Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang). Ảnh: PT
PV: Thưa ông, hiện nay có 2 phương án về cấp chứng chỉ hành nghề dược. Quan điểm của ông thế nào? Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Để hội nhập với thế giới và quản lý tốt đội ngũ cán bộ chuyên môn liên quan đến sức khỏe con người thì chúng ta phải cấp chứng chỉ 5 năm 1 lần. Tuy nhiên thủ tục hành chính của ta còn quá nặng nề, chúng ta cải cách mãi mà chưa được. Quan điểm của tôi, trước mắt nên cấp 1 lần nhưng quy định: những đối tượng nào có nhu cầu đi làm việc tại các nước ASEAN và quốc tế thì phải thi đầu vào để được cấp chứng chỉ 5 năm một lần.
Hiện chúng ta hòa nhập ASEAN, nhưng khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội kiểm tra lại thì chưa nước nào công nhận chứng chỉ hành nghề dược của nước ta. Bởi tất cả các nước phải thi để được cấp chứng chỉ, còn riêng nước ta tự cấp chứng chỉ. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu của quốc tế để tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu đi làm việc tại các nước ASEAN và quốc tế thì tham gia. Chính phủ cũng cần quy định kể cả việc thi chứng chỉ hành nghề dược đầu vào phải 5 năm 1 lần để cập nhật kiến thức.
Các bác sĩ, cán bộ y tế của Việt Nam muốn sang ASEAN làm việc thì phải theo thông lệ quốc tế, phải được các nước này công nhận.
Nếu lần này Quốc hội mạnh dạn thông qua thì tôi cho rằng, chứng chỉ hành nghề dược cần cấp 5 năm 1 lần. Nhưng việc cấp chứng chỉ phải qua cơ chế mạng, không được trực tiếp giữa cán bộ và người xin cấp. Làm như vậy sẽ hạn chế được tiêu cực, giảm thủ tục hành chính.
Tôi nghĩ là giải pháp đó sẽ đảm bảo chất lượng và giảm thủ tục hành chính. Còn nếu vì thủ tục hành chính mà bỏ các biện pháp quản lý chuyên môn thì sẽ làm giảm chất lượng.
Trong luật này chúng ta cải cách thủ tục hành chính bằng cách nhập chung giấy công nhận thực hành tốt và giấy điều kiện kinh doanh. Trong đó, giấy điều kiện kinh doanh là thủ tục hành chính thì chỉ cấp 1 lần.
Bên cạnh đó, kiểm tra giấy thực hành tốt 3 năm 1 lần. Nếu mà không có giấy thực hành tốt thì giấy điều kiện kinh doanh cũng sẽ không có tác dụng. Đấy là cách cải cách thủ tục hành chính nhưng các quy định chuyên môn phải giữ mới nâng cao chất lượng.
Nếu chỉ cải cách thủ tục hành chính mà bỏ hết các nguyên tắc quản lý chuyên môn thì sẽ ra một đống nhân sự tạp nham, thì chết dân.
PV: Luật Dược (sửa đổi) lần này có quản lý được chất lượng thực phẩm chức năng đang trôi nổi trên thị trường hiện nay khiến dư luận đang bức xúc không, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Luât Dược (sửa đổi) lần này chỉ cấm những nội dung phòng bệnh, chữa bệnh trong quảng cáo tiếp thị của những sản phẩm không phải thuốc, không hàm ý riêng thực phẩm chức năng mà gồm nhiều thứ khác.
Vì đây là Luật dược nên trong phạm vi điều chỉnh không thể lấn sân sang thực phẩm chức năng. Muốn quy định đầy đủ thì cần có Luật riêng là Luật Thực phẩm chức năng. Vấn đề này hiện nay đã có một phần trong Luật An toàn thực phẩm.
Thực ra chúng ta cũng phải thừa nhận thực phẩm chức năng là phát minh của thế giới, hiện có nhiều người sử dụng, nhưng thực phẩm chức năng đang quảng cáo quá mức. Ở một số nơi có thực phẩm chức năng giả, gắn với bán hàng đa cấp nên giá đội lên khiến người dân bất bình phản ứng.
PV: Luật Dược (sửa đổi) có quản lý cả giá thuốc không, thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Luật Dược chủ yếu tập trung vào chuyên môn, chất lượng thuốc, đăng ký, sáng chế, lưu hành thuốc. Còn giá thuốc thì tuân theo Luật Giá và Luật Đấu thầu. Trong Luật Đấu thầu đã có mục quy định về đấu thầu thuốc mua sắm tài sản công. Đây là biện pháp tốt nhất.
Quy định về đấu thầu có nhiều mục hay nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nhưng có cái đó thì nó sẽ hạn chế được.
Ví dụ Luật Đấu thầu quy định đấu thầu tập trung, Chính phủ cũng đã có Nghị định giao cho các ban, ngành thực hiện nhưng cho đến nay gần 2 năm chưa triển khai được.
Phải đấu thầu tập trung để tránh mỗi nơi một giá. Hiện nay do không đấu thầu tập trung nên có nơi 1 đồng, có nơi 1,5 đồng, nhưng không biết làm thế nào vì các nơi đều làm đúng luật.
Hiện chỉ có cơ chế là Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố giá đấy để cho các cơ sở sang năm đấu thầu thì rút kinh nghiệm, tự phải điều chỉnh.
Trong Luật Dược lần này đang đề nghị Quốc hội là nếu thấy giá cao bất thường thì Chính phủ phải cho phép xem xét lại những chỗ đấu thầu ấy.
Các văn bản ngoài đấu thầu đã được kê khai và chúng ta phải tôn trọng nguyên lý kinh tế thị trường vì nguyên tắc của Luật Dược là tôn trọng giá thuốc do doanh nghiệp định và kê khai với các cơ quan nhà nước.
PV: Phải chăng vì mỗi nơi đấu thầu một giá nên từ trước tới nay chúng ta phải mua thuốc giá quá cao?
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên: Không phải người sử dụng phải mua giá thuốc quá cao. Trong kết quả đấu thầu mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố thì có tình trạng giá thuốc khác nhau giữa các cơ sở y tế đấu thầu, giữa các hội đồng đấu thầu khác nhau, giữa các tỉnh khác nhau.
Ví dụ như cùng một loại thuốc, cùng một loại chất lượng thì giá đấu thầu ở tỉnh này là 1,5 đồng thì ở tỉnh khác lại chỉ có 1 đồng.
Khi mà kiểm tra người ta bảo làm đúng luật đấu thầu. Trừ trường hợp khi mà phát hiện ra gian lận thì công an mới vào cuộc.Còn người ta công bố rằng tất cả đúng thủ tục rồi thì chúng ta cũng chịu.
Chúng tôi có trao đổi lại với bộ phận làm Luật Đấu thầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì họ nói là không có quy định gì cả.
Vì vậy, tôi đề nghị ngay trong Luật Dược này, khi chúng ta phát hiện ra giá thuốc cao bất thường chênh lệch giữa các khu vực thì Chính phủ phải vào cuộc yêu cầu chỗ đấu thầu cao phải đàm phán lại cho giá hợp lý.
Anh không thể để mất tiền của nhà nước được. Vấn đề này là do chúng ta không có quy định. Ngay khi bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố mặt bằng đấu thầu giữa các tỉnh, có trường hợp tỉnh này cao, tỉnh kia thấp thì các tỉnh đã phản ứng.
Các hội đồng đấu thầu cho rằng, đã làm đúng luật và không có gì sai. Họ cũng đề nghị phải chỉ ra cái sai, nếu họ sai họ sẽ chịu trách nhiệm.
PV: Xin cảm ơn ông!