp cận trở lại khu vực tìm kiếm, thực hiện công tác chuẩn bị cho việc thi công, đào tìm dưới lòng suối.

Ngày 18/11, lực lượng chức năng đã khởi động lại công tác tìm kiếm 12 nạn nhân còn mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế). Đây là giai đoạn 3 của hoạt động tìm kiếm những người còn mất tích ở khu vực kể trên do sạt lở đất xảy ra hồi giữa tháng 10 vừa qua.

Trước đó, vào chiều ngày 17/11, lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế cùng phương tiện cơ giới đã nỗ lực giải tỏa những điểm tắc nghẽn, sạt lở do mưa bão và thông tuyến thành công đoạn Tỉnh lộ 71 nối từ vùng đồng bằng xã Phong Xuân qua thủy điện Rào Trăng 4 để vào thủy điện Rào Trăng 3.

Theo các cơ quan chức năng tham gia tìm kiếm, để tiến hành giai đoạn 3 của hoạt động cứu hộ cứu nạn, nhiều công việc đã được đặt ra tại khu vực được khoanh vùng.

Trước mắt, lực lượng chức năng phải hoàn tất đào mới một đoạn kênh vòng để chỉnh chuyển dòng sông Rào Trăng sang vị trí khác. Phía trên đoạn sông Rào Trăng thuộc khu vực khoanh vùng tìm kiếm giai đoạn 3, một con đập tạm ngăn nước làm bằng rọ đá, bạt chống thấm, bao tải chứa đất cát… sẽ được thiết lập.

Sau khi các phần việc này hoàn thành, cùng với việc chuẩn bị chu đáo về hậu cần, phương tiện, máy móc, nhân lực…, hoạt động thi công đào tìm nạn nhân mất tích sẽ được triển khai theo hình thức đào lật cuốn chiếu từ phía thượng lưu sông Rào Trăng chuyển dịch dần về dưới hạ lưu. Tại đây, sẽ có khoảng 3.000m3 đất đá sẽ được đào tìm, với độ sâu hơn 1 mét.

Nếu xong giai đoạn này, kết quả tìm kiếm không như mong muốn, tỉnh TT-Huế sẽ tính đến bước tìm kiếm thứ 4, với khoanh vùng từ vị trí giáp ranh hiện trường tìm kiếm thuộc giai đoạn 3 theo lòng sông Rào Trăng và khu vực lân cận xuôi về đến ngã ba sông Tam Dần. Đoạn sông này có chiều dài khoảng 2,5 km. Tuy nhiên, giai đoạn này chỉ có thể thực hiện vào mùa khô, vì đây là tuyến sông dài, sâu, quanh co, nhiều ghềnh thác rất nguy hiểm…

Trước đó, như tin đã đưa, qua nhiều đợt tìm kiếm với 2 giai đoạn đã được triển khai, lực lượng chức năng mới tìm được 5 thi thể là công nhân gặp nạn tại thủy điện Rào Trăng 3 do sạt lở đất rạng sáng 12/10. Đến nay, còn 12 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Trong hai giai đoạn cứu hộ cứu nạn trước đó, công tác tìm kiếm tập trung ở hiện trường sạt lở và khu vực lân cận hiện trường dọc sông Rào Trăng. 

 Các bị can Trung, Thắng, Hạo (từ trái sang). (Ảnh: baovephapluat.vn)

Truy tố 3 đối tượng tổ chức cho người nước ngoài lưu trú trái phép tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 18/11, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã hoàn tất cáo trạng, truy tố 3 đối tượng tổ chức, môi giới cho hàng chục người Trung Quốc lưu trú trái phép tại hai căn nhà thuộc quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát ở thành phố Đà Nẵng vừa qua.

Theo đó, 3 bị can gồm Trần Chí Hạo, Nguyễn Quang Thắng và Nguyễn Thành Trung bị truy tố về tội "Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép" theo Điều 348 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhằm hưởng lợi bất chính. Trần Chí Hạo đã cùng đồng phạm tổ chức, môi giới và chịu trách nhiệm cho 4 người Trung Quốc (gồm Xie Zhiwen, Xie Tiancai, Wang và 1 người không rõ họ tên) thuê căn nhà số 67 ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân lưu trú trái phép. Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Quang Thắng đã cùng đồng phạm tổ chức, môi giới và chịu trách nhiệm cho 10 người Trung Quốc (gồm Xie Tiancai, Xie ZhiWen, Xie Jianli, Fan Youzhi, Luo Gui Yun, Xie Yan, Lin Shi Wei và Lin Yong Bin, A Wang và 1 người không rõ họ tên) thuê nhà số 67 và nhà số 81 ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân để lưu trú trái phép. Tổng số tiền Trung được hưởng lợi là 8,5 triệu đồng, Thắng hưởng lợi 9 triệu đồng và Hạo hưởng 3 triệu đồng.

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, hành vi tổ chức, môi giới cho người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và lưu trú ở Thành phố Hồ Chí Minh nhằm thu lợi bất chính trong thời điểm có dịch COVID-19 trong cộng đồng là nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sự ổn định về quản lý hành chính và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố. Hành vi này của Trần Chí Hạo, Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Quang Thắng cần phải bị xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

 Binh sĩ gác bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq. (Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN) 

Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Iraq bị tấn công bằng rocket

 Ngày 18/11, Reuters đưa tin 4 quả tên lửa Katyusha đã nã xuống khu vực Vùng Xanh – khu vực có sứ quán Mỹ tại thủ đô Baghdad, Iraq.

Các nguồn tin cảnh sát Iraq cho biết, một số rocket đã rơi trúng Vùng Xanh được bố phòng cẩn mật thuộc thủ đô Baghdad của Iraq - khu vực gồm các tòa nhà chính phủ và các cơ quan ngoại giao nước ngoài.

Một nguồn tin an ninh cho hay có ít nhất 4 quả rocket đã được phóng đi và một vài trong số này rơi gần Đại sứ quán Mỹ.

Theo phóng viên AFP, một vài tiếng nổ lớn đã phát ra sau âm thanh phóng dồn dập và đèn đỏ sáng rực bầu trời, điều cho thấy hệ thống phòng thủ tên lửa C-RAM của Đại sứ quán Mỹ đã được triển khai.

Một phát ngôn viên của lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu cho hay tình báo Iraq đã xác nhận về vụ tấn công hỏa lực gián tiếp nhằm vào Đại sứ quán Mỹ song từ chối bình luận về hoạt động của hệ thống C-RAM.

Quân đội Iraq ra tuyên bố cho biết số rocket này đã được phóng từ một vùng lân cận thuộc quận Al-Alf Dar ở New Baghdad. Tuy nhiên, lực lượng này không đề cập tới tình trạng thương vong do vụ tấn công gây ra.

Kể từ tháng 10/2019, gần 90 vụ tấn công bằng rocket và đánh bom ven đường gây thương vong đã nhằm vào các đại sứ quán, binh lính nước ngoài và các kho khí tài khác trên khắp Iraq. Vụ tấn công trên xảy ra cùng ngày Tổng thống Donald Trump ra lệnh rút 500 binh lính Mỹ khỏi Iraq trước ngày 15/1/2021./.

 
P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực