Xét xử sơ thẩm cựu lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

Thứ hai, 27/12/2021 20:15
(ĐCSVN) – Xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung và cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang; Bác bỏ thông tin thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện biến chủng Omicron; Người chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 có nguy cơ phải điều trị tích cực; Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên đối thoại và hợp tác liên Triều;… là một số tin tức trong nước và quốc tế đáng chú ý ngày hôm nay (27/12).

Xét xử sơ thẩm cựu lãnh đạo thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh

 Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khai báo trước tòa.
(Ảnh: TTXVN)

* Sáng 27/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo khác trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

7 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Nguyễn Đức Chung (sinh năm 1967, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội), Nguyễn Văn Tứ (sinh năm 1965, nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội), Phạm Thị Kim Tuyến (sinh năm 1971, nguyên Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội), Phạm Thị Thu Hường (sinh năm 1974, nguyên Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội), Lê Duy Tuấn (sinh năm 1978, Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Kinh), Võ Việt Hùng (sinh năm 1976, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Kinh), Nguyễn Tiến Học (sinh năm 1958, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội).

6 bị cáo: Nguyễn Văn Tứ, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường, Lê Duy Tuấn, Võ Việt Hùng, Nguyễn Tiến Học bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 222, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Riêng bị cáo Nguyễn Đức Chung thực hiện hành vi phạm tội tại thời điểm trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực. Do Điều 281, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định có lợi hơn so với Điều 356, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nên căn cứ Điều 7 - Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, hành vi của bị cáo Nguyễn Đức Chung đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 281, khoản 1 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội có mặt với tư cách là nguyên đơn dân sự. Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đông Kinh đến phiên tòa với tư cách là những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ngoài ra, phiên tòa còn có mặt đại diện các cơ quan, đơn vị: Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thành phố Hà Nội, những người giám định, người làm chứng…

Mặc dù có giấy triệu tập, nhưng đại diện của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) vắng mặt tại phiên tòa. Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung) có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa.

Hội đồng xét xử cũng triệu tập bà Phan Lan Tú (nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội) với tư cách là người làm chứng, tuy nhiên bà Tú đã có đơn xin xét xử vắng mặt.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện hai gói thầu "Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2016, 2017, tương ứng với hai hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường-Đông Kinh. Trong quá trình tổ chức, thực hiện hai gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu. Hành vi của Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng.

Mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Chung (với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội) đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện trái pháp luật gói thầu số hóa năm 2016, nhằm tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Bị cáo Tất Thành Cang, cựu phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) 

* Cùng ngày 27/12, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan. Phiên tòa dự kiến xét xử đến ngày 10/1/2022.

Phiên tòa xét xử 20 bị cáo, trong đó cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang hầu tòa về tội "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Theo nội dung vụ án, bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh), Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy) và một số bị cáo khác giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh, của Công ty IPC, Công ty SADECO. Các bị cáo được giao trực tiếp quản lý tài sản nhà nước, thực hiện quy định của Nhà nước về việc đại diện vốn góp của Nhà nước vào doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì những động cơ, mục đích khác nhau, với vai trò chỉ đạo và quyết định của Tất Thành Cang, các bị cáo trong vụ án đã có hàng loạt sai phạm trong việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần của SADECO cho Công ty Nguyễn Kim như không thông qua đấu giá, không được tổ chức có chức năng thẩm định giá làm thẩm định… Các hành vi trái với quy định đã dẫn đến hậu quả thất thoát hơn 669,6 tỷ đồng của Nhà nước.

Bị cáo Tề Chí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty IPC, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty SADECO), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Công ty SADECO) và các đồng phạm còn lợi dụng thẩm quyền quản lý tiền thù lao khen thưởng tại Công ty SADECO để thực hiện nhiều hành vi gian dối nhằm chi sai quy định số tiền mà đáng lẽ SADECO phải nộp về Văn phòng Thành ủy và Công ty IPC. Các bị cáo đã chiếm hưởng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Bị cáo Tề Chí Dũng còn chỉ đạo Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài dưới danh nghĩa “tham quan, khảo sát”, gây thất thoát của Nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang cùng 11 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh truy tố về tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo khoản 3, Điều 219 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Tề Chí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và 5 bị cáo khác bị truy tố về hai tội “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Tham ô tài sản." Riêng bị cáo Nguyễn Văn Minh bị truy tố về tội “Tham ô tài sản."

Bác bỏ thông tin thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện biến chủng Omicron

 Đây là thông tin giả mạo. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng mới Omicron.

 Sáng 27/12, Công Ty TNHH Y Tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh Viện FV) đã có báo cáo nhanh về sự việc này. Trong Báo cáo nhanh, Bệnh Viện FV khẳng định không cấp “Giấy Xác nhận dương tính Với COVID - 19 bằng kỹ thuật PCR” mà chỉ cấp “Giấy xác nhận âm tính với COVID - 19 bằng kỹ thuật PCR”. Trong Giấy xác nhận Dương tính với COVID - 19 bằng kỹ thuật PCR giả mạo này còn thiếu và thừa nhiều thông tin không phù hợp với mẫu “Giấy xác nhận Âm tính với COVID-19 bảng kỹ thuật PCR” của Bệnh viện FV. Hiện tại Bệnh viện chưa có sinh phẩm (bộ kit) xét nghiệm tìm Omicron.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, việc tạo dựng tài liệu giả và lan truyền thông tin giả mạo này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của Thành phố, gây hoang mang cho người dân. Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề nghị người dân cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng chống dịch của Thành phố.

Thực hiện Kế hoạch số 4192 với 8 hoạt động nhằm ứng phó với biến chủng mới Omicron của thành phố Hồ Chí Minh, ngành Y tế đang phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng triển khai đồng bộ 8 hoạt động này. Trong đó, giám sát chặt chẽ, lấy mẫu xét và giải trình tự gen các ca nhiễm COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tính đến nay, thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng mới Omicron.

Người chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 có nguy cơ phải điều trị tích cực

Người chưa tiêm vaccine mắc COVID-19 có nguy cơ phải điều trị tích cực.
(Ảnh minh họa: soyte.hanoi.gov.vn) 

Theo các số liệu của Trung tâm nghiên cứu và kiểm toán hồi sức tích cực Anh (ICNARC), trong giai đoạn từ tháng 5 - 11, tỷ lệ nằm phòng chăm sóc tích cực (ICU) ở những người mắc COVID-19 trong độ tuổi 60 đã tiêm 2 mũi vaccine chỉ là 0,6%/100.000 người/tuần trong khi tỷ lệ này ở những người trong độ tuổi tương tự và chưa tiêm vaccine là 37,3%/100.000 người/tuần, tức là mức độ rủi ro cao khoảng 60 lần so với người đã tiêm vaccine.

Trong khi đó, tỷ lệ nằm điều trị tại phòng ICU/tuần ở người độ tuổi 50 và 70 mà chưa tiêm phòng cao gấp 30 lần so với những người cùng lứa tuổi nhưng đã tiêm phòng.

Tỷ lệ này giảm xuống ở nhóm tuổi trẻ hơn, song những người ở độ tuổi 30 và 40 chưa tiêm phòng có nguy cơ phải chăm sóc tích cực cao gấp 10 - 15 lần so với người đã tiêm phòng.

Hàn Quốc hối thúc Triều Tiên đối thoại và hợp tác liên Triều

 Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young. (Ảnh: Yonhap)

Ngày 27/12, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên khởi động Năm mới 2022 bằng việc mở ra triển vọng đối thoại và hợp tác trong bối cảnh Bình Nhưỡng chuẩn bị triệu tập một cuộc họp quan trọng trong tuần này để thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước.

Theo người phát ngôn của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Jong-joo, chính quyền Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ sự kiện trên vì có thể Triều Tiên sẽ đưa ra những thông điệp về mối quan hệ liên Triều hoặc về các cuộc đàm phán liên quan đến vấn đề hạt nhân. Bà nêu rõ Hàn Quốc hy vọng Triều Tiên sẽ khởi đầu Năm mới bằng việc để ngỏ khả năng đối thoại với cộng đồng quốc tế và tiến thêm một bước trong quá trình hướng tới gắn kết và hợp tác.

Trước đó, Triều Tiên đã thông báo việc đảng Lao động của nước này sẽ tổ chức một phiên họp toàn thể của Ban chấp hành trung ương đảng vào ngày 28/12, thảo luận và quyết định các kế hoạch làm việc cho Năm mới 2022 với sự tham dự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Triều Tiên và Mỹ về vấn đề hạt nhân vẫn đang bị đình trệ kể từ khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước tại Hà Nội hồi năm 2019./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực