Bốn lý do đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm

Thứ hai, 13/09/2021 14:40
(ĐCSVN) – Trình bày Tờ trình dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành Luật là cần thiết, với 04 lý do.

Sáng 13/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Một số quy định hiện hành chưa theo kịp với quốc tế 

Trình bày Tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) là cần thiết, với 04 lý do.

Trước hết, ngày 3 tháng 6 năm 2017, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ra Nghị quyết số 11-NQ/TW về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó: “Phát triển cân bằng, đồng bộ thị trường tài chính...Phát triển thị trường bảo hiểm, thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, thẩm định giá...”

Bên cạnh đó, ngày 15 tháng 01 năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Trong đó, đã nêu nhiệm vụ “Hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm”.

Tiếp đó, ngày 28 tháng 2 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/2019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” xác định “sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành theo hướng quản lý, giám sát trên cơ sở rủi ro; xây dựng các tiêu chí giám sát nhằm đẩy mạnh công tác hậu kiểm thông qua thanh tra, kiểm tra”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình. (Ảnh: QH)

Lý do cuối cùng, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ... 

“Một số quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro” – Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã bám vào mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung và quy định mới bao gồm: đối tượng áp dụng mở rộng so với luật cũ là tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan; nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm sửa đổi để phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, tập quán quốc tế và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia (EVFTA, CPTPP); các loại hình bảo hiểm thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm bắt buộc, giới hạn lại để phản ánh đúng bản chất của loại hình bảo hiểm này. 

Tạo “cú hích” để thị trường bảo hiểm phát triển mạnh hơn?

Thảo luận phiên họp, các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.

Cho ý kiến về dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự luật đã được Bộ Tài chính soạn thảo sớm, các cơ quan của Quốc hội cũng vào cuộc từ rất sớm; hồ sơ đầy đủ, dự án luật công phu.

Đánh giá thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh nhưng thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng thế giới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “sau khi ban hành luật sửa đổi này có tạo ra một cú hích để thị trường phát triển mạnh hơn không là điều rất quan trọng". Do đó, đề nghị ngoài những nội dung mà Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra, cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của cơ quan Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời cũng phải tổng kết thực tiễn và áp dụng các khuyến nghị quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự án luật. 

Liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội nhận xét còn rất chung chung khi dự luật quy định: Nhà nước có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hợp tác quốc tế trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Nhà nước có chính sách quản lý, giám sát bảo đảm hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả; Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

Chủ tịch Quốc hội nêu băn khoăn: “6 chính sách nêu ở Điều 5 còn mang tính khẩu hiệu nhiều lắm, ban hành xong thì 6 nội dung này vẫn nằm trên luật, chứ không vào tỉnh, thành, bộ, ngành nào đâu”.

Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ lại hợp đồng dân sự. Chủ tịch Quốc hội nói: “Lần góp ý trước, chúng tôi cảm giác hợp đồng bảo hiểm này mới nặng về bảo vệ lợi ích, rủi ro cho doanh nghiệp bảo hiểm, còn người thụ hưởng, người đi mua chưa được chú trọng đúng mức”. Đồng thời đề nghị, trong hợp đồng bảo hiểm một mặt cần xem xét tính tương thích của hợp đồng dân sự, mặt khác phải tính toán cân bằng lợi ích giữa các bên.

Về sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan, Uỷ ban Kinh tế - cơ quan thẩm tra dự luật và nhiều ý kiến cho rằng, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Luật này sau khi được thông qua, một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực