Phóng viên (PV): Thưa ông, lâu nay chúng ta nói nhiều đến việc hoạt động của HĐND vẫn còn mang tính hình thức, cơ cấu. Vậy trong việc bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 làm thế nào để bảo đảm cả cơ cấu, thành phần, chất lượng?
ĐB Trần Ngọc Vinh: Hiện nay, theo Luật tổ chức chính quyền địa phương đã tăng thêm quyền lực cho HĐND, tăng cường các đại biểu chuyên trách. Đây là cơ sở pháp lý rất tốt cho HĐND hoạt động. Nhưng muốn HĐND mạnh thì phải chọn đại biểu HĐND theo chất lượng. Cơ cấu là quan trọng nhưng chúng ta phải đặt vấn đề chất lượng đại biểu phải đặt lên hàng đầu. Nếu chúng ta đặt cơ cấu lên hàng đầu thì không đảm bảo được chất lượng. Chất lượng của đại biểu quyết định hoạt động của HĐND các cấp. Nếu chúng ta nặng về cơ cấu mà không chọn được đại biểu mang tính chất lượng thì hoạt động sẽ yếu, mặc dù pháp luật quy định quyền lực là cao, nhưng con người mới là yếu tố quyết định.
Mỗi nhiệm kỳ HĐND đều có những yêu cầu, đặc điểm khác nhau do đó đòi hỏi cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND mỗi nhiệm kỳ cũng phải có sự đổi mới để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ của HĐND do đó ngay từ việc lựa chọn những ứng cử viên vào đại biểu HĐND cần được lựa chọn kỹ càng.
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng Trần Ngọc Vinh. (Ảnh: TH).
PV: Ông đánh giá như thế nào về các tiêu chuẩn lựa chọn đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 được đặt ra tại lần bầu cử này? ĐB Trần Ngọc Vinh: Tôi thấy các tiêu chuẩn đề ra đã sát sườn với tình hình thực tế hiện nay. Theo quy định phải chọn người có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ đại biểu HĐND, không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực, hay như người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. Song, quan trọng là thực sự có chọn được con người như thế không?. Bởi nếu chúng ta cứ nặng về cơ cấu thì chọn cũng rất khó.
Tiêu chuẩn đại biểu HĐND cần được gắn với quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời gắn với kết quả nhân sự đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu đại biểu HĐND các cấp. Chất lượng hoạt động của HĐND phụ thuộc vào việc lựa chọn được những đại biểu đủ tâm, đủ tài. Do đó tiêu chuẩn ứng cử viên đại biểu HĐND là vấn đề quan trọng góp phần quan trọng quyết định chất lượng hoạt động của HĐND. Cử tri luôn mong sẽ lựa chọn được những đại biểu ưu tú có năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trong thời gian tới.
PV: Vậy, cần có giải pháp gì để nâng cao chất lượng đại biểu, đặc biệt đối với những người tái cử HĐND nhiệm kỳ này, thưa ông?
ĐB Trần Ngọc Vinh: Muốn nâng cao chất lượng đại biểu HĐND thì khi đại biểu đang là ứng cử viên thì phải giới thiệu chương trình hành động trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Không được dùng hình thức vận động, mang tiền để vận động cử tri, mua chuộc cử tri. Các hành động đó là phải cấm theo quy định của pháp luật, và giám sát chặt chẽ tại các buổi tiếp xúc. Ngoài ra, cần theo dõi các hoạt động, hành động của các đại biểu HĐND tái cử trong 1-2 năm hoạt động đó, phải có đánh giá của cử tri địa phương đó đối với hoạt động của HĐND.
PV: Có ý kiến cho rằng, muốn HĐND mạnh thì chọn người đứng đầu HĐND cũng phải là người có đủ tâm, đủ tài, có cơ cấu tại địa phương đó, nếu không HĐND sẽ khó mà thực hiện nhiệm vụ tốt được. Quan điểm của ông về vấn đề này?
ĐB Trần Ngọc Vinh: Khi chọn đại biểu HĐND thì người đứng đầu chính quyền địa phương đó phải quan tâm. Trước đây, chỉ có một số sở, ban, ngành, còn bây giờ phải tất cả Giám đốc các sở. Vì họ là những công bộc phục vụ nhân dân, đã là phục vụ thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chất vấn tại HĐND, và bỏ phiếu tín nhiệm tại HĐND.
Do vậy, trong cơ cấu thành phần HĐND cần phải chọn kể cả những người đứng đầu các cơ quan, sở, ban, ngành. Bởi nếu chúng ta chọn trưởng cơ quan, sở ngành ấy vào HĐND thì họ phải chịu trách nhiệm trước các vấn đề mà mình phụ trách tại địa phương. Tôi cho rằng trong nhiệm kỳ này, chúng ta phải tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các trưởng sở, ban, ngành. Việc lấy phiếu để đánh giá lại trong một nhiệm kỳ, hay giữa một nhiệm kỳ. Số phiếu mà dưới 50% thì phải xem xét, điều chuyển.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!