Đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chặt chẽ, công khai

Thứ sáu, 06/01/2023 20:01
(ĐCSVN) – Đây là vấn đề được đặt ra tại phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 6/1.

Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động ĐGTS, góp phần giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công. Hoạt động ĐGTS từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động ĐGTS từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát sinh một số vấn đề mới chưa được Luật ĐGTS điều chỉnh; một số quy định của Luật đã bộc lộ hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với một số loại tài sản có tính chất đặc thù.

Luật sửa đổi sẽ tập trung giải quyết 3 nhóm chính sách lớn bao gồm: Hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, điều kiện đấu giá viên để phát triển hợp lý số lượng và nâng cao một bước chất lượng đội ngũ đấu giá viên; Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản, cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản trong hoạt động hành nghề; Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản để phù hợp thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, thống nhất; tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động ĐGTS, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với hoạt động ĐGTS, hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi  phát biểu kết luận Phiên họp. Ảnh: TH.

Phát biểu tại Phiên họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái cơ bản đồng tình với 3 nhóm chính sách, song ông Thái cho rằng cần làm nổi bật hơn nữa sự đặc thù về giá, trình tự bán đấu giá với từng loại tài sản. Về thủ tục, cần phân định rõ giữa bán đấu giá tài sản tự nguyện với tài sản đặc thù, từ đó sẽ kéo theo các quy định về hậu quả pháp lý, xử lý tài sản khi bán đấu giá xong.

Liên quan đến hình thức đấu giá trực tuyến, đại diện Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt cho rằng cần kiểm soát chặt chẽ hình thức đấu giá trực tuyến theo hướng có sự kiểm tra chéo để đảm bảo thực sự hiệu quả, minh bạch. Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng cần làm rõ hơn hoạt động của các tổ chức ĐGTS theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục cấp Chứng chỉ hành nghề để trở thành đấu giá viên; quy định trách nhiệm tham gia đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện các chính sách để đảm bảo tính logic và sự phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo Thứ trưởng Mai Lương Khôi, ĐGTS là hoạt động có phạm vi rộng, liên quan tới nhiều ngành khác nhau do vậy trước mắt, cần sửa đổi ngay những vấn đề bất cập trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới. Về lâu dài, cần nghiên cứu các mô hình đấu giá của quốc tế, chọn lọc, áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam để đưa công tác này ngày càng đi vào thực chất…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực