Cần có chế tài kinh tế khi làm lây nhiễm COVID-19

Thứ ba, 01/06/2021 16:14
(ĐCSVN) - Các cơ quan pháp luật nên nghiên cứu việc buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của người làm lây nhiễm COVID-19 bằng những chế tài kinh tế cụ thể, trong đó, tính tới việc buộc người vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho những người bị lây nhiễm bằng số tiền chi trả khi phải đi cách ly, chi phí y tế, sinh hoạt, chi phí thu nhập bị mất của những người bị lây nhiễm.

Theo ông Takeshi Kasai, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, bên cạnh sự lãnh đạo kịp thời, hiệu quả của Chính phủ thì thành công còn đến từ sự đóng góp và ý thức của người dân.

“Đằng sau sự thành công của Việt Nam là sự đóng góp to lớn của người dân. Cuộc sống giữa các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội là không hề dễ dàng, tuy nhiên, người dân Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm của mình”, ông Takeshi Kasai cho biết vào tháng 4/2020.

Tuy nhiên, với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng ở Anh và ở Ấn Độ gây ra, một bộ phận người dân hiện nay đang trong trạng thái chủ quan, lơ là việc phòng, chống dịch. Trong thời gian qua, thế giới đã phải chứng kiến sự gia tăng đáng kể của các ca mắc mới, tử vong do dịch COVID-19 đặc biệt là ở Ấn Độ.

Tình hình dịch bệnh Việt Nam đều luôn được kiểm soát tốt hầu như không ghi nhận ca mắc mới trước kì nghỉ lễ 30/4-1/5. Vào kỳ nghỉ lễ, người dân gia tăng đi du lịch vì có kỳ nghỉ dài, không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh, khai báo y tế. Do đó, sau kỳ nghỉ lễ này chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh. Nhiều ví dụ trước và sau kỳ nghỉ lễ vi phạm quy định phòng chống dịch, nhưng có thể nêu những trường hợp điển hình như: BN 1342 nam tiếp viên hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines không tuân thủ quy định cách ly, trong thời gian cách ly vẫn đi học, đi làm gây tổng thiệt hại vật chất ước tính 4,4 tỷ đồng, ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gồm 861 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nơi cư trú, và người này bị phạt 2 năm tù treo.

 4 trong 5 đối tượng vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định xử phạt với tổng số tiền 200 triệu đồng. (Ảnh: Thái Bình)

Mới đây nhất, khoảng 13h30 ngày 21/5, giữa lúc Bắc Giang thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, cấm tụ tập đông người thì 5 người tụ tập ăn nhậu, sau đó cả nhóm rủ nhau sang xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng thăm bạn và bị cán bộ làm việc tại chốt kiểm dịch đầu Bờ Mới, thôn Nội, xã Nội Hoàng chặn lại, yêu cầu trở về nhà. Sẵn hơi men, một người trong nhóm lao vào hành hung một cán bộ tổ công tác, sau đó cả nhóm vượt chốt, đi vào xã Nội Hoàng. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương ký quyết định xử phạt 5 người, mỗi người 40 triệu đồng,  Công an huyện Yên Dũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 1 bị can về tội chống người thi hành công vụ, đồng thời ra lệnh bắt tạm giam các bị can.

Hay như ở Hà Nội, chỉ trong vòng 10 ngày đã xử phạt hơn 3 tỷ đồng với những người không đeo khẩu trang, điều này cho thấy việc chấp hành quy định của pháp luật còn chưa cao, một số người thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm do không lường hết được hậu quả do dịch bệnh.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Anh Tuấn, Giám đốc Công ty luật Trường Sơn, cho biết, Nhà nước đã áp dụng những biện pháp răn đe bao gồm xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự đối với những người không thực hiện các quy định phòng dịch, được nêu cụ thể trong Điều 5 đến Điều 14 của Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Thậm chí, nếu vi phạm nghiêm trọng thì bị truy tố, xét xử theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, ngoài hình phạt bổ sung, thì hình phạt chính có mức cao nhất lên đến 12 năm tù.

Hiện nay, dịch bệnh ở trong nước, khu vực và thế giới còn tương đối phức tạp, được dự báo là cuộc chiến đấu lâu dài, thậm chí phải sống chung. Việc chấp hành các quy định về phòng, chống COVID-19 là bảo vệ cho bản thân mình, cho người thân và cho cộng đồng, xã hội. Nếu đi ngược lại thì sẽ phải nhận những hình thức xử phạt thích đáng. Đây là trách nhiệm của từng người, không loại trừ ai.

"Các cơ quan pháp luật nên nghiên cứu việc buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm của người làm lây nhiễm COVID-19  bằng những chế tài kinh tế cụ thể, trong đó, tính tới việc buộc người vi phạm phải bồi thường thiệt hại cho những người bị lây nhiễm bằng số tiền chi trả khi phải đi cách ly, chi phí y tế, sinh hoạt, chi phí thu nhập bị mất của những người bị lây nhiễm", Luật sư Trương Anh Tuấn nhấn mạnh.

Có như vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam mới đạt được hiệu quả triệt để và toàn diện, góp phần quan trọng trong thực hiện “mục tiêu kép” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực