Tuyên án nhóm cán bộ xã lập khống hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ thiên tai

Thứ hai, 01/11/2021 20:06
(ĐCSVN|)- Học sinh một số cấp học tại các huyện, thị xã ở Hà Nội đi học trở lại từ ngày 8/11; Tuyên án nhóm cán bộ xã lập khống hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ thiên tai; Vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ở Tokyo (Nhật Bản): Kẻ thủ ác tiết lộ động cơ phạm tội… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (1/11).

Học sinh một số cấp học tại các huyện, thị xã ở Hà Nội đi học trở lại từ ngày 8/11

Ngày 1/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đã ban hành văn bản về việc cho học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, UBND TP Hà Nội quyết định thống nhất về chủ trương theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh trở lại trường học, thời điểm thực hiện từ ngày 8/11.

Thành phố sẽ ưu tiên cho học sinh các khối lớp 5, 6, 9, 10 và 12 của các trường học thuộc các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 8/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng được học trực tiếp tại trường. Các khối lớp còn lại học trực tuyến. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Những trường có học sinh trên nhiều địa bàn khác nhau thì nhà trường phải xác định, nắm rõ thông tin của học sinh, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú.

 (Ảnh minh họa. Ảnh: ITN)

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; có phương án bảo đảm giãn cách, giảm sĩ số học sinh/buổi dạy. Giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng, chống dịch COVID-19 chỉ dạy học trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.

Các địa phương, trường học cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh trước, trong và sau khi đến trường theo quy định; không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường; học sinh tự mang theo nước uống cá nhân; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; kết hợp giữa học trực tiếp và học trực tuyến hợp lý. Học sinh hạn chế tiếp xúc với người ngoài gia đình, có bản cam kết của phụ huynh học sinh: "Một cung đường, hai điểm đến"; phụ huynh học sinh bảo đảm tiêm vaccine ít nhất 1 mũi đạt trên 90%.

18 huyện, thị xã ở Hà Nội được đi học trở lại ở một số cấp từ ngày 8/11 gồm: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức, Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên và Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây.

12 quận nội thành học sinh vẫn tiếp tục học online gồm: Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Tây Hồ và Nam Từ Liêm.

Tuyên án nhóm cán bộ xã lập khống hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ thiên tai

Ngày 1/11, TAND tỉnh Nghệ An xét xử nhóm cán bộ UBND xã Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc) về tội danh "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Ba bị cáo gồm: Lưu Quang Thượng, sinh năm (SN) 1954, nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến giai đoạn 2004-7/2014, Trần Công Oanh, SN 1960, nguyên Chủ tịch UBND xã giai đoạn tháng 9/2014-7/2020 và Nguyễn Văn Hồng, SN 1980, nguyên Công chức địa chính nông nghiệp giai đoạn 2013-9/2020.

Theo cáo trạng, từ năm 2013-2018, trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, hạn hán, bị cáo Nguyễn Văn Hồng đã tham mưu, đề xuất và được Lưu Quang Thượng, Trần Công Oanh chỉ đạo lập khống hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhằm mục đích rút tiền ngân sách.

Bằng thủ đoạn khai khống số hộ dân, diện tích và kết quả thiệt hại vào hồ sơ, nhóm cán bộ trên đã gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 722 triệu đồng.

Ba bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Văn Hồng là người trực tiếp lập khống hồ sơ đề nghị hỗ trợ các năm từ 2013-2017 để lấy của ngân sách Nhà nước hơn 722 triệu đồng. Trần Công Oanh chỉ đạo việc lập khống hồ sơ các năm từ 2015-2017 để lấy hơn 331 triệu đồng. Còn Lưu Quang Thượng chỉ đạo việc lập khống hồ sơ năm 2013 đề nghị hỗ trợ để lấy hơn 180 triệu đồng.

Trong đó, quá trình thanh, kiểm tra, huyện Nghi Lộc đã phát hiện và thu hồi hơn 471 triệu đồng sai phạm nói trên. Ngoài ra, UBND xã Nghi Tiến tự nộp trả hơn 85 triệu đồng, 2 bị cáo Trần Công Oanh và Nguyễn Văn Hồng tự nguyện nộp 165 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Tại phiên tòa, 3 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng hành vi phạm tội không nhằm trục lợi cá nhân mà số tiền nói trên đã được sử dụng để chi cho các hoạt động chung của xã như quà tết, quỹ công đoàn, tham quan, du lịch...

Xem xét vai trò, vị trí của từng bị cáo trong vụ án cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Hồng 36 tháng tù giam, Trần Công Oanh 24 tháng tù giam và Lưu Quang Thượng 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ở Tokyo (Nhật Bản): Kẻ thủ ác tiết lộ động cơ phạm tội

Ngày 1/11, cảnh sát Tokyo cho biết Kyota Hattori, nam thanh niên gây ra vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ngầm vào tối 31/10, đã khai với các nhân viên điều tra rằng anh ta nhắm vào chuyến tàu này bởi vào thời điểm đó, chuyến tàu này chở rất đông người đi chơi Halloween.

Hattori, năm nay 24 tuổi, được cho là đã dùng dao đâm một hành khách 72 tuổi trên chuyến tàu điện thuộc tuyến Keio khi tàu đang chạy tới gần ga Kokuryo ở khu vực Chofu thuộc thủ đô Tokyo vào khoảng 20h tối. Hiện hành khách đó đang trong tình trạng nguy kịch.

 Lửa bốc lên trên toa tàu điện ngầm Keio ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản sau vụ tấn công tối 31/10/2021. (Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN)

Cảnh sát cho biết sau khi đâm hành khách đó, nghi phạm đã di chuyển sang các toa tàu khác trong lúc mọi người đang chạy trốn. Sau đó, anh ta đã đổ chất lỏng trong bình nạp ga cho bật lửa lên sàn tàu để phóng hỏa và tiếp tục làm 16 người khác bị thương. Hattori khai với các nhân viên điều tra rằng anh ta không nghĩ các hành khách khác có thể chạy thoát bởi vì, chuyến tàu nhanh này dừng ở ít ga hơn so với các tàu thường.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã gọi vụ tấn công bằng dao tối 31/10 là vụ tấn công “cực kỳ ghê tởm và hiểm độc”, đồng thời cam kết thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tái diễn các vụ tấn công bằng dao trên tàu điện ngầm ở Tokyo. Ông Matsuno cho biết cảnh sát và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch đã chỉ thị cho các công ty đường sắt nỗ lực hơn nữa để ngăn chặn các vụ tấn công như vậy.

Hồi tháng 8, một vụ tấn công bằng dao cũng đã xảy ra trên tàu điện ngầm ở Tokyo, khiến 10 người bị thương. Nghi phạm bị bắt giữ có biểu hiện bất thường về tâm lý và luôn có tư tưởng muốn tấn công người phụ nữ “trông có vẻ hạnh phúc”./.

Đỗ Thoa (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực