Xét xử Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm “Báo Sạch”

Thứ ba, 26/10/2021 20:55
(ĐCSVN) - Xét xử Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm “Báo Sạch”; Từ tháng 11/2021 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc; Thái Lan xác nhận chưa phát hiện biến thể phụ AY.4.2; Trung - Mỹ nhất trí hợp tác để phục hồi kinh tế thế giới,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 26/10.

Xét xử Trương Châu Hữu Danh và các thành viên nhóm “Báo Sạch”

leftcenterrightdel
Bị cáo Trương Châu Hữu Danh (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

Ngày 26/10, Tòa án nhân dân huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” được quy định tại khoản 2, Điều 331- Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với Trương Châu Hữu Danh và các thành viên trong nhóm “Báo Sạch”.

Phiên tòa có 5 bị cáo gồm: Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, trú tại thành phố Tân An, tỉnh Long An), Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, trú tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, trú tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, trú tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội). Riêng bị cáo Lê Thế Thắng đang được tại ngoại và có đơn xin được xét xử vắng mặt.

Theo cáo trạng, khoảng tháng 8/2019, Danh cùng với các bị cáo nêu trên và Nguyễn Dân, Ngô Thị Oanh Phương tạo Fanpage “Báo Sạch”, nhóm “Làm Báo Sạch” và kênh YouTube “BS Channel”. Nhóm có các bài viết đầu tiên về Công ty ASANZO. Tuy nhiên, các bài viết này gây mâu thuẫn trong nhóm nên ngày 18/9/2019, Nguyễn Dân và Ngô Thị Oanh Phương rời nhóm “Báo Sạch”. Năm thành viên còn lại, trong đó Nguyễn Phước Trung Bảo, Trương Châu Hữu Danh giữ vai trò quản trị viên, Nguyễn Thanh Nhã, Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng giữ vai trò biên tập viên.

Tháng 3/2020, Danh đến gặp một số người dân ở ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai (thành phố Cần Thơ) bị ảnh hưởng bởi Dự án Khu đô thị mới Thới Lai do Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng CADIF làm chủ đầu tư. Tại đây, Danh xưng là nhà báo đến thu thập thông tin viết bài để bảo vệ quyền lợi của người dân. Lợi dụng thời điểm một số người dân đang bức xúc do bị ảnh hưởng bởi dự án, Danh đã viết 32 bài và thực hiện 29 video clip đăng công khai trên trang Facebook “Trương Châu Hữu Danh” và Fanpage “Trương Châu Hữu Danh”.

Theo kết luận giám định của cơ quan chức năng thành phố Cần Thơ, các bài viết và clip do Danh thực hiện có tư tưởng phản động, đi sâu khai thác những thông tin có nội dung không phù hợp với lợi ích đất nước, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân. Tổng cộng có 47 bài viết được đăng trên trang Fanpage “Báo Sạch” của nhóm “Làm Báo Sạch”, trong đó Nguyễn Phước Trung Bảo viết, đăng 17 bài; Trương Châu Hữu Danh viết, đăng 7 bài; Nguyễn Thanh Nhã viết, đăng 5 bài; Đoàn Kiên Giang viết, đăng 14 bài; Lê Thế Thắng viết, đăng 1 bài.

Sau khi Danh bị bắt vào cuối năm 2020, Bảo, Giang, Nhã và Thắng đều rời khỏi nhóm. Thắng đã xóa Fanpage “Báo Sạch”, kênh YouTube “BS Channel” và tự thoát khỏi nhóm “Làm Báo Sạch”.

Theo cơ quan tố tụng, trong quá trình thống nhất cùng nhau thành lập Fanpage “Báo Sạch” và nhóm “Làm Báo Sạch”, nhóm của Danh đã nhận hợp đồng làm truyền thông quảng cáo cho doanh nghiệp để đăng các bài viết, thu lợi hơn 2,8 tỷ đồng. Số tiền này được chia lợi ích tùy theo công sức từng người đóng góp, Danh hưởng lợi 300 triệu đồng, Bảo 410 triệu đồng, Giang 250 triệu đồng, Nhã 245 triệu đồng và Thắng 260 triệu đồng. Riêng bị can Bảo còn giữ riêng 500 triệu đồng có được từ hợp đồng làm truyền thông cho một doanh nghiệp nhưng chưa chia cho các thành viên trong nhóm.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thới Lai cáo buộc các bị can đã lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để viết, đăng bài, video clip, sử dụng thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật, tiêu cực, một chiều để đăng tải, phát tán công khai lên mạng xã hội Facebook, kênh YouTube; hướng dư luận theo ý thức chủ quan, làm cho người đọc hiểu nhầm, hiểu sai sự thật, tạo điều kiện cho các phần tử lợi dụng tham gia bình luận tiêu cực, kích động, lôi kéo một bộ phận nhân dân có nhận thức lệch lạc tham gia chống phá đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Việc làm của các bị can làm ảnh hưởng đến vai trò quản lý đất nước, quản lý nhà nước tại các địa phương, gây hoang mang, nghi ngờ, làm mất lòng tin trong nhân dân đối với Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc quản lý các mặt đời sống xã hội.

Từ tháng 11/2021 sẽ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên toàn quốc

 Nhân viên y tế làm công tác tiêm chủng. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 26/10, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được triển khai toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất. Đây là loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Vaccine này đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các đơn vị liên quan của Bộ và các địa phương chuẩn bị triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em theo độ tuổi đã hướng dẫn trong văn bản 8688 ngày 14/10/2021 của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả.

Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế. Việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Đối với trẻ em ở độ tuổi nhỏ hơn, Bộ Y tế đã lên kế hoạch triển khai tiêm chủng trong năm 2022 trên cơ sở khoa học và cập nhật các loại vaccine cho trẻ em.

Thái Lan xác nhận chưa phát hiện biến thể phụ AY.4.2

 Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cục trưởng Cục Khoa học Y tế Thái Lan Supakit Sirilak ngày 26/10 khẳng định biến thể phụ AY.4.2, hay còn gọi là Delta Plus, của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn chưa được phát hiện ở Thái Lan.

Truyền thông sở tại dẫn lời ông Supakit nói tại Bộ Y tế rằng Thái Lan lo ngại biến thể phụ nói trên vì tốc độ lây truyền nhanh hơn 10-15% so với biến thể Delta thông thường. Tuy nhiên, cho đến nay, biến thể phụ AY.4.2 vẫn chưa được phát hiện ở Thái Lan.

Tiến sĩ Supakit cho biết Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan (Afrims) ghi nhận rằng trung tâm của viện ở tỉnh Kamphaeng Phet vào tháng 9 đã xác nhận rằng một người đàn ông từ tỉnh Ayutthaya đã bị nhiễm biến thể phụ AY.1 của Delta, và biến thể phụ đó không được chứng minh là nghiêm trọng hơn so với các biến thể phụ Delta thông thường. Hiện, bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện tại bệnh viện dã chiến ở Kamphaeng Phet.

Theo Tiến sĩ Supakit, 18 biến thể phụ của biến thể Delta đã được phát hiện ở Thái Lan và biến thể phụ AY.30 đã được tìm thấy trong hơn 1.000 ca nhiễm.

Trước đó, Giám đốc Bộ phận Kiểm soát dịch bệnh và Chất gây nguy hiểm cho sức khỏe, ông Chawetsan Namwat, cho biết biến thể phụ AY.4.2 được phát hiện ở một người đàn ông 49 tuổi, làm việc tại khu vực Bang Sai của tỉnh Ayutthaya vào tháng trước. Các mẫu bệnh phẩm đã được gửi đến Viện Nghiên cứu Y khoa của Các lực lượng vũ trang Thái Lan để giải trình tự gene.

Giới chuyên gia quan ngại biến thể phụ này có thể dễ lây lan hơn so với biến thể Delta. Biến thể phụ AY.4.2 hiện đang lây lan ở Anh và nhiều nước châu Âu. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy AY.4.2 có thể tránh được kháng thể.

Trung - Mỹ nhất trí hợp tác để phục hồi kinh tế thế giới

 Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 7/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 26/10, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, kiêm Trưởng đoàn đàm phán của Trung Quốc tham gia Đối thoại kinh tế toàn diện Trung-Mỹ, đã trao đổi trực tuyến với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như hợp tác song phương và đa phương.

Theo Tân Hoa xã, hai bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn, thiết thực và mang tính xây dựng. Hai bên nhất trí phục hồi kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn then chốt, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác giữa hai nước về chính sách kinh tế vĩ mô.

Tại cuộc đối thoại, Bắc Kinh đã bày tỏ quan ngại về chính sách thuế quan của Mỹ cũng như việc đối xử công bằng với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Bộ trưởng Tài chính nước này Yellen đã nêu "thẳng thắn các vấn đề quan ngại". Tuy nhiên, Bộ trên không nêu cụ thể các mối quan ngại. Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, hai bên đã thảo luận kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính tại Mỹ và Trung Quốc. Hai bên cho rằng những tiến triển đạt được tại hai nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Hai bên cũng nhất trí duy trì liên lạc.

Quan hệ Mỹ-Trung gần như không có bước tiến đáng kể nào trong gần một năm qua. Về kinh tế - thương mại, Mỹ vẫn duy trì chính sách cứng rắn được dựng lên từ thời ông Donald Trump. Hôm 4/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai khẳng định Washington vẫn giữ nguyên trừng phạt thuế để ép Bắc Kinh thực thi cam kết mua hàng theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1,…/.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực