Vụ kit test Việt Á: Khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có Giám đốc CDC Nghệ An và Bình Dương

Thứ sáu, 31/12/2021 21:06
​(ĐCSVN) - Thêm 14 ca nhiễm Omicron, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương mở rộng điều tra dịch tễ; vụ kit test Việt Á: khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có Giám đốc CDC Nghệ An và Bình Dương; Hong Kong (Trung Quốc) phát hiện các ca cộng đồng đầu tiên nhiễm biến thể Omicron; số người thiệt mạng do bão Rai tại Philippines lên tới hơn 400 người,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 31/12.

Thêm 14 ca nhiễm Omicron, Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương mở rộng điều tra dịch tễ

leftcenterrightdel
 Xét nghiệm COVID-19 cho hành khách nhập cảnh. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Ngày 31/12/2021, Bộ Y tế có Công điện 2308/CĐ-BYT gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Hãng hàng không Bamboo Airline về việc điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Việt Nam đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến thể Omicron trên 4 chuyến bay (8 người trên chuyến bay VN99 từ Mỹ về Sân bay Đà Nẵng ngày 24/12; 3 người trên chuyến bay VN417 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 24/12; 2 người trên chuyến bay VN417 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 23/12; 1 người trên chuyến bay QH9451 từ Hàn Quốc về Sân bay Đà Nẵng ngày 21/12). Những người này đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm tại tỉnh Quảng Nam. Ngày 30/12, kết quả giải trình tự gen của Viện Pasteur Nha Trang khẳng định 14 trường hợp nói trên dương tính với biến thể mới Omicron (B.1.1.529).

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19) điện và đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố: Quảng Nam, Đà Nẵng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Hãng hàng không Bamboo Airways chỉ đạo triển khai ngay việc tiếp tục mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách tất cả những người tiếp xúc gần và có liên quan với các bệnh nhân.

Các địa phương, đơn vị nói trên đồng thời phải thực hiện cách ly y tế kịp thời các trường hợp F1 và đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần; lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nguy cơ (bao gồm: người cùng trên xe đưa đón; nhân viên phục vụ tại khách sạn, tiếp viên hàng không, nhân viên phục vụ mặt đất; người tiếp xúc gần,...); tiến hành xét nghiệm khẳng định và trả lời kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì các địa phương, đơn vị nói trên phải chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Pasteur Nha Trang để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.

Các đơn vị cần tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

Cần tổ chức khoanh vùng nhanh nơi bệnh nhân ở, sinh hoạt, từng qua; tiến hành ngay việc xử lý khử trùng triệt để môi trường tại các địa điểm bệnh nhân đã từng đến, ở, làm việc; các phương tiện vận chuyển và các khu vực có liên quan khác theo đúng quy định tại hướng dẫn giám sát và phòng, chống dịch COVID-19.

Vụ kit test Việt Á: Khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có Giám đốc CDC Nghệ An và Bình Dương

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Văn Định - Giám đốc CDC Nghệ An (Ảnh: CDC Nghệ An)

Ngày 31/12, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án về các tội "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến vụ nâng khống giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và nhiều địa phương.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với: Nguyễn Minh Tuấn (nguyên vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế thuộc Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế); Trịnh Thanh Hùng (Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ). Các bị can này bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".

Mở rộng điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn xác định một số lãnh đạo, cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An) và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương (CDC Bình Dương) đã thông đồng, câu kết với Phan Quốc Việt và các đối tượng liên quan thuộc Công ty Việt Á, Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (Công ty VNDAT) trong vụ nâng giá sinh phẩm xét nghiệm COVID-19. Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can đã vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua vật tư phòng, chống dịch COVID-19, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

C03 đã khởi tố các bị can: Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An); Nguyễn Thị Hồng Thắm (Kế Toán trưởng CDC Nghệ An); Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương); Trần Thanh Phong (Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương); Lê Thị Hồng Xuyên (nguyên phụ trách Phòng Thí nghiệm CDC Bình Dương); Tiêu Quốc Cường (kế toán trưởng, phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương).

C03 cũng khởi tố 3 bị can là lãnh đạo, nhân viên các công ty gồm: Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty VNDAT); Nguyễn Thị Thuý (nhân viên kinh doanh Công ty VNDAT) và Lê Trung Nguyên (Giám đốc Vùng Công ty Việt Á). Các bị can bị C03 khởi tố điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ giúp Nhật Cường trúng thầu: Bị cáo Nguyễn Đức Chung bị tuyên phạt 3 năm tù

leftcenterrightdel
 Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khai báo trước tòa. Ảnh: TTXVN

Sau 5 ngày xét xử, chiều 31/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án đối với cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội) 3 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 281, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Sáu bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Văn Tứ (sinh năm 1965, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) và Nguyễn Tiến Học (sinh năm 1958, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) đều bị tuyên phạt 30 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến (sinh năm 1971, nguyên Trưởng phòng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) 4 năm 6 tháng tù; Phạm Thị Thu Hường (sinh năm 1974, nguyên Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) và Lê Duy Tuấn (sinh năm 1978, Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) đều bị phạt 42 tháng tù; Võ Việt Hùng (sinh năm 1976, nguyên Giám đốc Công ty Đông Kinh) bị phạt 4 năm tù về cùng tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản án sơ thẩm kết luận, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư 2 gói thầu "Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh.

Trong quá trình tổ chức, thực hiện 2 gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Cụ thể, trong quá trình thực hiện gói thầu số hóa năm 2016, thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Văn Tứ đã tạm dừng gói thầu số hóa năm 2016, chỉ đạo các bị cáo: Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường tham mưu, ban hành văn bản tạm dừng việc lựa chọn nhà thầu của gói thầu số hóa năm 2016 trái với quy định của Luật Đấu thầu, và trái với quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ.

Sau khi tạm dừng gói thầu, bị cáo Tứ đã chỉ đạo cho Công ty Nhật Cường vào làm thí điểm, đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu), thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho Công ty Nhật Cường (Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh tham gia gói thầu) trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016, vi phạm quy định về lập hồ sơ mời thầu.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Hành vi của Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Hong Kong (Trung Quốc) phát hiện các ca cộng đồng đầu tiên nhiễm biến thể Omicron

Người đứng đầu ngành y tế Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Sophia Chan ngày 31/12 cho biết đã phát hiện các ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng. Đây cũng là những ca cộng đồng đầu tiên ở Hong Kong trong vòng khoảng 3 tháng qua.

Theo bà Chan, các ca trên bao gồm một thành viên của phi hành đoàn có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron sau khi trở về Hong Kong và hai người khác bị lây nhiễm từ người này do thành viên trên vi phạm các quy định về cách ly của chính quyền sở tại khi tới một nhà hàng ăn uống. Cụ thể 2 ca còn lại là người cha của thành viên phi hành đoàn trên và một khách nhà hàng ngồi ở bàn khác.

Số người thiệt mạng do bão Rai tại Philippines lên tới hơn 400 người

leftcenterrightdel
 Nhà cửa bị phá hủy sau khi bão Rai đổ bộ vào thành phố Bais, Philippines, ngày 21/12/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 31/12, Cơ quan Thảm họa quốc gia của Philippines cho biết số người thiệt mạng do bão Rai đã vượt con số 400 người. Các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất đang phải kêu gọi chính quyền trung ương hỗ trợ thêm lương thực, nước sạch và các đồ thiết yếu hai tuần sau khi qua cơn bão đi qua.

Rai là cơn bão thứ 15 và là cơn bão gây thiệt hại về người nặng nề nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Cơ quan Thảm họa quốc gia Philippines Ricardo Jalad cho biết số người thiệt mạng liên quan đến bão Rai đã lên tới 405 người, phần lớn là do đuối nước, cây đổ và lở đất. Chỉ riêng tỉnh Bohol, một địa danh nổi tiếng với du khách thích lặn biển, đã ghi nhận 109 người thiệt mạng do bão. Cũng theo quan chức này, số người mất tích hiện là 82 người, trong khi có 1.147 người bị thương.

Ước tính hơn 530.000 ngôi nhà đã bị hư hại, với khoảng 30% trong số này bị hư hỏng hoàn toàn. Thiệt hại liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng và nông nghiệp vào khoảng 23,4 tỷ peso (tương đương 459 triệu USD). Theo số liệu của chính phủ, bão Rai đã ảnh hưởng đến gần 4,5 triệu người, trong đó khoảng 500.000 người đang tạm trú trong các trung tâm sơ tán.

Ngày 16/12 vừa qua, bão Rai mạnh cấp 5 đã đổ bộ vào Philippines, gây thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh Bohol, Cebu và Surigao del Norte, bao gồm cả hòn đảo nghỉ dưỡng Siargao và quần đảo Dinagat. Tại các tỉnh miền Trung Philippines, nhà chức trách đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo nhu yếu phẩm cho hàng nghìn người dân vẫn đang sống trong cảnh mất điện và thiếu nước. Thống đốc tỉnh Surigao del Norte, Francisco Matugas khẳng định vấn đề lớn nhất hiện nay là đảm bảo nơi tạm trú cho những người mất nhà cửa, đặc biệt khi đã bắt đầu mùa mưa./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực