Cần truyền thông cho cuộc chiến chống dịch và phục hồi kinh tế

Thứ ba, 09/11/2021 17:46
(ĐCSVN) – Nhiều đại biểu đề nghị xây dựng chiến lược truyền thông cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài và phục hồi kinh tế; cần đưa ra lộ trình mở cửa các hoạt động kinh tế nhất quán với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID – 19.
Đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều 9/11. Ảnh: Quang Khánh

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 9/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội và phòng, chống dịch COVID-19, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh, lộ trình mở cửa kinh tế bên trong và bên ngoài chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp; Nhà nước cần tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế.

Với diễn biến phức tạp của dịch COVID -19 hiện nay, việc quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 không thể tách rời với các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là lộ trình mở cửa nền kinh tế và quy mô, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, các gói an sinh xã hội.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị, trước mắt, từ nay đến hết năm 2021, cần triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt trên phạm vi cả nước; xử lý triệt để những điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng quốc gia, mạng lưới logistics; tạo thuận lợi tốt nhất để doanh nghiệp tự phục hồi, người dân tìm lại sinh kế.

“Cần đưa ra lộ trình mở cửa các hoạt động kinh tế nhất quán với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID - 19. Lộ trình mở cửa kinh tế bên trong và bên ngoài chính là kim chỉ nam cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị cần phát huy sự điều chỉnh tự nhiên của thị trường thông qua việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục hành chính do sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu nhất quán giữa các quy định liên quan đến việc triển khai các dự án đầu tư công, nhất là đầu tư tư nhân.

“Chúng ta cần những gói hỗ trợ tài chính, tín dụng cho những doanh nghiệp, các hợp tác xã, những hộ sản xuất kinh doanh đang khó khăn về tài chính, nhưng giải pháp căn cơ để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, giúp doanh nghiệp phục hồi và tái cơ cấu vẫn phải là: cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khai thông mọi điểm nghẽn về thủ tục hành chính”, đại biểu đề xuất.

Về việc xem xét tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP như Chính phủ trình trong kế hoạch 2022, theo đại biểu Sơn: Kinh nghiệm giai đoạn 2011-2015 cho thấy, để phục hồi kinh tế sau khủng khoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, chúng ta đã sử dụng công cụ đầu tư công để kích thích tổng cầu bằng cách tăng bội chi ngân sách thông qua phát hành trái phiếu tài trợ.

Do đó, đại biểu đề nghị cần sử dụng đầu tư công như công cụ kích thích tổng cầu, làm “vốn mồi” để thu hút đầu tư xã hội; rà soát lại danh mục đầu tư công trung hạn theo hướng ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối mạng lưới logistics và liên kết vùng, xây dựng hạ tầng số và tăng vốn đối ứng để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Đại biểu cũng cho biết: Dịch COVID-19 tuy gây ra những hậu quả nặng nề, nhưng thực tiễn cũng chỉ cho chúng ta những cơ hội để không chỉ phục hồi kinh tế, mà hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Do đó, cần có chính sách và giải pháp tạo động lực đủ mạnh cho doanh nghiệp tái cơ cấu và chuyển đổi số, tận dụng những ưu đãi của các hiệp định FTA song phương và đa phương, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế trong quan hệ kinh tế toàn cầu, tạo mối quan hệ gắn kết giữa khu vực kinh tế trong nước và đầu tư nước ngoài.

Đại biểu đề nghị, Chính phủ sớm xây dựng và trình quốc hội ban hành Chương trình quốc gia trung hạn phục hồi kinh tế trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm khắc phục những tổn thất về kinh tế trong 2 năm 2020 - 2021 và tạo tiền đề cho phát triển bền vững trong các năm sau; gắn nội dung của chương trình này với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Về công tác phòng, chống dịch, đại biểu Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) phân tích: Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội nêu một trong số 12 kiến nghị đó là đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thông tin xấu, độc thường xuyên cập nhật, nâng cấp phần mềm quản lý thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 nhưng thực tế như app phòng dịch vẫn mỗi nơi làm một kiểu. Các địa phương đến thời điểm này thì vẫn chưa thể thống nhất bằng một phần mềm với nhau, sẽ rất khó để thực hiện được kiến nghị này.

“Nếu truyền thông không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương thì khó để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh”, đại biểu cho biết.

Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, đưa tin thống nhất, chính xác, tránh sai sót, đảm bảo cung cấp thông tin theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Đặng Xuân Phương (Nghệ An) cơ bản tán thành với nhận định của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong năm 2021 cùng việc ghi nhận những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân và các lực lượng chủ động tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19 để có thể đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới và phục hồi kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đồng tình với ý kiến của một số đại biểu, đó là cần có thêm những đánh giá thực sự xác đáng, đúng tầm về sự phát huy tác dụng của thông tin và truyền thông, một lĩnh vực đã trở thành yêu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, là liều thuốc tinh thần bảo đảm sức chống chịu lâu dài của nhân dân đi qua đại dịch.

Theo đó, đại biểu đề xuất Chính phủ cần có một chiến lược truyền thông đúng nghĩa cho cuộc chiến chống dịch bệnh lâu dài cũng như cho phục hồi kinh tế./.

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực