TP Hồ Chí Minh đề xuất tất cả hàng quán được bán rượu, bia

Thứ bảy, 13/11/2021 19:44
(ĐCSVN) - TP Hồ Chí Minh đề xuất tất cả hàng quán được bán rượu, bia; Bộ Công an khởi tố trùm đường dây đánh bạc 30.000 tỷ; Việt Nam tái đắc cử vào Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc; WHO tiếp tục tiến trình đánh giá vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga; Con gái Tổng thống Philippines chính thức ứng cử vị trí Phó Tổng thống… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra ngày 13/11.

TP Hồ Chí Minh đề xuất tất cả hàng quán được bán rượu, bia

TP Hồ Chí Minh đề xuất tất cả hàng, quán được phục vụ thức uống có cồn 
Ảnh minh hoạ: Báo SGGP 

Ngày 13/11, tại hội nghị giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh với các quận, huyện và TP Thủ Đức do Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên chủ trì, đại diện Sở Công Thương, Du lịch đề xuất cho phép tất cả các hàng, quán được bán rượu, bia.

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, khoảng 60% doanh nghiệp, cơ sở phục vụ ăn uống trên địa bàn TP đã mở cửa hoạt động lại sau ngày 1/10. Về việc thí điểm sử dụng thức uống có cồn tại các quán ăn ở TP Thủ Đức và Quận 7 đã triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát và không để phát sinh các vấn đề tiêu cực. 2 địa phương cũng đề xuất cho phép mở rộng và kéo dài thời gian thực hiện hoạt động trên.

Xét các yếu tố về bao phủ vaccine, sức khỏe tinh thần, Sở Công Thương đã lấy ý kiến của một số chuyên gia và kiến nghị UBND TP xem xét hai phương án.

Phương án 1 là cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn TP được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát cụ thể, đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19. Cụ thể, khách hàng phải tiêm đủ 2 mũi vaccine; cơ sở kinh doanh hoạt động tối đa 50% công suất, đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày; bàn ăn cách nhau 2m…

Phương án 2 là căn cứ vào mức độ kiểm soát dịch bệnh, TP giao UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức được giao xem xét, đánh giá, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho phép hoạt động kinh doanh có sử dụng đồ uống có cồn có kiểm soát trên địa bàn. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là tính thực thi có thể không nghiêm ở các địa phương.

Trên cơ sở các phân tích đánh giá tình hình hiện nay, Sở Công Thương nghiêng về phương án 1.

Đồng tình với Sở Công Thương, Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, với nguyên tắc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đồng thời ý thức của người dân và doanh nghiệp cũng tăng cao, TP Hồ Chí Minh có thể đánh giá theo cấp độ dịch và mở cửa có lộ trình đối với các hoạt động ăn uống kèm theo hoạt động ăn uống có sử dụng đồ uống có cồn…

Bộ Công an khởi tố trùm đường dây đánh bạc 30.000 tỷ

 Đỗ Ngọc Hà (áo trắng) bị cáo buộc cầm đầu. Ảnh: Công an cung cấp

Ngày 13/11, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam Đỗ Ngọc Hà (tức Hà Miên, 37 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội) và Bùi Hoàng Sơn (33 tuổi) về tội Tổ chức đánh bạc.

Theo điều tra, tháng 12/2020, Hà và Sơn tìm hiểu cách tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng thông qua game bài Baccarat, sử dụng tiền điện tử USDT quy đổi ra Euro.

Tháng 4, Hà lập trang web để tổ chức đánh bạc và đánh bạc online thông qua trò chơi Baccarat. Hệ thống này sử dụng tiền điện tử để giao dịch, máy chủ đặt ở nước ngoài.

Nhóm cầm đầu quảng cáo trò chơi trên mạng xã hội, YouTube và tổ chức nhiều sự kiện để giới thiệu trang web. Hà còn tạo nhiều nhóm kín trên Telegram, Facebook để tạo phòng chat cho các thành viên trao đổi thông tin, liên lạc với nhau.

Khi tham gia, người đánh bạc sử dụng điện thoại hay máy tính gia nhập nhóm để nghe các chuyên gia đọc lệnh hướng dẫn cách đánh bạc. Sau đó, người chơi phải nạp tiền điện tử USDT thì mới được đặt cược trong game casino của Evol.

Cục Cảnh sát hình sự xác định từ 19/4 đến khi vụ án bị phá có hơn 3.000 tài khoản tham gia hệ thống đánh bạc trên. Tổng số tiền do người chơi đặt cược là hơn 1,1 tỷ euro (tương đương hơn 30.000 tỷ đồng).

Ngày 28/10, Cục Cảnh sát Hình sự phối hợp với nhiều lực lượng thuộc Bộ Công an và công an các địa phương đồng loạt triệu tập, khám xét đối với Đỗ Ngọc Hà và hàng chục người liên quan. Ban chuyên án tạm giữ 12 ôtô, hơn 1,7 tỷ đồng, 104 lượng vàng và nhiều tang vật liên quan.

Việt Nam tái đắc cử vào Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (trái) tại cuộc bầu cử. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN) 

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027.

Trong cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày 12/11 tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 76, ứng cử viên của Việt Nam trúng cử với 145 phiếu trong tổng số 191 nước có mặt và bỏ phiếu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên tại trụ sở Liên hợp quốc ngay sau khi trúng cử, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao bày tỏ tự hào được tiếp tục đóng góp cho vị thế đang đi lên của Việt Nam, đáp ứng sự mong đợi của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong vai trò xây dựng luật pháp quốc tế để giải quyết tất cả các tranh chấp và thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các dân tộc.

Đại sứ cam kết sẽ nỗ lực hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình để làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế.

Trước đó, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào ILC và ông đã tham gia tích cực, đóng góp vào nhiều chủ đề thảo luận quan trọng của Ủy ban này như bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, bảo vệ bầu khí quyển, mực nước biển dâng và luật pháp quốc tế.

WHO tiếp tục tiến trình đánh giá vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga

Vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này tiếp tục tiến trình xem xét, đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất, sau một thời gian bị đình trệ.

Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, bà Mariangela Simao đưa ra thông tin trên khi phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/11 và cho biết cần trao đổi thêm thông tin với đơn vị sản xuất vaccine Sputnik V của Nga.

Theo bà Simao, WHO vẫn cần nhận được hồ sơ đầy đủ về vaccine Sputnik V và có những vấn đề cần được xử lý liên quan đến việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. Bà cho biết WHO sẽ tổ chức cuộc họp đánh giá vaccine Sputnik V vào tuần tới.

Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được Nga phê duyệt từ tháng 8/2020, đạt hiệu quả hơn 91% và hiện được sử dụng ở hơn 70 quốc gia trên toàn cầu.

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết tất cả những vướng mắc cản trở việc đăng ký vaccine Sputnik V phòng COVID-19 tại WHO đã được gỡ bỏ.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng xác nhận đã thảo luận với giới chức Nga về quy trình đăng ký vaccine Sputnik V vào danh mục các loại thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trong trường hợp khẩn cấp phòng chống COVID-19. Việc WHO phê duyệt vaccine Sputnik V cũng có thể mở đường cho loại vaccine này được cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn thông qua sáng kiến chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX. 

Con gái Tổng thống Philippines chính thức ứng cử vị trí Phó Tổng thống

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và con gái, bà Sara Duterte-Carpio. Ảnh: AFP 

Ngày 13/11, Ủy ban Bầu cử Philippines cho biết con gái đương kim Tổng thống nước này Rodrigo Duterte, bà Sara-Duterte Carpio đã nộp đơn ứng cử vào vị trí phó tổng thống theo hình thức thay thế, chấm dứt nhiều tháng suy đoán về kế hoạch tranh cử năm 2022 của bà.

Bà Sara Duterte-Carpio, 43 tuổi - người đang giữ chức thị trưởng thành phố Davao đã đưa ra những thông điệp trái chiều về kế hoạch tranh cử, dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, bà liên tục dẫn đầu với tư cách là ứng cử viên tổng thống được yêu thích.

Bà sẽ tham gia cuộc bầu cử phó tổng thống tại Philippines vào ngày 9/5/2022 và đối đầu với các ứng viên phó tổng thống, trong đó có Thượng nghị sĩ Bong Go – đồng minh thân cận của ông Duterte, Chủ tịch Thượng viện Tito Sotto, Thượng nghị sĩ Kiko Pangilinan, cựu nghị sỹ Walden Bello và bác sỹ Willie Ong. Đầu tuần này, bà Sara Duterte-Carpio đã rút đơn tái tranh cử vị trí thị trưởng Davao.

Philippines sẽ tiến hành các cuộc bầu cử vào năm 2022 để lựa chọn người nắm giữ các vị trí từ tổng thống xuống thống đốc, thị trưởng và các quan chức địa phương. Tại quốc gia này, các cuộc bầu cử tổng thống và phó tổng thống diễn ra riêng rẽ.

Theo Hiến pháp Philippines, mỗi tổng thống chỉ đảm nhiệm một nhiệm kỳ duy nhất kéo dài 6 năm. Theo đó, ông Duterte không được phép tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 2. Ban đầu, nhà lãnh đạo này cho biết ông muốn nghỉ hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, tháng 8, Tổng thống Duterte đã đồng ý trở thành ứng cử viên của đảng cầm quyền ra tranh cử chức phó tổng thống trong cuộc bầu cử vào năm sau. Đến đầu tháng 10 vừa qua, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ rút khỏi chính trường…/.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực