TP.Hồ Chí Minh quyết phương án vào lớp 10, không thi chỉ xét tuyển

Thứ ba, 03/08/2021 20:05
(ĐCSVN) - Việt Nam ghi nhận thêm 8.429 ca mắc mới COVID-19; TP.Hồ Chí Minh quyết phương án vào lớp 10, không thi chỉ xét tuyển; Đòi doanh nghiệp 1,8 tỉ để không đăng clip tranh chấp đất đai lên mạng; EU mở rộng điều tra thương vụ Facebook thâu tóm Kustomer… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (3/8).

Việt Nam ghi nhận thêm 8.429 ca mắc mới COVID-19

Ngày 3/8 Việt Nam có thêm 8.429 ca mắc mới COVID-19, trong đó 52 ca nhập cảnh và 8.377 ca ghi nhận trong nước. Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh (2.173), Bình Dương (1.087), Long An (320), Đồng Nai (217), Khánh Hòa (189), Tây Ninh (122), Đồng Tháp (110), Hà Nội (97), Cần Thơ (89), Bà Rịa - Vũng Tàu (81), Phú Yên (40), Gia Lai (39), Bến Tre (36), Trà Vinh (33), Ninh Thuận (29), Quảng Ngãi (23), Đắk Lắk (18), Hậu Giang (16), Kiên Giang (13), Quảng Nam (12), Thừa Thiên - Huế (9), Lào Cai (8 ), Đắk Nông (8 ), Ninh Bình (7), Nghệ An (7), Bình Phước (5), Kon Tum (4), Hà Tĩnh (3), Quảng Bình (3), Quảng Trị (3), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (2), Vĩnh Phúc (2), Bắc Giang (2), Hưng Yên (1), Hải Dương (1), Điện Biên (1), Cà Mau (1).

Tính đến chiều ngày 3/8, Việt Nam có 170.190 ca nhiễm trong đó có 2.324 ca nhập cảnh và 167.866 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 166.296 ca, trong đó có 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đáng chú ý, trong ngày hôm nay có tới 3.866 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 50.831 ca.

Tối 3/8 Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo bổ sung 190 ca tử vong (1882-2071) tại 10 tỉnh, thành phố.

Như vậy trong ngày Bộ Y tế đã công bố 376 ca tử vong do COVID-19. Hiện số tử vong tại Việt Nam từ đầu vụ dịch đến nay là 2.071 ca.

leftcenterrightdel

Hiện số tử vong do COVID-19 tại Việt Nam từ đầu vụ dịch đến nay là 2.071 ca.
(Ảnh minh họa. Ảnh: TL) 

TP.Hồ Chí Minh quyết phương án vào lớp 10, không thi chỉ xét tuyển

Ngày 3/8, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định chính thức về thời gian và phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp, năm học 2021-2022.

Cụ thể, điểm xét tuyển vào lớp 10 chuyên là tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cộng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên (nhân 2) cộng điểm khuyến khích (nếu có).

Nếu học sinh có nhiều điểm khuyến khích thì chỉ cộng điểm cao nhất vào điểm xét tuyển.

Thí sinh không trúng tuyển lớp 10 chuyên sẽ được xét tuyển lớp 10 không chuyên trong trường chuyên căn cứ trên điểm xét tuyển là tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cộng điểm khuyến khích (nếu có).

Điểm xét tuyển vào lớp 10 thường là tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ cộng điểm ưu tiên (nếu có).

Tuyển sinh vào lớp 10 tích hợp, chỉ xét tuyển cho học sinh nhóm 1: Học sinh có tham gia học chương trình tích hợp cấp Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn học sinh đăng ký theo nhóm 2 (học sinh không tham gia học chương trình tích hợp cấp Trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), tùy tình hình thực tế, các trường có mở lớp tích hợp sẽ tuyển bổ sung trong các học sinh đã đậu vào trường và có nguyện vọng tham gia lớp tích hợp.

Đối với tuyển sinh vào các Trung tâm GDTX, GDNN và các trường ngoài công lập: Thời gian tuyển sinh đến hết ngày 25/8.

Theo kế hoạch ban đầu, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra từ ngày 2-3/6. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kỳ thi đã phải tạm hoãn tới nay.

leftcenterrightdel
 Học sinh lớp 9 chuẩn bị cho tuyển sinh lớp 10. (Ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Đòi doanh nghiệp 1,8 tỉ để không đăng clip tranh chấp đất đai lên mạng

Chiều 3/8, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết vừa bắt quả tang Nguyễn Văn Sơn (53 tuổi, trú xã Nâm N’Dir, huyện Krông Nô) về hành vi cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp.

Theo đó, Sơn đã lợi dụng việc tranh chấp khiếu kiện liên quan đến Công ty TNHH MTV Nam Nung, kích động người dân đòi đất.

Ngày 26/7, Sơn vào khu vực đất cao su của Công ty TNHH MTV Nam Nung quản lý để quay clip rồi cắt ghép, chỉnh sửa nội dung, đăng lên YouTube.

Đến ngày 27/7, thấy người dân tụ tập đông người trước công ty, Sơn tiếp tục tham gia kích động người dân đòi đất, xúi người dân vào dựng chòi, lán để bao chiếm đất của công ty.

Từ clip quay được, Sơn tiếp tục cắt ghép, đăng lên YouTube, mạng xã hội. Việc này theo cơ quan điều tra là không đúng với bản chất của vụ việc, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Ngày 31/7, sau khi xem các clip này, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Nung đã gọi điện thoại và gặp trực tiếp Sơn yêu cầu gỡ clip. Lúc này, Sơn yêu cầu phải "mua" lại các clip trên với số tiền 1,8 tỉ đồng, nếu không sẽ đăng tải thêm clip lên mạng.

Sợ ảnh hưởng đến công ty, lãnh đạo công ty đã thỏa thuận "mua" lại với cam kết Sơn sẽ dừng việc quay phim, phát tán và gỡ bỏ các clip trên mạng xã hội.

Chiều tối 2/8  khi Sơn đang nhận 550 triệu đồng thì bị lực lượng công an bắt giữ cùng tang vật.

leftcenterrightdel
Nguyễn Văn Sơn bị bắt giữ cùng tang vật. (Ảnh: Minh Khuê)

EU mở rộng điều tra thương vụ Facebook thâu tóm Kustomer

Liên minh châu Âu (EU) đã mở rộng điều tra thương vụ Facebook mua lại Kustomer, một công ty khởi nghiệp chuyên về Hệ thống Quản lý khách hàng (CRM) do lo ngại "gã khổng lồ" mạng xã hội này có thể hạn chế các đối thủ khởi nghiệp của Mỹ sử dụng các nền tảng WhatsApp và Instagram của họ.

Trước đó, cuộc điều tra sơ bộ được khởi động trong tháng 5 vừa qua mới chỉ tập trung vào việc liệu Facebook có thể lạm dụng những dữ liệu của người tiêu dùng của Kustomer để có lợi thế hơn đối thủ trong những chiến dịch quảng cáo riêng của mình.

Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết trong quá trình làm việc, các điều tra viên của EU đã phát hiện một vấn đề đáng nghi vấn khác, đó là Facebook có thể có khả năng, cũng như động cơ trục lợi để tham gia vào các chiến lược như “siết nợ” đối với các đối thủ của Kustomer, chẳng hạn như ngăn cản các công ty này sử dụng Facebook trên các kênh nhắn tin hoặc làm giảm quyền truy cập vào các kênh này. Đây là lý do các cơ quan bảo vệ pháp luật của EU tiến hành “cuộc điều tra mới, chuyên sâu” hơn nhằm xem xét liệu thương vụ thâu tóm trên của Facebokk có gây tổn hại tới tính cạnh tranh trên thị trường đối với việc cung cấp phần mềm CRM hay không.

Phó Chủ tịch EC phụ trách các vấn đề cạnh tranh, Margrethe Vestager, cho biết cơ quan hành pháp này của EU có nhiệm vụ xem xét “những thương vụ mua bán không rõ ràng giữa các công ty, đang xảy ra phổ biến tại một số thị trường hiện nay”. Bà Vestager nhấn mạnh điều này đặc biệt quan trọng đối mảng kỹ thuật số, lĩnh vực mà Facebook chiếm vị trí hàng đầu trong cả quảng cáo hiển thị hình ảnh trực tuyến cũng như các kênh nhắn tin hàng đầu như WhatsApp, Messenger hoặc Instagram.

Quan chức châu Âu khẳng định: “Cuộc điều tra của chúng tôi nhằm đảm bảo rằng thương vụ mua bán của Facebook sẽ không gây tổn hại cho doanh nghiệp hay người tiêu dùng và rằng bất kỳ dữ liệu nào mà Facebook có quyền truy cập đều không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của thị trường.”

Tuyên bố của EC khẳng định mọi chiến lược của Facebook nhằm hạn chế các đối thủ Kustomer truy cập vào WhatsApp hoặc Instagram đều “có thể làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường cung cấp phần mềm CRM cũng như thị trường cung cấp dịch vụ và phần mềm CRM hỗ trợ cho khách hàng”. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các khách hàng là doanh nghiệp phải chịu cảnh giá cao hơn nhưng chất lượng thấp hơn" cho sản phẩm này.

Các nước ASEAN siết chặt biện pháp ngăn ngừa dịch lây lan

Ngày 3/8, Thái Lan đã gia hạn các biện pháp kiểm soát siết chặt hơn tại những khu vực có nguy cơ cao đồng thời mở rộng sang nhiều khu vực khác trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19.

leftcenterrightdel
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines, ngày 20/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 cho biết trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận 18.901 ca mắc mới và thêm 147 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc và không qua khỏi vì dịch COVID-19 lên lần lượt 652.185 ca và 5.315 ca.

Theo cơ quan này, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn tại 13 khu vực, trong đó có thủ đô Bangkok và các tỉnh lân cận, sẽ được gia hạn tới ngày 31/8.

Nước này cũng quyết định áp đặt các biện pháp ngăn chặn COVID-19 siết chặt hơn tại 16 tỉnh khác từ ngày 3/8. Các biện pháp này bao gồm đóng cửa trung tâm mua sắm, hạn chế đi lại và áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm.

Cùng ngày, Bộ trưởng điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 (NIP) của Malaysia Khairy Jamaluddin cho biết chính phủ nước này đang rất lạc quan về khả năng đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng trước cuối năm nay.

Đến ngày 31/8 tới, 50% người trưởng thành trên 18 tuổi của Malaysia sẽ được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.Bộ trưởng Khairy cho biết chương trình tiêm chủng đại trà sẽ sớm được mở rộng sang các bang khác, với sự ưu tiên dành cho người cao tuổi.

Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 3/8 thông báo ghi nhận thêm 6.879 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 1.612.541 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 28.141 người sau khi có thêm 48 bệnh nhân không qua khỏi. Philippines đã phát hiện 216 ca  nhiễm biến thể Delta, trong đó có 9 ca tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết tác động của biến thể Delta hiện đã được ghi nhận trên toàn quốc và tất cả các khu vực đều có dấu hiệu gia tăng số ca mắc./. 

Đỗ Thoa (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực