Việt Nam tổng hợp thành công hợp chất bào chế thuốc điều trị COVID-19

Thứ tư, 24/11/2021 22:02
(ĐCSVN) - Việt Nam tổng hợp thành công hợp chất bào chế thuốc điều trị COVID-19; Nhiều địa phương đồng loạt tiêm vaccine cho học sinh; Khởi tố nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương và 3 bị can; Thêm một quốc gia châu Âu ghi nhận dịch cúm gia cầm bùng phát; EU thông báo sẽ sớm phê duyệt việc sử dụng thuốc điều trị của Merck; Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tê liệt 2 ngày liền… là một số tin tức đáng chú ý diễn ra ngày 24/11.

Việt Nam tổng hợp thành công hợp chất bào chế thuốc điều trị COVID-19

Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu tổng hợp thành công hợp chất Nitazoxanide ở quy mô pilot dùng để bào chế thuốc điều trị COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình.

leftcenterrightdel
Nghiên cứu tổng hợp hợp chất Nitazoxanide tại Viện Hóa học. Ảnh: VHH 

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến, Viện trưởng Viện Hóa học cho biết, ngoài các hoạt chất Favipiravir (do Viện Hóa học nghiên cứu) và Molnupiravir (do Viện Hóa sinh biển nghiên cứu) đã được thông báo nghiên cứu tổng hợp thành công trước đây thì mới đây, Viện Hóa học tiếp tục nghiên cứu và thành công trong việc hoàn thiện quy trình tổng hợp chất Nitazoxanide ở quy mô thí điểm (pilot).

Quy trình tổng hợp Nitazoxanide đạt hiệu suất cao qua chỉ 2 bước phản ứng từ nguyên liệu giá rẻ. Đây là loại thuốc generic với giá thành thấp, sử dụng đường uống, an toàn và phù hợp để thực hiện ở Việt Nam. Hợp chất Nitazoxanide có ưu điểm vượt trội là an toàn và giá rẻ.

Nitazoxanide còn có hoạt tính kháng virus phổ rộng, diệt được nhiều loại virus khác nhau. Đặc biệt, nó có hoạt tính chống lại SARS-CoV-2 được nuôi cấy trên tế bào vero cell6 với IC50 2 µM. Ngoài ra, Nitazoxanide có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch, cải thiện phổi và các tổn thương trên nhiều cơ quan của cơ thể nên thuốc có thể được sử dụng hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19 mắc bệnh đi kèm, đặc biệt là hội chứng "cơn bão cytokine".

Viện Hóa học cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc để chuyển giao công nghệ cho một doanh nghiệp và đề xuất xin thử nghiệm lâm sàng thuốc Nitazoxanide giá rẻ để điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và trung bình tại nhà.

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến cũng cho biết, hiện nay trên thế giới đã và đang thực hiện 29 thử nghiệm lâm sàng trên các bệnh nhân COVID-19, trong đó có 8 thử nghiệm đã kết thúc và chứng minh Nitazoxanide có thể được sử dụng an toàn để điều trị sớm COVID-19 ở thể nhẹ và trung bình, làm giảm tải lượng virus, giảm số bệnh nhân phải nhập viện. Nitazoxanide cũng được chứng minh sử dụng hiệu quả để điều trị bệnh nhân mang thai và điều trị dự phòng với các nhân viên y tế.

GS.TS Nguyễn Văn Tuyến mong muốn Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách để phát triển thuốc điều trị COVID-19 nói riêng và thuốc sản xuất trong nước nói chung.

Nhiều địa phương đồng loạt tiêm vaccine cho học sinh

leftcenterrightdel
Học sinh các trường được tiêm chủng vaccine đầu tiên tại Hải Phòng là THPT Ngô Quyền, THPT Hồng Bàng và THPT Mạc Đĩnh Chi - Ảnh: VOV 

Ngày 24/11, nhiều địa phương trên cả nước đang đồng loạt tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trước khi mở lại trường trở lại.

* Hải Phòng tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại 3 trường THPT trên 3 quận, mở đầu chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn thành phố. Học sinh các trường được tiêm chủng vaccine đầu tiên tại Hải Phòng là THPT Ngô Quyền, THPT Hồng Bàng và THPT Mạc Đĩnh Chi.

Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo Hải Phòng đã có sự phối hợp chặt chẽ trong khâu tổ chức, tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh cũng như đảm bảo các điều kiện an toàn tiêm chủng. Tại các điểm tiêm, các em học sinh được đối chiếu thông tin, được khám sàng lọc kỹ và theo dõi sau tiêm.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, thành phố hiện có trên 178.000 đối tượng từ 12-17 tuổi; trong đó có khoảng 5.000 trẻ em ngoài trường học.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng của người dân trên 18 tuổi tại Hải Phòng đã đạt trên 98%, trong đó số người đã tiêm mũi 2 đạt 78%.

* Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành tại các điểm tổ chức tiêm phòng vaccine COVID-19 mũi 2 cho các học sinh và học viên đã tiêm mũi 1. Cụ thể, đến ngày 24/11, các nhà trường đã cơ bản hoàn thành chiến dịch tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cho trên 32.000 em, đạt tỷ lệ trên 97% trẻ em từ 15 đến dưới 18 tuổi được tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine.

Như vậy, với tỷ lệ học sinh THPT được tiêm cơ bản đủ 2 mũi, học sinh THCS đã tiêm cho trên 10.000 em mũi 1, Ninh Bình là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine bao phủ đạt cao trong tốp đầu cả nước, với gần 90% dân số đang có mặt trên địa bàn đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

* Ngày 24/11, Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 15-17 tuổi tại 26 quận/huyện/thị xã. Kết quả thực hiện tiêm được 99.639 mũi tiêm cho học lớp 10, 11, 12. Như vậy, Hà Nội đã tiêm được 133.257 mũi tiêm, sử dụng 132.324 liều vaccine.

4 quận, huyện chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 15-17 tuổi là Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất.

Khởi tố nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương và 3 bị can

leftcenterrightdel
Các bị can trong vụ án. Ảnh: BCA 

Ngày 24/11, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người Phát ngôn Bộ Công an cho biết mở rộng điều tra vụ án Tổng công ty Sản xuất-Xuất nhập khẩu Bình Dương trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Tổng công ty 3/2), Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố thêm 4 bị can.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với 4 bị can gồm Hồ Đắc Hiếu (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và thẩm định giá Đông Nam); Hà Văn Thuận (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, hiện là Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương); Nguyễn Kim Liên (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương); Vũ Thị Lợi (nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Chi cục Tài chính doanh nghiệp tỉnh Bình Dương).

4 bị can trên đều bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án tại Tổng công ty 3/2 có liên quan ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Quyết định trả hồ sơ ký ngày 13/10, sau gần một tháng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra kết luận, đề nghị truy tố ông Nam và 20 người về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Theo kết quả điều tra, Tổng công ty 3/2 trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương và quản lý khu đất 43ha "đất vàng" gần Trung tâm hành chính tỉnh. Năm 2010, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng thỏa thuận với Công ty Âu Lạc thành lập liên doanh Công ty Đầu tư-Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với mục đích đầu tư xây dựng và kinh doanh trên 43ha nói trên.

Trong số đó, Công ty Âu Lạc góp 140 tỷ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ. Năm 2016, Tổng công ty 3/2 ký hợp đồng, bán 30% cổ phần tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc với giá hơn 250 tỷ đồng, tương đương gần 600.000 đồng/m2.

Cơ quan cảnh sát điều tra cho rằng, khu "đất vàng" 43ha đã bị chuyển vào tay tư nhân một cách sai quy định, gây thiệt hại hơn 1.060 tỷ đồng cho Nhà nước.

Thêm một quốc gia châu Âu ghi nhận dịch cúm gia cầm bùng phát

 

leftcenterrightdel
Slovakia lo ngại dịch cúm gia cầm bùng phát. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN 

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) ngày 23/11 cho biết đã nhận được thông báo của Slovakia về đợt bùng phát cúm gia cầm độc lực cao ở các trang trại gia cầm của nước này.

OIE dẫn báo cáo của các nhà chức trách Slovakia cho biết virus cúm đã được phát hiện ở các trại gia cầm nằm ở thị trấn Dunajska Streda, phía Đông Nam thủ đô Bratislava của Slovakia.

Cùng với các đợt bùng phát ở châu Âu và châu Á trong những tuần gần đây, diễn biến mới này cho thấy dấu hiệu virus cúm H5N1 đang lây lan nhanh trở lại.

Các đợt bùng phát cúm gia cầm thường diễn ra vào cuối Thu, thời điểm các loài chim hoang dã di cư. Ở châu Á, hồi giữa tháng này Hàn Quốc đã phải tiêu hủy khoảng 770.000 con gia cầm tại một trang trại ở tỉnh Chungcheongbuk-do.

Trong khi đó, ngày 10/11, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản ghi nhận đợt bùng phát dịch cúm gia cầm "độc lực cao" đầu tiên trong mùa Đông năm 2021 ở thành phố Yokote, tỉnh Akita. Đợt bùng phát mới nhất khiến Nhật Bản phải tạm ngừng xuất khẩu thịt và trứng gà.

Tại châu Âu, Na Uy đã ghi nhận đợt bùng phát cúm H5N1 ở hạt Rogaland, ảnh hưởng khoảng 7.000 con gia cầm. Ba Lan, nước chăn nuôi gia cầm lớn nhất Liên minh châu Âu cũng bùng dịch với 650.000 con gia cầm đã nhiễm bệnh.

Kể từ ngày 15/11, Chính phủ Bỉ đã yêu cầu các trang trại nhốt gia cầm trong chuồng, tương tự biện pháp mà Hà Lan và Pháp thực hiện trước đó.

EU thông báo sẽ sớm phê duyệt việc sử dụng thuốc điều trị của Merck

leftcenterrightdel
Thuốc kháng virus Molnupiravir do hãng dược phẩm Merck của Mỹ bào chế. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 23/11 cho biết trong vài tuần tới, cơ quan này sẽ ra quyết định về việc liệu có phê duyệt thuốc viên điều trị COVID-19, có tên thương mại là Lagevrio, của hãng dược phẩm Merck (Mỹ), hay không.

Trong một tuyên bố, EMA cho biết sẽ đánh giá lợi ích và rủi ro của Lagevrio theo một tiến trình rút gọn và có thể đưa ra quyết định về thuốc này trong những tuần tới nếu có hồ sơ đề nghị cấp phép đầy đủ. Theo EMA, cơ quan này có thể đẩy nhanh tiến trình phê duyệt do đã xem xét một phần lớn dữ liệu về thuốc, trong các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật, dữ liệu sản xuất, cũng như dữ liệu về hiệu quả và an toàn.

Trước đó, ngày 19/11, EMA đã cho phép từng nước thành viên thuộc Liên minh châu Âu (EU) tự ra quyết định về việc có sử dụng thuốc Lagevrio, còn được biết đến với tên gọi Molnupiravir, trong tình hình khẩn cấp "trong bối cảnh tỷ lệ tử vong và mắc COVID-19 gia tăng". Hiện cơ quan này đang cân nhắc việc ra quyết định tương tự đối với thuốc viên của Pfizer (Mỹ). 

Hai loại thuốc này đang kỳ vọng là bước đột phá trong cuộc chiến chống COVID-19 khi các nghiên cứu cho thấy cả 2 loại đều có thể làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có nguy cơ cao.

Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á tê liệt 2 ngày liền

leftcenterrightdel
Người dân xếp hàng rút tiền tại cây ATM của DBS ở Singapore. Ảnh: Reuters 

DBS Group tại Singapore, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, đã trải qua hai ngày liên tiếp gián đoạn dịch vụ trực tuyến hàng loạt.

Các vấn đề kỹ thuật với máy chủ kiểm soát tiếp cận đã gây ra gián đoạn trên ứng dụng thanh toán của DBS. Ngày 23/11, hàng nghìn khách hàng phàn nàn về tình trạng này trên mạng, nói rằng họ không thể truy cập tài khoản và đe dọa chuyển sang ngân hàng khác. Vài giờ sau khi ngân hàng thông báo đã sửa xong lỗi kỹ thuật thì ứng dụng lại bị sập lần thứ hai.

Ngày 24/11, DBS trấn an khách hàng rằng các vấn đề kỹ thuật đang được giải quyết, đảm bảo rằng tiền của khách hàng an toàn, có thể rút qua các chi nhánh và dịch vụ ngân hàng thông qua điện thoại.

Lần trục trặc trong tuần này là sự cố gián đoạn dịch vụ lớn nhất của DBS từ năm 2010. Năm đó, hệ thống ATM của ngân hàng không hoạt động, khiến nhà quản lý tài chính Singapore phải có động thái giám sát.

DBS là ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á với tài sản trị giá 491,9 tỷ USD, có trên 24.000 nhân viên, 250 chi nhánh và 1.100 máy ATM khắp 50 thành phố./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực