TP Hồ Chí Minh phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng

Thứ tư, 19/01/2022 20:43
(ĐCSVN) - TP Hồ Chí Minh phát hiện 3 ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng; Điều tra nguyên nhân bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị nhiều đinh găm vào đầu; Khoảng 75% tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 có thể do “hiệu ứng nocebo"…là những thông tin đáng chú ý trong ngày 19/1.

Khẩn cấp tìm người trên hai chuyến bay có ca nhiễm biến chủng Omicron

Ảnh minh họa 

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong ngày 19/1, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng Omicron.

Cụ thể 3 bệnh nhân có tên: K. (sinh năm 1987, ngụ tại huyện Bình Chánh); T. (sinh năm 1991), ngụ quận 11 và H. (sinh năm 1976), ngụ quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Ba người này đều có tiếp xúc với 1 người nhập cảnh là chị P. (sinh năm 1981, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại quận Bình Thạnh).

Chị P. đã đi trên 2 chuyến bay, gồm chuyến bay VN5409 từ Hàn Quốc đến Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) vào ngày 7/1 và chuyến bay VN1345 từ Cam Ranh đến TP Hồ Chí Minh vào ngày 10/1.

Hiện, HCDC đang tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp F1 để khoanh vùng cách ly theo quy định. Đồng thời, chiều 19/1, HCDC đã phát thông báo khẩn tìm hành khách trên 2 chuyến trên. HCDC đề nghị tất cả hành khách đi trên 2 chuyến bay trên phải liên hệ khai báo cho trạm y tế địa phương nơi cư ngụ để được tư vấn và xét nghiệm kịp thời.

Điều tra nguyên nhân bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị nhiều đinh găm vào đầu

 Hình ảnh chụp vết thương sọ não của bé 3 tuổi. (Ảnh: BSCC)
 
Liên quan đến trường hợp cháu bé 3 tuổi ở Canh Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bị nhiều đinh găm vào đầu, hiện trong tình trạng nguy hiểm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bé gái nhập viện trong tình trạng rất nặng, chưa qua nguy kịch, đang được các bác sỹ điều trị tích cực để giành lại sự sống.

Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) hiện đang điều tra nguyên nhân bé gái 3 tuổi nhập viện trong tình trạng có vật thể lạ giống đinh ở hộp sọ. Cơ quan Công an đã triệu tập nhiều người để phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, cháu bé được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất lên điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức cấp cứu Nhi - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong tình trạng nguy kịch. Khi tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi, nhận thấy có dấu hiệu bất thường, ngay lập tức Bệnh viện đã thông báo cho Công an huyện Thạch Thất để xác minh làm rõ vụ việc.

Theo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bé gái Đ.N.A. (3 tuổi, ở Canh Nậu, huyện Thạch Thất, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, sau khi chụp phim hình ảnh cho thấy có nhiều đinh găm trên đầu bệnh nhân. Tuy chưa xác định nguyên nhân chính xác nhưng các y, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị bạo hành.

Khoảng 75% tác dụng phụ của vaccine ngừa COVID-19 có thể do “hiệu ứng nocebo"

 Ảnh minh họa (nguồn : TTXVN)

Khoảng 75% các tác dụng phụ được báo cáo sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể là do "hiệu ứng nocebo" liên quan đến tâm lý người bệnh. Đây là kết quả của một nghiên cứu quy mô lớn dựa trên các dữ liệu được thu thập từ 12 cuộc thử nghiệm vaccine.

 Các nhà khoa học tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess (BIDMC) ở Boston (Mỹ) đã tiến hành nghiên cứu dữ liệu của trên 45.000 người tham gia 12 cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19. Kết quả cho thấy hơn 35% những người dùng giả dược đã báo cáo các tác dụng phụ toàn thân sau mũi đầu tiên như sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Tỷ lệ người báo cáo có tác dụng phụ tương tự trong nhóm được tiêm vaccine thật là khoảng 46%. Tỷ lệ gặp hiệu ứng nocebo (hiệu ứng giả dược) đã giảm sau mũi vaccine thứ 2, khi chỉ 32% những người dùng giả dược báo cáo các tác dụng phụ toàn thân, còn ở những người tiêm vaccine thật là 61%. Điều này cho thấy các tác dụng phụ thực sự có khả năng xảy ra cao hơn sau mũi vaccine thứ 2. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tính toán khoảng 50% tác dụng phụ sau mũi vaccine thứ hai có thể là do hiệu ứng nocebo.

Bà Julia Haas, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết, việc thu thập bằng chứng có hệ thống liên quan đến hiệu ứng nocebo này trong các thử nghiệm vaccine có ý nghĩa quan trọng đối với chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt khi có nhiều người còn do dự chưa muốn tiêm vaccine do lo ngại gặp tác dụng phụ.

Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc phổ biến thông tin về hiệu ứng nocebo cho người dân có thể là giải pháp hiệu quả nhất để giảm các tác dụng phụ sau tiêm vaccine ngừa COVID-19, cũng như giúp người dân giảm tâm lý lo lắng khi tiêm chủng.

 

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực