Vắc xin COVID-19 của Việt Nam dự kiến hiệu quả 90%

Thứ năm, 10/12/2020 21:01
(ĐCSVN) - Vắc xin COVID-19 của Việt Nam dự kiến hiệu quả 90%, giá 120.000 đồng/liều; Thanh Hóa thực hiện thành công 2 ca ghép thận đặc biệt khó; Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng; Trung Quốc bắt đầu trả đũa Mỹ liên quan Hong Kong… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay 10/12.

Vắc xin COVID-19 của Việt Nam dự kiến hiệu quả 90%, giá 120.000 đồng/liều

leftcenterrightdel
Khu vực đăng kí thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 tại Học viện Quân y. (Ảnh: Dantri)

Sáng 10/12, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen phối hợp với Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng), bắt đầu tuyển tình nguyện viên cho quá trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 (Nanocovax).

Tính đến trưa 12/10, đã có 30 tình nguyện viên đăng ký thử nghiệm vắc xin COVID-19. Theo kế hoạch tới khoảng quý 4/2021 sẽ hoàn thành kế hoạch thử nghiệm lâm sàng.

TS Đỗ Minh Sĩ, Giám đốc nghiên cứu phát triển, Công ty Nanogen cho biết,  Nanogen đặt mục tiêu cho vắc xin COVID-19 của mình có hiệu quả bảo vệ sẽ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới là trên 90% người được tiêm có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch. Giá thành cho mỗi liều vắc xin khoảng 120.000 đồng. Nanocovax có tổng cộng 2 liều tiêm.

Ông Hồ Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Nanogen cho biết, vắc xin Nanocovax là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.

Ông Nhân cũng chia sẻ vắc xin COVID-19 tương tự vắc xin ngừa cúm mùa, hiệu quả bảo vệ trên 6 tháng và phải tiêm lại hằng năm. Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.

Theo ông Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y, đơn vị thực hiện cuộc thử nghiệm lâm sàng này, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.

Thanh Hóa: Thực hiện thành công 2 ca ghép thận đặc biệt khó 

leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trao giấy ra viện cho hai bệnh nhân. (Ảnh: Báo Nhân dân) 

Ngày 10/12, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ cho biết: Bệnh viện vừa thực hiện thành công cùng lúc 2 ca ghép thận đặc biệt khó cho 2 cặp bệnh nhân, trong đó một cặp người nhận có hiệu giá kháng thể cao và một cặp khác nhóm máu Rh (nhóm máu hiếm, Rh-).

Sau gần nửa tháng điều trị, ngày 10/12, các bệnh nhân đã xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, thận ghép có chức năng tốt. 

Bác sĩ Chuyên khoa II Lê Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Sự thành công của 2 ca ghép thận là một quá trình chuẩn bị, nỗ lực cố gắng của tập thể y, bác sĩ bệnh viện, trong đó có ê kíp tham gia đào tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã bám sát chuyên môn, nắm bắt kỹ thuật nên khi thực hiện kỹ thuật chuyển giao đã thành công.

Được biết ghép thận là một kỹ thuật khó, việc triển khai kỹ thuật này tại tuyến tỉnh trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa sẽ mở ra những cơ hội sống cho người bệnh. Bên cạnh đó, việc điều trị ngay tại địa phương sẽ giúp bệnh nhân được hỗ trợ kịp thời, giảm chi phí, không phải đi xa và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Xét xử vụ án tại CDC Hà Nội: Các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng

leftcenterrightdel
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội khai báo trước Hội đồng xét xử. (Ảnh: TTXVN) 

Sáng 10/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội). Các bị cáo trong vụ án này đều bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Mười bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Nhật Cảm (sinh năm 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông).

Tại phiên tòa, có 27 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Đại diện CDC Hà Nội có mặt tại phiên tòa với tư cách là người bị hại. Ngoài ra, Tòa còn triệu tập đại diện Công ty MST và Công ty thiết bị y tế Phương Đông, đại diện Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Bộ Y tế, đại diện Sở Y tế Hà Nội, người làm chứng…

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu thông thường; đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi đã trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh, ấn định mức giá gói thầu là 9,5 tỷ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy để Duy giả mạo hồ sơ đấu thầu, chỉ định Công ty MST trúng thầu trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5,4 tỷ đồng….

Trung Quốc bắt đầu trả đũa Mỹ liên quan Hong Kong

leftcenterrightdel
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh. (Ảnh: REUTERS) 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố sẽ rút lại quy chế miễn thị thực đối với những người có hộ chiếu ngoại giao Mỹ đến Hong Kong, Macau, để đáp lại vụ Mỹ trừng phạt 14 quan chức Trung Quốc.

Tuyên bố ngày 10/12, bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết, ngoài biện pháp trên, Bắc Kinh cũng sẽ trừng phạt một số quan chức, thành viên Quốc hội Mỹ, thành viên các tổ chức phi chính phủ, và thành viên gia đình của những người này, liên quan đến hành động của họ về vấn đề Hong Kong.

Tuy nhiên người phát ngôn Trung Quốc không nói rõ những cá nhân nào bị trừng phạt hoặc khi nào biện pháp này sẽ được áp dụng. Đây là động thái đáp trả rõ ràng nhất của Trung Quốc sau khi Mỹ thông báo trừng phạt tài chính và cấm đi lại với 14 quan chức Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vì các hoạt động của họ liên quan đặc khu hành chính Hong Kong, gồm vai trò trong vụ bãi nhiệm các nghị sĩ đối lập Hong Kong vào tháng trước.

Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng chỉ trích việc Mỹ trừng phạt ông Wan Kuok Koi, trùm băng đảng khét tiếng 14K Hội Tam hoàng, là hành động "ti tiện" và thừa cơ để "bôi nhọ Trung Quốc". Theo bà Hoa, ông Wan không phải là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc…/.

 

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực