WHO: Thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài

Thứ tư, 25/08/2021 23:19
(ĐCSVN) - Chuyến bay đầu tiên vận chuyển hàng y tế từ Hoa Kỳ về nước; cha mẹ được đi cùng trẻ đến cơ sở y tế điều trị COVID-19; WHO: Thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài; Trung Quốc mở lại bến chính trong cảng đông đúc thứ 3 thế giới… là những tin tức đáng chú ý trong ngày 25.8.

Chuyến bay đầu tiên vận chuyển hơn 6,2 tấn thiết bị y tế từ Hoa Kỳ về nước

 Rạng sáng 25/8, chuyến bay VN9 do Vietnam Airlines khai thác từ San Francisco (Hoa Kỳ) đã hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Chuyến bay đưa 277 hành khách là công dân Việt Nam tại Hoa Kỳ về nước và vận chuyển hơn 6,2 tấn thiết bị, vật tư y tế của kiều bào tại Hoa Kỳ chia sẻ với đồng bào trong nước phòng chống dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Chuyến bay đầu tiên của hàng không Việt Nam vận chuyển hàng y tế từ Hoa Kỳ về nước. Ảnh: TTXVN. 

Đây là chuyến bay thẳng thứ hai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được Vietnam Airlines thực hiện trong năm 2021, sau khi hãng được nhà chức trách Hoa Kỳ cấp phép khai thác 12 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Đặc biệt hơn, đây cũng là lần đầu tiên một chuyến bay do hãng hàng không Việt Nam thực hiện được cấp phép vận chuyển hàng hóa giữa hai quốc gia.

 Lô hàng đặc biệt với gần 400 kiện trên chuyến bay VN9 gồm 250 máy trợ thở, 5 máy thở, 9.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, 600 bộ quần áo bảo hộ y tế, 2.500 tấm chắn giọt bắn và 60.000 khẩu trang y tế. Ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD. Toàn bộ số hàng này là kết quả đóng góp của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco trong việc chung sức hỗ trợ phòng hống dịch tại quê hương.

 Sau khi hạ cánh tại Việt Nam, lô hàng này sẽ được Bộ Y tế tiếp nhận và phân phối đến các cơ sở y tế trong nước.

Cha mẹ được đi cùng trẻ đến cơ sở y tế điều trị COVID-19

Ngày 25/8, Bộ Y tế đã có công văn số 7020/BYT-MT về việc cách ly phòng chống dịch COVID-19 đối với trẻ em.

Theo Bộ Y tế, dịch COVID-19 đã xuất hiện tại hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều trẻ em phải cách ly, theo dõi, điều trị do bị nhiễm SARS-COV-2 hoặc tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19. Bên cạnh đó, một số trẻ em nhập cảnh Việt Nam cũng thuộc đối tượng phải cách ly phòng, chống dịch. Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời gian thực hiện cách ly, theo dõi, điều trị, Bộ Y tế hướng dẫn một số nội dung về cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với trẻ em.

Cụ thể, Cha/mẹ/người chăm sóc trẻ em được đi cùng trẻ em đến cơ sở y tế/cơ sở thu dung điều trị COVID-19 (sau đây gọi là cơ sở y tế)/cơ sở cách ly tập trung hoặc được ở cùng với trẻ em tại nơi cách ly tại nhà, nơi lưu trú (sau đây gọi là cách ly tại nhà) để chăm sóc trẻ  và phải có cam kết tự nguyện cách ly cùng trẻ em và thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

leftcenterrightdel
Cha mẹ được đi cùng trẻ đến cơ sở y tế điều trị COVID-19. Ảnh: TL. 

Trường hợp Cha/mẹ/người chăm sóc trẻ em không thể đi cùng, ở cùng để chăm sóc trẻ thì chính quyền địa phương bố trí người chăm sóc cho trẻ, và/hoặc chỉ định cán bộ trongcơ sở y tế/cơ sở cách ly tập trung hoặc người tình nguyện chăm sóc trẻ và người đó phải có kiến thức, kỹ năng trong chăm sóc, hỗ trợ trẻ em và đảm bảo đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 63 Luật trẻ em số 102/2016/QH13; đảm bảo trẻ em được duy trì liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân để giảm tối đa sự khủng hoảng, căng thẳng, lo âu của trẻ em.

Trong một diễn biến khác, sáng 25/8, Trung tâm H.O.P.E (số 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5, TP.Hồ Chí Minh đã chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm này sẽ nhận hỗ trợ, chăm sóc các bé có mẹ mắc COVID-19 được xuất viện nhưng gia đình chưa có điều kiện đón về. Hiện tại, Bệnh viện Hùng Vương đang chăm sóc 130 trẻ có mẹ mắc COVID-19, trong đó hơn 50 trẻ đủ điều kiện xuất viện nhưng chưa có người thân đến đón, thậm chí có trẻ gần đầy tháng nhưng vẫn chưa được về với vòng tay yêu thương của gia đình, người thân.

 WHO: Thông tin sai lệch khiến đại dịch COVID-19 kéo dài

Ngày 25/8, quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tình trạng lan truyền thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và vaccine phòng bệnh thời gian qua diễn ra nghiêm trọng hơn và khiến cho người dân trở nên do dự với quyết định đi tiêm phòng, làm tăng số ca mắc mới.

leftcenterrightdel
Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sĩ Maria Van Kerkhove. Ảnh: AFP/TTXVN 

Phát biểu tại phiên hỏi đáp trực tuyến của WHO, Trưởng ban chỉ đạo kỹ thuật của WHO Maria Van Kerkhove khẳng định trong khoảng 4 tuần qua, lượng thông tin sai lệch dường như gia tăng đáng kể và gây hoang mang cho công chúng. Theo bà, thông tin sai lệch chính là một yếu tố nguy cơ giúp virus tiếp tục lây lan và gây hại.

Trong khi đó, giới chức y tế cộng đồng đều cho rằng chính những thông tin sai lệch đã làm gia tăng tâm lý hoài nghi về vaccine trên toàn thế giới. Hồi tháng 7, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy cũng gọi việc đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19 là một hiểm họa cộng đồng nghiêm trọng. Theo Quỹ gia đình Kaiser, hầu hết những người Mỹ chưa tiêm phòng đều nghĩ rằng việc tiêm vaccine COVID-19 còn gây nguy cơ đe dọa tính mạng cao hơn chính việc bị mắc căn bệnh này.

Các quan chức y tế Mỹ đều cho rằng thông tin sai lệch thời gian qua đã trở thành một vấn đề ngày càng lớn trong đại dịch, làm gia tăng tâm lý do dự đi tiêm phòng trong dân chúng. 

Theo Tiến sĩ Peter Marks, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, những thông tin sai lệch về vaccine là một trong những thách thức lớn nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Những thuyết âm mưu về vaccine hay các thông tin đồn thổi về nguy cơ của vaccine đã xuất hiện rất nhiều và được lan truyền dù đều là những thông tin sai sự thực. Không chỉ thông tin về vaccine, thông tin về thuốc điều trị COVID-19 cũng không ít tin sai lệch. 

Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn dịch bệnh hàng đầu tại Mỹ nhấn mạnh, việc tiêm phòng có thể giúp kiểm soát dịch bệnh ở Mỹ vào mùa Xuân tới. Ông đã kêu gọi người dân Mỹ chưa được tiêm phòng hãy nắm lấy cơ hội để chính mình có thể góp phần rút ngắn thời gian đẩy lùi đại dịch bằng cách đi tiêm phòng.

Trung Quốc mở lại bến chính trong cảng đông đúc thứ 3 thế giới

Ngày 25/8, Trung Quốc đã mở lại bến chính ở cảng Ninh Ba-Chu Sơn đông đúc thứ 3 thế giới sau thời gian phải đóng cửa nhằm kiểm soát dịch COVID-19.

Việc đóng cửa bến này đã gây nên tình trạng ùn tắc hàng hóa ở nhiều nơi khác, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động xuất khẩu vốn đã bị trì hoãn kéo dài do tác động của đại dịch.

leftcenterrightdel
Cảng Ninh Ba-Chu Sơn của Trung Quốc. (Nguồn: bloomberg.com). 

Bến Mi Sơn đã bị đóng cửa 2 tuần trước do có một công nhân làm việc tại đây mắc COVID-19. Bến nằm ở khu vực mới mở rộng của cảng Ninh Ba-Chu Sơn và có thể giải quyết 1/5 khối lượng container hàng hóa tại cảng.

Trong thời gian bến đóng cửa, các tàu phải chuyển sang các cảng khác của Trung Quốc, đồng thời làm gia tăng áp lực lên mạng lưới vận tải đường thủy toàn cầu trong khi nhu cầu hàng hóa ở phương Tây tăng vọt giữa đại dịch.Tình hình này đặt ra áp lực lớn với các nhà xuất khẩu của Trung Quốc đang phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch nghiêm ngặt ở trong nước.

Hiện,cảng Ninh Ba-Chu Sơn ưu tiên hoạt động bốc dỡ và chất hàng lên xe chở container bị kẹt tại cảng. Các công nhân làm việc ở cảng được xét nghiệm thường xuyên và công nhân mắc bệnh đã được tiêm phòng đầy đủ./.

 

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực