Tìm thấy 4 ngư dân trôi lênh đênh trên biển sau gần 10 ngày mất tích

Thứ ba, 19/07/2022 22:02
(ĐCSVN) – Tìm thấy 4 ngư dân trôi lênh đênh trên biển sau gần 10 ngày mất tích; Đã thu hồi gần 50.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; Bộ trưởng Tô Lâm gửi thư khen lực lượng cứu 4 nạn nhân trong vụ cháy tại Hà Nội; Indonesia: 13 người đang mất tích trong vụ chìm tàu ngoài khơi; WHO khuyến cáo châu Âu đẩy nhanh tiêm vaccine và đeo khẩu trang trở lại… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 19/7.

Tìm thấy 4 ngư dân trôi lênh đênh trên biển sau gần 10 ngày mất tích

Người nhà của các ngư dân chờ kết quả tìm kiếm tại cảng cá Phan Thiết - Ảnh: TTO 

13h10 ngày 19/7, tàu cá BĐ 96935 TS báo về Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III là đã cứu được 4 ngư dân của tàu cá BTh 97478 TS còn sống, đang trôi dạt bằng thúng trên biển.

Vị trí phát hiện các ngư dân trên cách tọa độ mà tàu BTh 97478 TS mất tích trước đó khoảng 242 hải lý về hướng đông đông bắc.

Sau khi lên tàu, các ngư dân kể lại lúc đầu trên thúng có 7 người, nhưng 3 người đã tử vong trong quá trình thúng trôi dạt trên biển nên đành bỏ lại xuống biển. Họ không nhớ rõ vị trí.

Hiện nay 4 ngư dân trên đang rất yếu và chưa có thông tin gì về 8 người còn lại.

Trước đó, tàu cá BTh 97478 TS có 15 ngư dân (số liệu ban đầu là 18) hành nghề lưới vây rút chì do ông Bùi Văn Toàn làm thuyền trưởng, xuất bến tại cảng Phan Thiết từ ngày 21/6 đến khu vực biển Trường Sa - DK1.

Đến sáng 10/7, trên hành trình về lại cảng Phan Thiết thì tàu bị mất liên lạc (không có tín hiệu máy giám sát hành trình) tại tọa độ cách Phan Thiết khoảng 121 hải lý về hướng nam.

Để kịp thời tìm kiếm 8 nạn nhân còn lại trong số 15 ngư dân của tàu cá Bình Thuận bị chìm được xác định đã có mặt trên một chiếc thúng, tối 19/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề xuất điều trực thăng tìm cứu 8 ngư dân trên chiếc thúng chai còn lại trên biển.

Đã thu hồi gần 50.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị - Ảnh: VOV

6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã thi hành xong hơn 49.800 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Trong 9 tháng đầu năm 2022 (từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/6/2022), hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 348.490 việc (đạt tỉ lệ 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 29,47%). Một số địa phương đạt kết quả cao về tiền như: Hà Nam, Khánh Hòa, Phú Yên, Cao Bằng, Lai Châu.

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, theo báo cáo, đến nay đã thi hành xong hơn 49.800 tỷ đồng, còn phải thi hành là hơn 79.781 tỷ đồng.

Bộ trưởng Tô Lâm gửi thư khen lực lượng cứu 4 nạn nhân trong vụ cháy tại Hà Nội

Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an vừa mới có Thư khen gửi Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị, cá nhân đã kịp thời cứu 4 nạn nhân ra khỏi đám cháy xảy ra tại số nhà 378 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đưa người bị nạn ra khỏi đám cháy. Ảnh TTXVN 

Nội dung Thư khen nêu rõ: Lãnh đạo Bộ Công an nhận được báo cáo, khoảng 1 giờ, ngày 18/7/2022, xảy ra vụ cháy lớn tại số nhà 378 Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nhận được tin báo, Công an quận Hoàn Kiếm đã điều động 1 xe chỉ huy, 2 xe chữa cháy, đồng thời xin chi viện 2 xe chữa cháy của Công an quận Ba Đình nhanh chóng có mặt tại hiện trường.

Khi đến nơi, đám cháy đã bao trùm toàn bộ diện tích tầng 1, đồng thời, phát hiện có 4 người mắc kẹt trong nhà, đã di chuyển lên khu vực tầng mái của ngôi nhà và đang hoảng loạn, kêu cứu. Các tầng của ngôi nhà có nhiều khói, khí độc, nếu không được cứu nạn và di chuyển ra bên ngoài sẽ nguy cơ dẫn đến tử vong.

Trước tình huống trên, đồng chí Hoàng Trung Kiên, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, là tổng chỉ huy tại hiện trường, đã nhanh chóng chỉ huy, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy triển khai phương án, nhanh chóng tổ chức tìm kiếm, giải cứu các nạn nhân mắc kẹt. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng chức năng phân luồng giao thông ngăn không cho người dân tiếp cận khu vực nguy hiểm.

Nhận mệnh lệnh, ngay lập tức, đồng chí Trần Quốc Oai, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cùng 4 cán bộ, chiến sỹ (đồng chí Nguyễn Viết Quân, Lê Minh Khôi, Phùng Nam Anh, Phạm Minh Đức) thiết lập, triển khai đội hình tổ chức cứu chữa, nỗ lực dập tắt đám cháy tại tầng 1; phối hợp lực lượng Phòng cháy, chữa cháy Công an quận Ba Đình nhanh chóng, khẩn trương di chuyển lên các tầng tìm kiếm, tiếp cận và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đưa toàn bộ người bị nạn thoát khỏi đám cháy an toàn, không để xảy ra thương vong.

Đến 1 giờ 5 phút cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra thiệt hại về người và cháy lan sang các khu vực xung quanh, bảo đảm an toàn cho lực lượng làm công tác cứu nạn, cứu hộ.

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Bộ trưởng Tô Lâm đặc biệt biểu dương, khen ngợi Công an Thành phố Hà Nội, các cá nhân, đơn vị trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại số nhà 378 Phúc Tân vào ngày 18/7/2022. Các đồng chí đã mưu trí, dũng cảm, không sợ hiểm nguy, gian khổ, kịp thời dập tắt đám cháy và giải cứu kịp thời 4 nạn nhân, đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân, thể hiện tinh thần, trách nhiệm với nhân dân, để lại hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân; đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam.

Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Cục Công tác đảng và công tác chính trị chủ trì phối hợp với Công an thành phố Hà Nội nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo Bộ có hình thức khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định; làm tốt công tác tuyên truyền về những gương người tốt, việc tốt trong Công an nhân dân. Công an các tỉnh, thành phố chủ động bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Indonesia: 13 người đang mất tích trong vụ chìm tàu ngoài khơi

Lực lượng tìm kiếm và cứu hộ quốc gia Indonesia được triển khai tìm kiếm người mất tích trong vụ chìm tàu chở khách ở vùng biển ngoài khơi tỉnh North Maluku, ngày 19/7/2022. (Ảnh: AP/TTXVN) 

Ngày 19/7, giới chức cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết có 13 người mất tích khi con tàu chở 77 hành khách bị chìm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh North Maluku, miền Đông nước này.

Người phát ngôn Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia (Basarnas) Yusuf Latief cho biết lực lượng chức năng đã giải cứu được 64 người trên con tàu bị chìm ở ngoài khơi tỉnh North Maluku, miền Đông nước này. Hiện 13 người vẫn đang bị mất tích.

Theo ông Latief, tàu KM Cahaya Arafah chở 77 người khi đi qua vùng biển ngoài khơi huyện Halmahera Selatan (Nam Halmahera) thì gặp thời tiết xấu và bị sóng lớn đánh chìm. Công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được triển khai, với sự tham gia của Basarnas, cơ quan quản lý thiên tai địa phương, binh lính, cảnh sát và nhiều tình nguyện viên.

Hiện lực lượng cứu hộ đang làm nhiệm vụ ở khu vực xung quanh hiện trường và dọc các bờ biển.

WHO khuyến cáo châu Âu đẩy nhanh tiêm vaccine và đeo khẩu trang trở lại

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Vienna, Áo. Ảnh: AFP/TTXVN 

Trong bối cảnh dòng phụ của biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở châu Âu, các quốc gia cần phải đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine và tái áp đặt các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang để tránh phải triển khai các biện pháp nghiêm ngặt hơn khi mùa Thu và Đông đang đến gần.

Trên đây là nhận định được Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge đưa ra trong cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Reuters.

Trong cuộc phỏng vấn, Giám đốc Kluge cho biết số ca mắc mới COVID-19 đã gia tăng tại châu Âu trong thời gian gần đây. Khoảng gần 3 triệu ca mắc mới COVID-19 đã được ghi nhận tại châu Âu trong tuần qua, chiếm gần 50% trong tổng số ca mắc mới trên toàn cầu. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn và gần 3.000 người tử vong vì COVID-19 mỗi tuần.

Trước tình hình này, ông Kluge nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm mũi tăng cường thứ hai vaccine ngừa COVID-19 (mũi thứ tư) trước khi có các vaccine đặc hiệu đối với các biến thể. Ông cũng khuyến khích việc đeo khẩu trang và cải thiện hệ thống thông khí để tránh phải áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn như phong tỏa. Quan chức WHO đồng thời kêu gọi các quốc gia hành động ngay lập tức để tránh khiến hệ thống y tế bị "choáng ngợp" trước sự lây lan mạnh của BA.5 - biến thể phụ của Omicron.

Hiện BA.5 đã trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại Mỹ và khiến làn sóng dịch COVID-19 tăng trở lại ở một số nước châu Âu. Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature, BA.5 có khả năng kháng vaccine ngừa COVID-19 công nghệ RNA (bao gồm cả vaccine của Pfizer và Moderna) gấp 4 lần so với các biến thể phụ khác của Omicron là BA.1, BA.2, BA.3 và BA.4.

Theo Tiến sĩ Gregory Poland, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vaccine của Mayo Clinic, những người không tiêm vaccine có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn khoảng 5 lần so với những người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường. Nguy cơ cần nhập viện điều trị và tử vong ở nhóm người này cũng cao hơn, lần lượt là 7,5 lần và 15 lần so với người đã tiêm chủng./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực