Cảnh báo hiểm họa từ việc bẫy chuột bằng điện

Chủ nhật, 02/08/2020 17:36
(ĐCSVN) - Do bị chuột phá hoại diện tích lúa Hè thu mới gieo cấy, hiện nay, nông dân ở nhiều địa phương dùng bẫy điện để diệt chuột. Việc làm này đang tiềm ẩn nguy hiểm cao độ, uy hiếp đến sự an toàn tính mạng của con người.
 Hiện trường nơi xảy ra vụ bẫy chuột bằng điện gây chết người ở Thái Bình. Ảnh: Bình Vân

Ngày 12/7, quần chúng nhân dân phát hiện ông Bùi Văn Sơn (SN 1959) trú tại thôn Đông Kỷ, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) tử vong tại ruộng lúa của gia đình ở cánh đồng Xìa thuộc thôn Đồng Kỷ.

Tiến hành khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định, do khu vườn của ông Sơn thường xuyên bị chuột đến phá, ông đã tự kéo điện từ cột điện lưới gần khu vực vườn của gia đình để giăng xung quanh vườn và ruộng lúa để diệt chuột. Việc giăng điện do một mình ông Sơn thực hiện. Sáng ngày 12/7, ông Sơn đi ra thăm khu vực ruộng lúa, do bất cẩn nên trượt chân ngã xuống ruộng bị điện giật và tử vong.

Đây tiếp tục là lời cảnh báo đáng lo ngại về tình trạng sử dụng điện bẫy chuột bảo vệ mùa màng gây nguy hiểm chết người mà pháp luật đã nghiêm cấm từ lâu.

Một vụ việc cũng từng xảy ra ở Thái Bình ngày 18/8/2019, khi bà Hoàng Thị Màu, sinh năm 1969 ở thôn Hồng Phong, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng ra đồng bón phân cho lúa bị điện giật tử vong. Nguyên nhân vụ việc được xác định là do ông Nguyễn Huy Thắng, người hàng xóm có thửa ruộng cạnh với gia đình bà Màu dùng dây điện kéo từ nhà ra đồng để giăng lưới diệt chuột. Bà Màu đi ra đồng bón lúa vấp phải dây điện, bị điện giật.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cần làm nghề nông, ở xã Trực Chính, huyện Trực Ninh (Nam Định) cho biết: Để ngăn chặn chuột phá hoại lúa, chúng tôi đã sử dụng nhiều biện pháp, tuy nhiên hiện nay chuột sinh sản mạnh và tăng nhanh số lượng, diệt bằng cách thủ công không xuể, nên bất đắc dĩ phải dùng bẫy điện. Biết việc này nguy hiểm nên tôi phải thường xuyên canh chừng người qua lại.

Còn nông dân Phạm Quang Điện, ở thôn Mậu Chử, xã Thanh Hà, Thanh Liêm (Hà Nam) thì chia sẻ: Lúa mới gieo cấy đang đà đứng cây, chuột vào cắn như ngả rạ. Chúng tôi đã dùng thuốc và các kiểu bẫy, nhưng không hiệu quả. Sau mỗi đêm, chuột cắn diện tích bằng cả chục cái nong nên đành phải dùng bẫy điện giăng bốn bề. Tôi có lắp bóng báo đỏ nguy hiểm và kết hợp trông nom người qua lại, khi nào lúa cứng cây thì thôi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng dùng bẫy điện diệt chuột không chỉ diễn ra ở một vài địa phương đơn lẻ. Dù việc làm này pháp luật đã nghiêm cấm và liên tục được chính quyền địa phương tuyên truyền, cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn làm.

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ, tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục cho các hộ nông dân có biện pháp diệt chuột bảo vệ mùa màng thiết thực, hiệu quả và an toàn. Đồng thời, ngành điện cũng phải tuyên truyền sâu rộng, để người sử dụng điện nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn.

Thời gian qua, một số địa phương đã có nhiều sáng kiến như: Xây dựng, hình thành các tổ, nhóm đánh bắt chuột chuyên nghiệp, an toàn. Trong mỗi mùa vụ thường tổ chức phát động đợt cao điểm diệt chuột đồng loạt bằng biện pháp hóa học, sinh học kết hợp với thủ công, mà không cần dùng tới phương thức bẫy chuột bằng việc giăng điện.

Giăng điện bẫy chuột còn diễn ra khá nhiều ở các địa phương mặc dù việc này pháp luật nghiêm cấm từ lâu. (Chụp tại cánh đồng Mậu Chử, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Ảnh: Kim Chiến 

Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng luật sư Long Tâm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Tại mục 12, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10/6/2002 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao về việc “Giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc, TAND Tối cao hướng dẫn như sau:

Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

Trường hợp người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Như vậy, với các quy định trên, nếu chủ tài sản sử dụng điện trái phép để bảo vệ tài sản (trong đó có việc sử dụng điện để chống trộm, bẫy chuột) bất luận thuộc trường hợp nào mà làm chết người thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội danh và hình phạt phụ thuộc vào ý thức, động cơ của người phạm tội cũng như mức độ hậu quả đã gây ra.

Ngoài ra, hành vi phạm tội sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản, bẫy chuột phá hoại mùa màng mà không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, dù đối tượng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được qui định tại khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra” - Luật sư Lê Lưu Phú cho nói./.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực