Xét xử 13 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Thứ hai, 15/08/2022 19:41
(ĐCSVN) - Xét xử 13 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng; Kịp thời giải cứu nhiều người trong vụ cháy homestay; Bắt 5 đối tượng mua bán ma túy, thu giữ 24 bánh heroin; Tòa án Myanmar tuyên phạt bà Aung San Suu Kyi thêm 6 năm tù; Bồ Đào Nha bắt giữ hơn 100 đối tượng tình nghi phóng hỏa là những nội dung đáng chú ý trong ngày 15/8.

Xét xử 13 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Dương gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

Sáng 15/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở Phiên tòa xét xử sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Bình Dương, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam (tên gọi khác là Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1963, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương) cùng với 12 bị cáo khác đều nguyên là cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Các bị cáo trên bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

 Bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khai báo trước Tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong số 15 bị cáo còn lại, ba bị cáo Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ và Huỳnh Thanh Hải bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về hai tội: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015. Ba bị cáo Võ Hồng Cường, Nguyễn Thục Anh và Trần Đình Như Ý đều bị truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại Điều 353, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự năm 2015. 9 bị cáo còn lại đều bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (viết tắt là Tổng Công ty Bình Dương) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu. Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương (giai đoạn từ tháng 7/2010 đến tháng 12/2015), Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015-2020); Trần Thanh Liêm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh (giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2020); Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy (giai đoạn từ tháng 12/2013 đến tháng 11/2018) và Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất-xuất nhập khẩu Bình Dương (giai đoạn từ tháng 8/2010 đến tháng 6/2017) là những người chịu trách nhiệm chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Bình Dương đã có những hành vi vi phạm pháp luật trong lãnh đạo, chỉ đạo, cố ý làm trái các quy định của pháp luật về quản lý vốn, tài sản gây hậu quả thất thoát đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Cụ thể, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Trần Văn Nam biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quy định giao đất năm 2012 và 2013 là trái quy định, nhưng vẫn ban hành công văn để thu tiền sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 716 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện quản lý vốn, tài sản, các bị cáo trong vụ án là lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và một số cơ quan tham mưu của tỉnh Bình Dương đều biết việc bị cáo Nguyễn Văn Minh và đồng phạm chuyển nhượng 43ha “đất vàng” và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho tư nhân là trái quy định, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo đã không ngăn chặn, yêu cầu khắc phục, thu hồi tài sản cho Nhà nước mà còn hợp thức hóa thủ tục để Nguyễn Văn Minh hoàn tất việc chuyển nhượng tài sản Nhà nước sang công ty của con rể là Nguyễn Đại Dương và bán cho công ty tư nhân. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát cho Nhà nước gần 985 tỷ đồng.

 Quang cảnh Phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các bị cáo còn làm trái các quy định của pháp luật khi không xác định lại giá trị quyền sử dụng đất khu “đất vàng” 145ha khi cổ phần hóa doanh nghiệp, dẫn đến việc bị cáo Nguyễn Văn Minh cùng các đồng phạm đã gây thất thoát cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn là hơn 4.030 tỷ đồng. Ngoài ra, với mục đích tạo nguồn tiền để hoàn ứng khoản tiền lớn do đã sử dụng trước đó trái nguyên tắc tài chính và tạo điều kiện để hai công ty “sân sau” có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã ban hành chủ trương, quyết định và chỉ đạo, cùng các bị can khác chiếm đoạt hơn 815 tỷ đồng. Cáo trạng nhận định trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Nam phải chịu trách nhiệm chính về những quyết định và chỉ đạo của mình dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn tài sản của Nhà nước. Riêng bị cáo Nguyễn Văn Minh bị xác định là phạm tội với vai trò chủ mưu, trực tiếp gây thất thoát cho Nhà nước hơn 5.015 tỷ đồng. Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 20 ngày.

Kịp thời giải cứu nhiều người trong vụ cháy homestay

Nhận được tin báo cháy Homestay ASIA, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, hướng dẫn 7 người tự thoát nạn ra ngoài và giải cứu 3 người bị mắc kẹt trong đám cháy.

Ngày 15/8, một vụ cháy đã xảy ra tại căn nhà kinh doanh dịch vụ lưu trú có tên là Homestay ASIA (số 58/22/12 đường Phan Chu Trinh, Phường 24, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để giải cứu nhiều người. Cụ thể, vào khoảng 9 giờ 10 phút cùng ngày, nhận tin báo cháy Homestay ASIA, Công an quận Bình Thạnh đã điều động 3 xe cứu hỏa và 18 cán bộ, chiến sỹ của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng tiếp cận hiện trường, tìm kiếm người bị nạn.

 Cảnh sát hướng dẫn người dân thoát ra ngoài an toàn. (Nguồn: Vietnamnet)

Cảnh sát đã hướng dẫn 7 người tự thoát nạn ra ngoài an toàn. Tới tầng 4 là nơi xảy ra cháy, các chiến sỹ vừa nỗ lực chữa cháy vừa tìm kiếm người còn bị kẹt lại. Tới tầng 5, Cảnh sát phát hiện và giải cứu 2 người. Tiếp tục tới tầng 6, có một phụ nữ đã được cảnh sát giải cứu. Tới 9 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng chức năng đã dập tắt hoàn toàn đám cháy ở phòng 406, tầng 4 của căn nhà.

Căn nhà này có kết cấu xây dựng gồm một trệt, một lửng, năm tầng lầu và một sân thượng, diện tích sàn khoảng 150m2. Diện tích cháy là khoảng 9m2, phần còn lại đã được lực lượng chức năng bảo vệ kịp thời. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra, làm rõ.

Bắt 5 đối tượng mua bán ma túy, thu giữ 24 bánh heroin

Công an tỉnh Lai Châu triệt phá 2 vụ buôn bán ma túy trái phép ở xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn và xã Tà Mít, huyện Tân Uyên, bắt 5 đối tượng và thu giữ 24 bánh heroin, 2 xe máy, 5 điện thoại di động.

Chiều 15/8, thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Lai Châu cho biết đơn vị vừa phá thành công chuyên án trinh sát mang bí số 1222V, bắt 3 đối tượng về hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 16 bánh heroin, 2 xe máy, 5 điện thoại di động và một số tài liệu liên quan. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 13/8, tại cống thoát nước Km 348+50, Quốc lộ 4H, thuộc địa phận bản Trung Chải, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp với Công an huyện Nậm Nhùn và Tổ công tác số 2, Công an tỉnh Lai Châu phát hiện 3 đối tượng có biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác áp sát kiểm tra.

 Hai đối tượng Vàng A Sồng (trái) và Hờ A Thu cùng 8 bánh heroin tại cơ quan điều tra.
(Ảnh: TTXVN phát)

Tại hiện trường, tổ công tác bắt được đối tượng Giàng A Vàng (sinh năm 1993, ở bản Huổi Thủng 2, xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) cùng 16 bánh nghi là heroin và một điện thoại di động. Tiếp tục truy xét, tổ công tác đã bắt giữ và ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với hai đối tượng: Giàng A Giàng (sinh năm 1976, ở bản Trạm Púng) và Vàng A Chớ (sinh năm 1982 ở bản Dền Thàng) cùng thuộc xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Lực lượng chức năng thu giữ thêm hai xe máy và 4 điện thoại di động.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai đã cùng nhau nhận vận chuyển 16 bánh heroin từ xã Pắc Ma, huyện Mường Tè đến xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu để bán. Nếu thành công, các đối tượng sẽ được nhận tiền công 20 triệu đồng/bánh. Trong lúc chuẩn bị giao dịch thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Trước đó, ngày 11/8, tại bến phà Pá Ngùa, xã Tà Mít, huyện Tân Uyên (Lai Châu), Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an và Công an huyện Than Uyên, Tân Uyên bắt quả tang Vàng A Sồng (sinh năm 1995, trú tại xã Hẹ Muông và Hờ A Thu (sinh năm 1995, trú tại xã Keo Lôm), cùng thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng thu giữ 8 bánh heroin. Các vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý theo quy định pháp luật.

Tòa án Myanmar tuyên phạt bà Aung San Suu Kyi thêm 6 năm tù

Bà Aung San Suu Kyi, cựu cố vấn nhà nước Myanmar bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ để cho thuê đất công với giá thấp hơn giá thị trường và xây dựng một dinh thự bằng tiền quyên góp cho mục đích từ thiện. Hãng tin AP dẫn một nguồn thạo tin cho biết ngày 15/8, một tòa án Myanmar đã tuyên phạt bà Aung San Suu Kyi thêm 6 năm tù sau khi kết tội bà liên quan đến 4 vụ tham nhũng.

 Bà Aung San Suu Kyi tại một sự kiện ở Naypyidaw, Myanmar ngày 24/5/2021.
(Ảnh: AFP/TTXVN)

Phiên tòa này được xét xử kín. Trong 4 vụ án tham nhũng được xét xử cùng ngày, bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc đã lạm dụng chức vụ để cho thuê đất công với giá thấp hơn giá thị trường và xây dựng một dinh thự bằng tiền quyên góp cho mục đích từ thiện. Bà Aung San Suu Kyi đã phủ nhận tất cả các cáo buộc và các luật sư của bà dự kiến sẽ kháng cáo. Tại các phiên tòa trước đó, bà Aung San Suu Kyi đã bị kết án 11 năm tù về tội kích động nổi loạn, tham nhũng và các tội danh khác sau khi bị bắt giữ hôm 1/2/2021.

Bồ Đào Nha bắt giữ hơn 100 đối tượng tình nghi phóng hỏa

119 đối tượng tình nghi phạm tội phóng hỏa đã bị bắt giữ trong bối cảnh quốc gia Tây Nam Âu này liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và hạn hán.

Từ đầu năm đến nay lực lượng chức năng Bồ Đào Nha đã bắt giữ tổng cộng 119 đối tượng tình nghi phạm tội phóng hỏa, trong bối cảnh quốc gia Tây Nam Âu này liên tiếp xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng do thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng và hạn hán, gây hậu quả đối với ngành nông nghiệp và các ngành cung cấp thiết yếu khác. Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Jose Luis Carneiro ngày 14/8 cho biết số vụ bắt giữ các đối tượng như trên trong năm nay đã tăng hơn gấp đôi so với những năm trước sau khi nhà chức trách tăng cường công tác kiểm tra giám sát.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: publico.pt)

Phát biểu tại sự kiện ở thành phố Leiria, miền Trung Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Carneiro cho biết thêm nhà chức trách nước này vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra thêm nhằm phát hiện nguyên nhân của các vụ cháy khác, theo đó có thể dẫn đến nhiều vụ bắt giữ nữa. Theo Bộ trưởng Carneiro, ngoài việc thiết lập 230 trạm giám sát cố định và theo dõi qua camera, Chính phủ Bồ Đào Nha năm nay đã tăng cường hoạt động theo dõi cũng như kiểm tra, trong đó có phối hợp với lực lượng không quân. Bộ trưởng Carneiro cũng đã thể hiện sự đoàn kết với lực lượng cứu hỏa đang nỗ lực dập tắt các đám cháy.

Theo luật pháp Bồ Đào Nha, rừng không được phép sử dụng cho mục đích xây dựng hay các mục đích khác. Viện Hải dương và Khí quyển Bồ Đào Nha (IPMA) cho biết quốc gia này vừa ghi nhận tháng 7 nóng nhất trong lịch sử, gây ra tình trạng hạn hán cực độ. Nắng nóng khiến hạn hán ở Bồ Đào Nha trở nên tồi tệ hơn, với 45% đất liền trong tình trạng "hạn hán cực độ" - mức phân loại cao nhất và khu vực còn lại rơi vào tình trạng hạn hán "nghiêm trọng", mức cảnh báo cao thứ hai vào cuối tháng 7./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực