Phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%

Thứ tư, 28/07/2021 10:40
(ĐCSVN)– Sáng ngày 28/7, với 479/479 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết: Một số ý kiến ĐBQH đề nghị trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID -19, cần có giải pháp quyết liệt giảm tỷ lệ chi thường xuyên xuống 60%, tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển (ĐTPT) lên 29% tổng chi Ngân sách Nhà nước (NSNN).

UBTVQH xin tiếp thu, giải trình như sau: Trong cơ cấu chi thường xuyên hiện nay, tỷ trọng chi tiền lương, chi cho con người chiếm khoảng 61-62%. Trong dự toán chi thường xuyên Ngân sách Trung ương, các khoản chi được ưu tiên bao gồm: chi quốc phòng, an ninh, chi lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công, chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội... Do vậy, việc phấn đấu giảm thêm chi thường xuyên chỉ có thể tập trung ở lĩnh vực chi quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao. Việc cắt giảm chi thường xuyên cần có lộ trình tương ứng với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.

leftcenterrightdel
 Quốc hội làm việc tại Hội trường thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Ảnh: TH.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ cân đối NSNN tích cực hơn nữa, tiếp tục phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên để tăng tỷ trọng chi ĐTPT lên 29%, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% tổng chi NSNN”, ông Cường nói.

Nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nợ công theo kế hoạch trung hạn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất giữa kế hoạch tài chính với kế hoạch đầu tư công, kế hoạch vay trả nợ công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đảm bảo kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được sử dụng làm căn cứ phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương cấp tỉnh, thành phố hàng năm. Đẩy mạnh việc phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có các vi phạm theo quy định của pháp luật…

 Nghị quyết đề ra các mục tiêu cụ thể: 

Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, từ thuế, phí khoảng 13 - 14% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 85-86% tổng thu ngân sách nhà nước.

Tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%. 

Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó: chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng. 

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP, trong đó: bội chi ngân sách trung ương bình quân 3,4% GDP, bội chi ngân sách địa phương bình quân 0,3% GDP; trong tổ chức thực hiện, phấn đấu giảm xuống dưới 3,7% GDP.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021 - 2025 là 3,068 triệu tỷ đồng, trong đó mức vay của ngân sách trung ương khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng; tổng mức vay của ngân sách địa phương khoảng 148 nghìn tỷ đồng, mức vay của từng địa phương trong phạm vi giới hạn nợ theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ của chính quyền địa phương khoảng 35,3 nghìn tỷ đồng.

 Bảo đảm an toàn nợ công, với các mục tiêu: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, ngưỡng cảnh báo là 55% GDP; Trần nợ Chính phủ hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; Trần nợ nước ngoài của quốc gia hằng năm không quá 50% GDP; ngưỡng cảnh báo là 45% GDP; Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ...

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực