Cố gắng vượt bậc trong phát triển thêm hàng triệu ha rừng

Thứ ba, 03/11/2020 15:20
(ĐCSVN) - Giải trình ý kiến đại biểu về vấn đề giữ rừng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến nay, tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 3/11, giải trình ý kiến một số đại biểu Quốc hội đặt ra liên quan đến phát triển nông nghiệp sạch, bảo vệ rừng, phòng chống hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết nền nông nghiệp của chúng ta đang vận hành theo hướng tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Năm 2016, Quốc hội chất vấn 2 vấn đề lớn: một là, đầu vào của phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Chúng ta biết là, năm 2016, nền nông nghiệp cần khoảng trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó chủ yếu là phân vô cơ. Sau kết quả giám sát của Quốc hội, chúng ta đã tăng tỷ lệ phân bón hữu cơ lên gần 4 triệu tấn. Đây là một xu hướng rất tích cực. Trong giai đoạn tới chúng ta có 243 nghìn ha đất canh tác ở 45 tỉnh sản xuất theo hướng hữu cơ. Năm 2019, chúng ta xuất khẩu tới 235 triệu USD nông sản hữu cơ, thể hiện quyết tâm chính trị của chúng ta.

 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội trường sáng 3/11.
(Ảnh: ĐT)

Hai là, về thuốc bảo vệ thực vật, những năm trước đây, một năm chúng ta nhập 120 nghìn tấn thuốc hóa học về bảo vệ thực vật. Đến năm 2019, chúng ta chỉ còn nhập 75 nghìn tấn, trong đó hướng đến 20% là thuốc sinh học. Điều này biểu hiện quyết tâm chính trị của chúng ta. Chúng ta đã giảm số danh mục và số thuốc thương phẩm. Trong 75 nghìn tấn thuốc nhập về, có một phần năm ngoái đã tái xuất bằng các sản phẩm chế biến giá trị 125 triệu USD.

“Như vậy, chúng ta đã cố gắng tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này, kể cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tới đây, chúng ta cần tiếp tục hoàn chỉnh hơn kể cả về thể chế, chế tài đầy đủ hơn, hướng dẫn tốt hơn để vận hành nền nông nghiệp hướng phát triển bền vững, dinh dưỡng cao và sạch”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Về bảo vệ rừng, Bộ trưởng cho biết, đến nay, tổng diện tích rừng của nước ta là 14,6 triệu ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là một sự cố gắng vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Vì năm 1990, Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng. Lúc đó hệ số che phủ rừng chỉ chiếm 27%; mà trong vòng 30 năm, một đất nước với GDP còn thấp như vậy, chúng ta quyết tâm xây dựng một nền kinh tế bền vững, phát triển rừng để bảo vệ môi trường. Do đó, đến hôm nay chúng ta có 14,6 triệu ha rừng. Hệ số che phủ rừng gần 42%, thế giới bình quân gần 29%.

Về nguyên liệu, trong 4,3 triệu ha rừng trồng, chúng ta đã sản xuất ra 30 triệu m3 nguyên liệu để xây dựng một ngành kinh tế công nghiệp về lâm nghiệp, 4.600 doanh nghiệp chế biến. Năm nay, chúng ta có thể xuất khẩu tới 13 tỷ USD lâm sản. Đây là một cố gắng ở vùng nguyên liệu.

Về rừng tự nhiên, Đảng, Quốc hội, Chính phủ luôn có chính sách để bà con chăn nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên với chế độ ngày càng tăng lên. Trước đây chúng ta có chế độ khoán chăn nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên 50.000 đồng/ha, bây giờ lên 520.000 đồng/ha nhưng Quốc hội yêu cầu thời gian tới phải nâng lên 1 triệu/ha thì mới bảo đảm từng bước cho chất lượng khu vực 10,3 triệu ha khoanh nuôi bảo vệ rừng tự nhiên phát triển. Cùng với đó, bằng chính sách chi trả môi trường rừng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cường cũng thừa nhận, mặt trái của vấn đề là, trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như trước bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nước Mỹ đã rải 77 triệu lít chất độc hóa học, hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, Bộ trưởng Cường khẳng định, đây là một thách thức. Chính phủ, Quốc hội đã có Nghị quyết 20. Chúng ta từ chỗ phát triển theo hướng khai thác nặng về tự nhiên chuyển sang hướng thích ứng, thuận thiên. Do đó, 1,8 triệu ha đất lúa 4 năm vừa qua đã chuyển 400.000 ha đất sang cơ cấu thủy sản. Chính vì thế, chúng ta không những không giảm sản lượng xuất khẩu mà còn tăng sản lượng xuất khẩu trong khu vực này. Bây giờ chúng ta phải tái cơ cấu lại từng thời vụ một. Năm vừa rồi hạn mặn như thế nhưng 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng chỉ đạo rất sớm và chúng ta né được một phần hạn mặn, bảo đảm cho vụ đông xuân vừa rồi đạt kết quả rất cao. Tuy nhiên, vụ vừa rồi còn diện tích khoảng 7.000 ha ở ven biển do mưa nhiều nên bị mất mùa ngay khi thóc nảy mầm trên ruộng. “Do đó, chúng ta phải từng bước một mặt tái cơ cấu theo hướng thích ứng, căn cứ theo thị trường, nguồn nước để bố trí lại cơ cấu sản xuất”, ông nói.

Xây dựng chiến lược giảm hậu quả bão lũ

 Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang). (Ảnh: TL)

Đăng ký tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nói thực tế cho thấy rừng tự nhiên ngày càng bị xâm hại. Bão lụt ngày càng nặng nề hơn.

"Trở về từ miền Trung tuần qua, tôi càng thấu hiểu tình cảm của cả nước với khúc ruột yêu thương này. Nhưng thảm họa có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên mảnh đất hình chữ S, nếu chúng ta không thay đổi", đại biểu Hiếu bày tỏ quan điểm.

Vì vậy, ông đề nghị phải thay đổi cách làm và nhận thấy những sai lầm trong quá khứ. Vì thay đổi trên văn bản chỉ đạo, nghị quyết đã làm rồi, nhưng thay đổi tư duy thì không dễ. Đơn cử nhiều người vẫn quan niệm gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp; cầu thang trong nhà làm bằng gỗ lim, hay sến, táu...

Tin tưởng với truyền thống nhân ái, Việt Nam có nhiều người đầy lòng trắc ẩn như vợ chồng Công Vinh và Thủy Tiên, nhưng ông Hiếu lo ngại bão lụt sẽ còn xảy ra. Việt Nam không thể dùng lòng tốt khắc phục hậu quả từ năm nay sang năm khác, mà cần phải có chiến lược lâu dài giảm hậu quả nặng nề của bão lụt.

"Chiến lược đó phải được bàn bạc ở cấp quốc gia với sự tham gia của chuyên gia nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế họ xây các đập thủy điện mới hoặc vận hành các đập thủy điện đã có. Hoặc những vấn đề cụ thể như cập nhật bản đồ sạt lở ở các địa phương, xây nhà chống lũ; đầu tư hệ thống cảnh bão lũ sớm, trang thiết bị cứu hộ, xây khu tập trung người dân khi có bão lũ.

"Có vậy thì người dân, nhất là người nghèo, yếu thế và lực lượng công an, quân đội tránh được tổn thất, hi sinh vô cùng đau xót", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ./.b

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực