Hà Nội: Tìm giải pháp khắc phục những vướng mắc trong đầu tư, khai thác thiết chế văn hóa, thể thao

Thứ hai, 25/04/2022 15:11
(ĐCSVN) - Sáng 25/4, tại phiên giải trình của HĐND thành phố (TP) Hà Nội về đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn TP, nhiều nội dung liên quan đến những vướng mắc trong đầu tư, khai thác các thiết chế văn hóa đã được làm rõ như các dự án văn hóa chậm triển khai; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa hoàn thành; công viên, khu vui chơi, giải trí chưa khai thác hiệu quả…
Phiên giải trình nhận được sự quan tâm, chất vấn của nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội. 

Chậm triển khai 20 năm do vướng… giải phóng mặt bằng

Làm rõ câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Tâm về Dự án công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa (gọi tắt là công viên văn hoá Đống Đa) được phê duyệt từ 2001, đến nay hơn 20 năm vẫn chậm triển khai và giải pháp tháo gỡ cho thời gian tới, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, dự án công viên Đống Đa có từ năm 1998, có quyết định thu hồi đất tại 3 phường. Trong quá trình giải phóng mặt bằng đã thực hiện trên 9000 m2 của 132 hộ và khoảng 10.000 m2 tại khu bãi đất lấn chiếm.

Năm 2007, thành phố có văn bản giao Công ty BRG đề xuất lập quy hoạch, đầu tư xây dựng công viên văn hoá, tuy nhiên từ đó đến nay chưa thực hiện được. "Khó khăn vướng mắc chính là về giải phóng mặt bằng, vướng mắc về chế độ chính sách tái định cư, giá đền bù chưa thoả đáng" - ông Lê Tuấn Định cho biết.

Năm 2019, quận đã có 2 văn bản gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc để báo cáo UBND TP về rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Năm 2021, TP đã có văn bản giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng và các quận liên quan rà soát, báo cáo về dự án…

Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định phát biểu tại phiên giải trình. 

Thông tin thêm về dự án này, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết, về bản chất có thể thấy khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất 8,5 ha của giai đoạn 1, việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9 ha.“Đây là vướng mắc với chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua”, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Cũng theo ông Trúc Anh, năm 2021, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Bí thư Thành uỷ Hà Nội và UBND TP, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng 2 quận: Ba Đình và Đống Đa tổ chức rà soát một số dự án đã triển khai giai đoạn 1, trong đó có bãi đỗ xe Thái Hà, trường mầm non, trung tâm chiếu phim Quốc gia. Các bên cũng đang tập trung hoạch định lại phạm vi ranh giới dự án. Riêng vấn đề giải phóng mặt bằng, tới đây quận Đống Đa và Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở có rà soát về ranh giới mới. Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với TP về ranh giới mới của dự án.

Theo ông Nguyễn Trúc Anh, nếu 2 quận đáp ứng được tiến độ rà soát dự án thì Sở Quy hoạch - Kiến trúc trong nửa đầu năm 2022 sẽ trình UBND TP về phương án điều chỉnh công viên văn hoá Đống Đa.

Đối với dự án Bảo tàng Hà Nội - một công trình văn hóa trọng điểm được TP quan tâm đầu tư nhưng "đắp chiếu" nhiều năm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Dự án bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng số kinh phí là trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều “hội tụ” của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Vì thế, rất mất nhiều thời gian.

 Nguồn: VTV

Giai đoạn 1 của Dự án gồm tòa nhà Bảo tàng đã hoàn thành năm 2010 để kịp chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của Dự án, phần nội dung trưng bày hiện vật, khái toán khoảng 800 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào năm 2015, sau 8 năm vẫn chưa hoàn thành.

Nêu thêm về những nguyên nhân khách quan trong thực hiện dự án này, ông Hồng cho biết, UBND TP Hà Nội đã thành lập hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, TP đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê. Tới năm 2020, UBND TP phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là trong những năm vừa qua, chủ đầu tư Dự án cũng liên tục thay đổi từ Sở Xây dưng, Sở Văn hóa và Thể thao, tới nay là Bảo tàng Hà Nội...

Ông Hồng bày tỏ: Khi tiếp cận với công việc này, chúng tôi đã rà soát lại Dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành nhiều cấp, đặc biệt là trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng cần sự tư vấn của các chuyên gia.

“Thời điểm dịch COVID-19, chúng tôi đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay cơ bản được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31/3. Sau khi thanh tra xong sẽ báo cáo UBND phê duyệt điều chỉnh dự án này”, ông Hồng cho hay.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, ông Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao. Đồng thời cho biết, dự án này rất khó, trải qua nhiều công đoạn với nhiều nguyên nhân khách quan… Dự kiến trong tháng 5, Sở Xây dựng sẽ thẩm định phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND TP phê duyệt lại các nội dung có liên quan. Cuối tháng 8 sẽ trình hoàn thiện xây dựng thiết kế thi công, cuối tháng 9 thực hiện dự án thiết kế...

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng  trả lời câu hỏi các đại biểu. 

“Chúng tôi quyết tâm cố gắng tới giữa năm 2024 kết thúc dự án này. Nếu được sẽ hoàn thiện phần trưng bày vào năm 2023 để chạy thử, nghiệm thu”, ông Hồng cho biết.

Đầu tư đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP Hà Nội cần có lộ trình, giải pháp cụ thể để đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở. Theo các đại biểu, mặc dù trong những năm qua, HĐND TP có những cơ chế đặc thù, các quận cũng hỗ trợ các huyện khó khăn để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa. Tuy nhiên đến nay, nhiều mục tiêu xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở chưa hoàn thành, như nhà văn hóa thôn làng mới đạt 97% so với yêu cầu 100% vào năm 2020; 5 đơn vị chưa có nhà văn hóa cấp huyện. Trong khi đó còn 50,5% nhà văn hóa thôn, tổ dân phố chưa đạt chuẩn, nhiều nhà văn hóa xuống cấp không chỉ ở các huyện khó khăn, mà còn ở các quận... Do đó, các đại biểu đề nghị UBND TP nêu nguyên nhân chậm triển khai và giải pháp thời gian tới? Ngoài ra, một số khu chung cư tái định cư trên địa bàn TP hiện chưa bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, đại biểu đề nghị TP nêu lộ trình giải quyết.

Về các nhà sinh hoạt cộng đồng trong khu chung cư tái định cư, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, toàn TP có 187 tòa, trong đó có 175 tòa chung cư tái định cư và 12 tòa có diện tích tái định cư nằm trong các chung cư thương mại. Hiện nay, Sở đã rà soát, trong 175 tòa chung cư tái định cư, 81 tòa có thiết kế nhà sinh hoạt cộng đồng, 94 tòa không có thiết kế diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng. Trong đó, 70/81 tòa đã bố trí và bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị; 11 tòa chưa thành lập ban quản trị nên chủ đầu tư chưa bàn giao để phục vụ mục đích nhà sinh hoạt cộng đồng.

Đối với 94 tòa không có diện tích bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng, Sở đã rà soát, bố trí, thu hồi phần diện tích kinh doanh dịch vụ để chuyển đổi công năng sang nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, 73 tòa hoàn thành việc bố trí chuyển đổi. 8 tòa đang tiếp tục rà soát để bố trí chuyển đổi và hoàn thành chậm nhất trong quý IV/2022...

Trả lời chung về nhóm nội dung này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong suốt thời gian vừa qua, công tác đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm chỉ đạo, đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai. Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP đã tăng thêm 60 nhà văn hóa cấp xã, 508 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng. Hiện còn thiếu 40 nhà văn hóa, trong đó 23 nhà văn hóa vướng mắc chưa có địa điểm triển khai, 17 nhà văn hóa chưa có thủ tục bố trí vốn để triển khai dự án.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên giải trình. 

Tuy được quan tâm, nhưng còn một số đơn vị thiếu thiết chế văn hóa, trong khi công tác quản lý, sử dụng các thiết chế còn một số bất cập. Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho rằng, nguyên nhân là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền đối với việc hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành TP cũng chưa tích cực, dẫn đến chậm tiến độ. Ngoài ra, kinh phí đầu tư từ TP đến cơ sở cũng hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, trong khi việc thu hút nguồn lực xã hội, nhất là ở các huyện còn khó khăn...

Để hoàn thành các mục tiêu theo yêu cầu, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết, TP sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, TP tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy các kết quả đạt được, tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở. Rà soát cập nhật quy hoạch văn hóa Hà Nội vào Quy hoạch chung của TP. Tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Ban hành các cơ chế chính sách cho các thiết chế văn hóa thể thao, phù hợp với thực tế. Đồng thời, TP chú trọng khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư các thiết chế văn hóa; ban hành quy chế quản lý, khai thác và hoạt động của các nhà văn hóa cấp xã, thôn, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn...

Làm rõ giải pháp đối với các dự án chậm triển khai

Phát biểu tại phiên giải trình, đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, về cơ bản, 4 nhóm vấn đề cử tri quan tâm đã được các Sở, ban, ngành TP và các đồng chí lãnh đạo UBND TP trực tiếp báo cáo, trả lời khá đầy đủ, chi tiết. Đặc biệt một số đồng chí đã thể hiện cam kết lộ trình giải quyết, khắc phục.

Đối với những vấn đề các vị đại biểu HĐND TP trao đổi trực tiếp nhưng cần có thời gian rà soát để cung cấp những số liệu cụ thể, biện dẫn những quy định còn chưa thống nhất trong hệ thống cơ chế, chính sách vướng mắc, UBND TP sẽ chỉ đạo và yêu cầu các thành viên UBND TP nghiêm túc trả lời bằng văn bản, kịp thời gửi đến các vị đại biểu HĐND TP trong thời gian sớm nhất.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, trong những năm gần đây, Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hoá của TP, hằng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá, thể thao tham gia đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao nhằm đa dạng hoá các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân, tiêu biểu như: TP đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi 25.600 tỷ đồng; 44 dự án thể thao 9.824 tỷ. Trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng); Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng); các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ rõ, một số quận, huyện có cách làm sáng tạo như: Quận Cầu Giấy xây dựng khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ quận đến tổ dân phố, đầu tư khu vui chơi giải trí cho trẻ em trong công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô và 3 Trung tâm văn hóa thể thao phường. Quận Long Biên có 90% tổ dân phố có nhà văn hóa và đã có 57 điểm được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cơ bản tại các nhà văn hóa, vườn hoa, khu công cộng theo hình thức mở để Nhân dân được tự do luyện tập vào tất cả thời gian. Hầu hết diện tích đất xen, kẹt giáp ranh khu vực dân cư hoặc giáp các dự án đã được quận đầu tư để xây dựng vườn hoa, sân chơi vừa làm đẹp đô thị vừa quản lý đất đai, vệ sinh môi trường, đồng thời là chỗ vui chơi, luyện tập cho Nhân dân. Tại quận Hoàn Kiếm, nhiều tổ dân phố không có nhà văn hóa nhưng quận đã vận dụng kết hợp với đình, đền làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhiều huyện mặc dù còn khó khăn nhưng đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa ở thôn như Đông Anh đạt 99,2%, Ứng Hòa đạt 97,9%, và rất nhiều sáng tạo khác từ cơ sở.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu giải trình. 

Nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được nhận diện rõ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải có biện pháp xử lý gắn với trách nhiệm, lộ trình thực hiện ngay. Trong đó, với dự án Công viên Kim Quy thì trách nhiệm UBND TP chậm trễ có lịch sử liên quan nhưng thời gian qua cơ bản các vướng mắc đã được tháo gỡ.

Với dự án công viên văn hóa thể thao vui chơi Đống Đa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các Sở, ngành, quận liên quan ở quận dứt điểm điều chỉnh quy hoạch xong trong hai tháng nữa…Với 40 công trình các nhà văn hóa còn lại, thành phố sẽ tổng hợp, xem xét cụ thể....

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu rõ các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể: Theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng và TP, các đơn vị phải rà soát, cập nhật quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung để xử lý dứt điểm khâu quy hoạch sớm nhất; quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao; dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa; bố trí ngân sách trong kế hoạch hàng năm để đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ) và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư... “Nơi làm tốt thì nhân rộng mô hình. Việc đầu tư, quản lý có lộ trình cụ thể thì sẽ khai thác một cách hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực