Việt Nam: Quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi

Thứ tư, 01/06/2022 20:58
(ĐCSVN) - Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn Châu Phi; Phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự đã bị bắt; Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 30 quốc gia… là một số tin tức trong nước và thế giới đáng chú ý diễn ra ngày 1/6.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới sản xuất thành vaccine dịch tả lợn Châu Phi

(Ảnh minh họa: Báo Dân Việt)  

Dự kiến ngày 3/6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công bố Việt Nam sản xuất thành công vaccine phòng bệnh tả lợn châu Phi. Theo đó, Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới sản xuất thành công và thương mại loại vaccine này. Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo diễn ra ngày 1/6.

Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, đầu tháng 11/2019, các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus dịch tả heo châu Phi nhược độc, đã được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L.

Đây là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng dịch tả heo châu Phi… Từ tháng 7/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng virus dịch tả heo châu Phi nhược độc cắt gen dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng chống bệnh tả heo châu Phi tại Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống virus từ phía Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Công ty cổ phần thuốc Thú y Trung ương (Navetco) đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. Qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả toàn bộ số lợn tiêm vaccine đều được bảo hộ. Còn trong điều kiện sản xuất có 80% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ vaccine.

Đánh giá kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Navetco, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine trong và ngoài nước.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi, là niềm tự hào của những người làm khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực thú y và chăn nuôi. Vaccine đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng.

Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các Tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam.

Về giá thành, Phó TGĐ Navetco Trần Xuân Hạnh cho biết, dự kiến sẽ từ 34.000 - 36.000 đồng/liều, tương đương giá vaccine phòng bệnh tai xanh, nhưng sau đó giá sẽ giảm dần.

Phạm nhân vượt ngục Triệu Quân Sự đã bị bắt tại Thanh Hoá

Phạm nhân Triệu Quân Sự (Ảnh công an cung cấp)

Chiều 1/6, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết, phạm nhân Triệu Quân Sự đã bị bắt tại xã Yên Dương, huyện Hà Trung lúc 15h00 cùng ngày khi đang trên đường bỏ trốn. Hiện lực lượng chức năng đang di lý Triệu Quân Sự về Công an huyện Hà Trung.

Thông tin ban đầu được biết, trong quá trình bỏ trốn, phạm nhân Sự đã lấy cắp 2 chiếc xe đạp của người dân để bên đường.

Theo đó, chiếc xe đầu tiên đi được một đoạn thì bị hỏng nên đối tượng vứt bỏ lại. Sau khi lấy cắp chiếc xe thứ 2, Triệu Quân Sự dùng để di chuyển về xã Yên Dương (trước đây là xã Hà Yên và Hà Dương, huyện Hà Trung). Đến xã Yên Dương, Triệu Quân Sự bán lại cho một người dân với giá 100.000 đồng rồi đi bộ vào trong ngõ. Tại thời điểm này, lực lượng chức năng đã phát hiện ra hành vi nghi vấn, lập tức bắt giữ Triệu Quân Sự.

Như tin đã đưa, khoảng 19h00 ngày 31/5, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhận được thông tin về việc Triệu Quân Sự (32 tuổi, quê huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đang chấp hành án tù chung thân tại trại giam thuộc Cục điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa trốn khỏi trại giam.

Theo hồ sơ, Triệu Quân Sự từng là quân nhân. Trong thời gian tại ngũ, Sự thường xuyên trộm cắp và đào ngũ khi là binh nhì.

Năm 2012, Sự sát hại chủ quán cà phê ở quận Long Biên (Hà Nội) để cướp tài sản. Năm 2013, Tòa án Quân sự Quân khu 1 tuyên phạt Sự tù chung thân về các tội "Giết người, Cướp tài sản và Đào ngũ".

Cuối năm 2015, khi chấp hành án phạt ở Quảng Ngãi, Sự đã vượt ngục. Sau khi bị bắt, năm 2016, Sự bị tuyên phạt thêm 3 năm tù về tội Trốn khỏi nơi giam và 3 năm tù tội Trộm cắp tài sản. Tổng hình phạt tù là chung thân.

Chiều 3/6/2020, khi đang chấp hành án tù tại Trại giam quân sự khu vực miền Trung, Quân Khu 5 (đóng tại Quảng Ngãi), Triệu Quân Sự trèo qua vọng gác, bám vào đường ống nước xuống đất trốn ra ngoài. Sự bị bắt sau 15 ngày lẩn trốn, khi đang ở một quán trò chơi điện tử tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Đáng chú ý, hai lần vượt ngục trước đây, Sự đều bị bắt giữ khi đang chơi game ở quán Internet trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Quảng Nam.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 30 quốc gia

Trong ảnh (tư liệu): Nhân viên y tế điều trị cho em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Zomea Kaka thuộc vùng Lobaya, CH Trung Phi (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết ngày 31/5, virus gây bệnh đậu mùa khỉ đã lan ra 30 quốc gia trên thế giới với hơn 550 ca mắc đã được ghi nhận.

Tiến sỹ Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, cho biết: "Hiện nay chúng tôi đã thống kê được hơn 550 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở 30 quốc gia trên 4 trong 6 khu vực của WHO". Bệnh đậu mùa khỉ đang cùng một lúc bùng phát ở nhiều nơi, trong thời gian tương đối ngắn. Chỉ trong vài ngày và vài tuần, số ca mắc đã tăng vọt lên hơn 500 ca và đây là điều chưa từng được ghi nhận.

Hiện tại, WHO không tin rằng đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi sẽ dẫn đến một đại dịch. WHO đang xem xét liệu xu hướng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế (PHEIC) như với COVID-19 hay Ebola hay không, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và tài trợ để ngăn chặn bệnh dịch.

Cùng ngày, Văn phòng WHO tại châu Phi cho biết từ đầu năm tới nay, có 7 quốc gia trong khu vực đã ghi nhận 44 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và 1.392 ca nghi mắc. Các ca bệnh được báo cáo từ Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, CHDC Congo, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo và Sierra Leone. Tổng số ca mắc và nghi mắc trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn khoảng 50% so với năm 2021.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti đã nhấn mạnh rằng cần phải tránh đưa ra 2 phản ứng khác nhau trong việc đối phó với bệnh đậu mùa khỉ - một là ở các nước phương Tây hiện bệnh này đang lây lan và một là ở châu Phi. Ông cho rằng các nước trên thế giới cần hợp tác và tham gia các nỗ lực toàn cầu bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn và nhu cầu của châu Phi. Đây là cách duy nhất để đảm bảo thế giới tăng cường giám sát và hiểu rõ hơn về diễn biến của bệnh đậu mùa khỉ, đồng thời nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó nhằm ngăn căn bệnh này lây lan.

Cũng theo bà Moeti, châu Phi đã thành công trong việc ngăn chặn các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Điều quan trọng là châu lục này cần được tiếp cận bình đẳng với các loại vaccine hiệu quả, cũng như cần đảm bảo các chế phẩm này đến tay mọi cộng đồng có nhu cầu./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực