Xăng dầu đồng loạt tăng giá

Thứ sáu, 10/09/2021 19:24
(ĐCSVN) – Xăng dầu đồng loạt tăng giá, Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Hayat-Vax, khởi tố một đối tượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, Nhật Bản phát hiện ca nhiễm biến thể Eta đầu tiên… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý hôm nay (10/9).

 Xăng dầu đồng loạt tăng giá

Xăng, dầu tăng giá từ 15 giờ hôm nay, 10/9 . (Ảnh: nld.com.vn)

Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ ngày 10/9.

Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 252 đồng/lít, có giá bán 20.143 đồng/lít. Xăng RON95 tăng 266 đồng/lít so với kỳ trước, có mức giá bán lẻ 21.397 đồng/lít.

Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng giá. Cụ thể, dầu diesel tăng 355 đồng/lít, có giá 16.022 đồng/lít; dầu hỏa tăng 320 đồng/lít, có giá bán 15.082 đồng/lít, dầu mazut tăng 897 đồng/kg, có giá bán lẻ 15.952 đồng/kg.

Ở kỳ này, Liên Bộ tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5RON92, tuy nhiên, trích quỹ cho xăng RON 95 là 150 đồng/lít, dầu diesel và dầu hỏa cùng 200 đồng/lít, dầu mazut 100 đồng/kg.

Cơ quan điều hành giá chi quỹ bình ổn giá xăng dầu 900 đồng/lít đối với xăng E5RON92, các mặt hàng khác không chi quỹ.

Như vậy, sau một kỳ điều hành giảm giá (ngày 26/8), kỳ này các mặt hàng xăng dầu đã đồng loạt tăng giá trở lại. Trong đó đáng chú ý, xăng E5RON92 đã vượt mốc 20.000 đồng/lít khi có giá bán lẻ từ 15 giờ hôm nay là 20.143 đồng/lít.

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Hayat-Vax

 Bộ Y tế vừa phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 Hayat-Vax. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/9, Bộ Y tế chính thức phê duyệt có điều kiện vaccine COVID-19 Hayat-Vax cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh. Vaccine này dạng hỗn dịch tiêm, được đóng gói hộp 1 lọ chứa 1 liều 0,5 ml và hộp 1 lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml. Mỗi liều 0,5ml chứa 6,5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt.

Bộ Y tế cho biết vaccine Hayat-Vax do Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd (Trung Quốc) sản xuất bán thành phẩm và được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng bởi Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries), Các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex là đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine. Quyết định phê duyệt vaccine Hayat-Vax dựa trên dữ liệu an toàn, chất lượng và hiệu quả do Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex cung cấp cho Bộ Y tế đến ngày 3/9.

Bộ Y tế yêu cầu Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex phối hợp với Việt Nam thực hiện kiểm định các lô vaccine trước khi sử dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả, chất lượng của lô vaccine nhập vào Việt Nam; có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất phản hồi kịp thời các yêu cầu của Việt Nam để bổ sung thêm dữ liệu hoặc các yêu cầu khác có liên quan đến vaccine Hayat-Vax.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cấp phép nhập khẩu vaccine Hayat-Vax theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.

Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế trong quá trình sử dụng.

Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vaccine Hayat-Vax. Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Hayat-Vax trước khi đưa ra sử dụng.

Đến nay, tại Việt Nam đã có 7 vaccine COVID-19 được cấp phép khẩn cấp, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (vaccine Janssen), Vero Cell của Sinopharm, Sputnik V và Hayat-Vax.

Khởi tố một đối tượng hoạt động nhằm lật đổ chính quyền

 Đối tượng Lê Thị Kim Phi. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 10/9, thông tin Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Lê Thị Kim Phi (sinh năm 1959, cư trú khóm Bình Long 1, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang) về hành vi "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" quy định tại khoản 2, Điều 109 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, Lê Thị Kim Phi sử dụng tài khoản mạng xã hội Facabook "Phi Kim" kết bạn với một số tài khoản Facebook là thành viên của tổ chức phản động "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" do Đào Minh Quân cầm đầu.

Trong khoảng 4 tháng từ tháng 9/2020 đến cuối tháng 12/2020, Phi thường xuyên theo dõi, bình luận, thích và chia sẻ các bài viết, video clip, hình ảnh có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước… trên trang Facabook "Phi Kim."

Đầu năm 2021, Phi tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", được giao nhiệm vụ tuyên truyền, khuếch trương thanh thế cho tổ chức và Đào Minh Quân nhằm móc nối, lôi kéo người tham gia tổ chức.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang phát hiện quy trình hoạt động của Lê Thị Kim Phi; tiến hành xác minh, điều tra và thu giữ 6 video clip và 440 trang tài liệu từ tài khoản Facebook "Phi Kim" của Lê Thị Kim Phi với các nội dung tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.

Công an tỉnh An Giang đang tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với Lê Thị Kim Phi.

Nhật Bản phát hiện ca nhiễm biến thể Eta đầu tiên

Eta - một trong những biến chủng được cho là có khả năng ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine COVID-19. (Ảnh minh họa: AFP)

Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết, đã có một trường hợp trong nước bị nhiễm biến chủng Eta - một trong những biến chủng được cho là có khả năng ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm và ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine COVID-19. Biến thể này vốn đã được phát hiện trong các trường hợp nhập cảnh vào Nhật Bản từ năm 2020. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên biến chủng Eta xuất hiện ở nội địa của Nhật Bản và hiện vẫn chưa rõ nguồn lây.

Theo số liệu phân tích mẫu gene của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, từ tháng 12/2020 đến đầu tháng 9/2021, Nhật Bản đã phát hiện 18 trường hợp nhiễm biến chủng Eta đối với những người nhập cảnh vào nước này.

Biến chủng Eta lần đầu tiên xuất hiện tại Anh vào tháng 12/2020 và đã lây nhiễm tại hơn 70 quốc gia, chủ yếu là châu Âu và Bắc Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp biến thể Eta vào danh sách "các biến thể đáng chú ý" khi cho rằng, nó có thể ảnh hưởng đến nguy cơ lây nhiễm và hiệu quả của vaccine.

Bên cạnh biến thể Lambda, biến thể Mu, biến thể Kappa, biến chủng Eta được phát hiện tại Anh là một trong những chủng đột biến đang được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản xếp vào danh sách "biến thể đáng chú ý", mức độ thấp hơn so với biến thể Delta hay Alpha./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực