Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Thứ tư, 13/04/2022 20:21
(ĐCSVN) - Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi; 2 cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lãnh án tù; Bình Định: 'Biển lửa' bao trùm cụm công nghiệp Nhơn Bình; Bốn tổng thống châu Âu cùng tới Kiev, là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (13/4).

Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Ngày mai (14/4), Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi.

Sáng 13/4, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết lô vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 đầu tiên đã về đến Việt Nam. Vaccine đang được kiểm định chất lượng, dự kiến ngày hôm nay sẽ có giấy xuất xưởng. Trong chiều tối nay vaccine sẽ vận chuyển tới Quảng Ninh để tiêm cho trẻ vào ngày 14/4. Do phải vận chuyển nên phải sang tuần sau, các địa phương sẽ triển khai tiêm đồng loạt. Đây là lô vaccine Moderna, do phía Úc hỗ trợ.

Vaccine này sẽ được tiêm trước cho nhóm trẻ học lớp 6, sau đó đến các nhóm tuổi nhỏ hơn. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể cho từng lô và triển khai cho nhóm tuổi nào.

Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức nhiều đợt tiêm chủng theo các tháng, tiêm bổ sung, tiêm vét… Vì thế, khi trẻ thực sự khỏe cha mẹ hãy đưa con đi tiêm.

Ngoài ra, khi gia đình đưa con đi tiêm cần cố tránh lây nhiễm SARS-CoV-2. Vì thế, khi người đưa trẻ đi hoặc bản thân trẻ có biểu hiện viêm long đường hô hấp, nghi ngờ mắc COVID-19 thì không đến điểm tiêm đến tránh lây lan mầm bệnh…

Theo GS,TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cả nước hiện có 11,8 triệu trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19. Ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ  đủ điều kiện sẽ cố gắng tiến hành đến cuối quý II/2022.

“Với khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19, khoảng 3 tháng sau khi mắc COVID-19 sẽ tiến hành tiêm”, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân thông tin.

2 cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lãnh án tù

Các bị cáo nghe tuyên án chiều 13/4. Ảnh: Phong Điền 

Chiều 13/4, sau nhiều ngày nghị án, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên án đối với bảy bị cáo là các cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa.

Tòa tuyên bảy bị cáo phạm tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Theo đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị phạt năm năm sáu tháng tù. Bị cáo Lê Đức Vinh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh và bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, mỗi bị cáo bị phạt bốn năm sáu tháng tù.

Tòa phạt bị cáo Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) ba năm sáu tháng tù. Các bị cáo Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở TN&MT; Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, mỗi bị cáo bị phạt ba năm tù. Bị cáo Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai - Sở TN&MT bị phạt hai năm sáu tháng tù.

Bản án sơ thẩm xác định từ năm 2012 đến 2015, trong công tác quản lý Nhà nước quá trình cho phép triển khai thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc, bảy bị cáo là cựu lãnh đạo trên đã có sai phạm trong việc giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất.

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Thắng, Thiên đã ký các quyết định giao 513 ha đất cho Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Khánh Hòa trái pháp luật để thực hiện dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự. Các bị cáo Điệp, Thái, Hùng tham mưu ký các quyết định trên. Các bị cáo còn cho Công ty Khánh Hòa được miễn tiền sử dụng 370 ha đất sai quy định pháp luật.

Bị cáo Lê Đức Vinh ký quyết định cho phép Công ty Khánh Hòa chuyển mục đích sử dụng hơn 19,6 ha đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích đất ở, đất có mục đích công cộng để thực hiện dự án khu biệt thự sông núi Vĩnh Trung, vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, vi phạm quy định pháp luật về quản lý đất đai. Các bị cáo Dẽ, Điệp, Hùng tham mưu ký quyết định này.

Bản án sơ thẩm nhận định: Vai trò của bị cáo Thắng trong vụ án này là cao nhất, chỉ đạo nhiều nội dung mang tính định hướng. Các bị cáo Vinh, Thiên nắm rõ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng vẫn ký các quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất trái pháp luật. Các bị cáo Điệp, Thái, Dẽ, Hùng ký các tờ trình, tham mưu, là tiền để để các bị cáo Thắng, Vinh, Thiên ký các quyết định trái pháp luật.

Bản án sơ thẩm cho rằng hậu quả vụ án này đã được khắc phục nên HĐXX không xem xét trách nhiệm dân sự của các bị cáo như đề nghị của VKSND tỉnh tại phiên tòa.

Bình Định: 'Biển lửa' bao trùm cụm công nghiệp Nhơn Bình

 Ngọn lửa bùng phát dữ dội tại khu vực nhà kho của Công ty TNHH tổng hợp Tấn Phát. Ảnh: Vietnamnet.vn

Vụ cháy xảy ra vào khoảng 9h30 ngày 13/4, tại nhà kho của Công ty TNHH tổng hợp Tấn Phát thuộc Cụm công nghiệp Nhơn Bình (phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn, Bình Định).

Thời điểm trên tại nhà xưởng của công ty có nhiều gỗ, vật liệu dễ bắt lửa, kèm theo thời tiết nắng nóng nên đám cháy bùng phát dữ dội, tạo cột khói cao hàng trăm mét.

Nhận tin báo, hơn 100 cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC cùng phương tiện có mặt triển khai dập lửa. Hàng trăm người dân địa phương cũng kịp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển tài sản ra ngoài.

Đến 13h cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế, tuy nhiên nhiều tài sản của công ty Tấn Phát bị thiêu rụi.

Bốn tổng thống châu Âu cùng tới Kiev

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (ngoài cùng bên trái) cùng Tổng thống ba nước Baltic thảo luận về chuyến đi tới Kiev hôm nay. Ảnh: Twitter/ Jakub Kumoch. 

Tổng thống Ba Lan cùng lãnh đạo ba quốc gia Baltic là Litva, Latvia và Estonia đang trên đường đến Kiev bằng tàu để gặp người đồng cấp Ukraine Zelensky.

"Các quốc gia chúng tôi đang thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và Tổng thống Volodimir Zelensky theo cách này", Jakub Kumoch, cố vấn của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, thông báo về chuyến đi trên Twitter. Bốn lãnh đạo này sẽ gặp Tổng thống Ukraine trong hôm nay.

Kumoch, người đang tháp tùng Tổng thống Ba Lan, cho biết "mục tiêu của chúng tôi là ủng hộ Tổng thống Zelensky và những người bảo vệ Ukraine vào thời điểm quan trọng". Trong khi đó, Tổng thống Litva Gitanas Nauseda đăng Twitter rằng ông đang tới thủ đô Ukraine với "thông điệp mạnh mẽ về ủng hộ chính trị và hỗ trợ quân sự".

Trước khi lên tàu đi Kiev, 4 lãnh đạo đã gặp nhau tại thành phố Rzeszow của Ba Lan, gần biên giới với Ukraine. Kumoch không tiết lộ lịch trình chuyến đi vì lý do an ninh, nhưng nói rằng các Tổng thống sẽ thăm "những khu vực quan trọng nhất".

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trước đó cho biết ông vốn có kế hoạch cùng 4 lãnh đạo này thăm Kiev vào ngày 13/4 để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine. Tuy nhiên, Kiev tỏ thái độ không chào đón ông.

Tổng thống Đức không nêu lý do, song tờ Bild dẫn lời một quan chức ngoại giao Ukraine cho biết ông Steinmeier "có quan hệ thân thiết với Nga" nên "không được chào đón ở Kiev vào thời điểm này".

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Czech Petr Fiala và Thủ tướng Slovenia Janez Jansa từng tới thăm Kiev bằng tàu hỏa hôm 16/3, ngay trong lúc lực lượng Nga áp sát thành phố. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta Metsola, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen và Thủ tướng Anh Boris Johnson sau đó cũng đến thăm Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ với quốc gia này./.

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực